13/03/2018 - 15:01

3 người tử vong, 1 người hôn mê do uống rượu ngâm rễ cây

Đến sáng 13/3, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) vẫn đang tích cực điều trị cho anh Lữ Văn Khăm, 24 tuổi, một trong 4 nạn nhân nghi bị ngộ độc rượu. Hiện anh Khăm vẫn đang hôn mê sâu.

Trước đó, vào 15h ngày 12/3, Bệnh viện đa khoa huyện Kỳ Sơn tiếp nhận 4 trường hợp cùng trú tại bản Chà Lắn, xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn được đưa vào cấp cứu trong tình trạng tím tái, nôn mửa, khó thở.

Các bác sĩ đã cấp cứu, hồi sức, cho bệnh nhân thở máy. Tuy nhiên, ngay sau đó 3 người trong một gia đình đã tử vong, đó là anh Moong Văn Đi và vợ là Lô Thị Văn (cùng sinh năm 1978), em trai anh Đi là Moong Văn Mươi (sinh năm 1984). Còn anh Lữ Văn Khăm là em rể của anh Đi.

Theo người thân của các nạn nhân, vào trưa 12/3, các  nạn nhân trên đã uống rượu ngâm rễ cây rừng trong bữa cơm trưa và ngay sau đó có biểu hiện nghi bị ngộ độc rượu.

Hiện, Trung tâm Y tế dự phòng huyện Kỳ Sơn đang phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương xác định nguyên nhân gây ngộ độc cho các nạn nhân. Bình rượu các nạn nhân uống cũng đã được cơ quan chức năng thu giữ để phục vụ điều tra.

Xử lý thế nào khi bị ngộ độc rượu ngâm rễ cây?

Tình trạng sử dụng các loại rễ cây, củ cây rừng để ngâm rượu uống, sử dụng củ ấu tẩu chế biến món ăn… diễn ra khá phổ biến ở các địa phương vùng miền núi. Nếu không biết cách sử dụng củ ấu tẩu, hay ngâm rượu với rễ, củ cây rừng mà không biết rõ công dụng sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng. Đã có nhiều vụ ngộ độc củ ấu tẩu, uống rượu ngâm rễ, củ cây rừng dẫn đến chết người.

Theo các bác sĩ, người dân không nên ngâm các loại rễ cây với rượu để uống hay xoa bóp nếu không biết tác dụng điều trị bệnh của các loại rễ này. Ngay cả những loại củ, rễ cây đã được nghiên cứu và kết luận có tác dụng chữa bệnh cũng không thể dùng bừa bãi, vì nó có thể tốt khi điều trị bệnh này, nhưng lại có hại trong trường hợp khác.

Chẳng hạn, trái nhàu vẫn được y học cổ truyền dùng ngâm rượu để uống giúp hạ huyết áp, trị đau mỏi lưng, đau nhức người. Nhưng nó chỉ có hiệu quả khi dùng cho người đau lưng do công việc, đau nhức do trái gió, trở trời. Còn với người đau lưng do bệnh lý về thận, sỏi thận, nếu uống rượu ngâm nhàu thì bệnh tình thêm trầm trọng.

Hay cây dương địa hoàng, đừng nghe nói loài cây này có tác dụng chữa bệnh tim mạch, mà đem ngâm rượu uống, sẽ bị trúng độc rất nguy hiểm vì cây này phải qua điều chế mới có tác dụng chữa rối loạn tim mạch được.

Trường hợp sử dụng rượu ngâm ấu tẩu dùng để xoa bóp ngoài da phải dán nhãn rõ ràng, cất giữ nơi an toàn, xa tầm tay trẻ em và người già để tránh nhầm lẫn khi sử dụng.

Các cấp chính quyền, ngành chức năng ở các địa phương, ngoài tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân, cần có giải pháp xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm.

Khi có biểu hiện ngộ độc củ ấu tẩu, ngộ độc rượu ngâm với rễ và củ cây rừng, cần nhanh chóng gây nôn cho bệnh nhân, sau đó khẩn trương đưa tới bệnh viện cấp cứu. Tuyệt đối không để người bị ngộ độc ở nhà để tự theo dõi và điều trị, người bệnh có thể nhanh chóng bị suy hô hấp, loạn nhịp tim dẫn đến tử vong.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Chia sẻ bài viết