18/05/2018 - 07:05

2/3 dân số thế giới sống ở đô thị vào năm 2050

Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, 68% dân số thế giới sẽ sinh sống tại các thành phố vào giữa thế kỷ này, so với mức khoảng 55% hiện nay.

Tình trạng trên sẽ kéo theo sự xuất hiện của nhiều siêu đô thị, nơi có dân số từ 10 triệu người trở lên. Hiện chỉ có 33 siêu đô thị trên toàn cầu và số siêu đô thị vào năm 2030 được dự báo là 43, chủ yếu là ở các nước đang phát triển. “Sự tập trung ngày càng gia tăng của dân số ở các thành phố sẽ khiến cho các dịch vụ được cải thiện. Theo đó, thị dân có thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục tốt hơn” -  Giám đốc Ủy ban Dân số LHQ John Wilmoth nhận định.

Tokyo (Nhật Bản) hiện là thành phố lớn nhất thế giới với 37 triệu dân, tiếp theo là Delhi (Ấn Độ) 29 triệu, Thượng Hải (Trung Quốc) 26 triệu; Mexico City (Mexico) và São Paulo (Brazil), mỗi thành phố có khoảng 22 triệu dân; Cairo (Ai Cập), Mumbai (Ấn Độ), Bắc Kinh (Trung Quốc) và Dhaka (Bangladesh) với gần 20 triệu dân mỗi thành phố. Tuy nhiên, Delhi sẽ vượt qua Tokyo trở thành thành phố đông dân nhất thế giới vào năm 2028. Khi đó, Ấn Độ cũng được dự đoán sẽ vượt qua Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất hành tinh.

HOÀNG NAM (Theo Guardian)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Liên Hiệp Quốc