13/06/2013 - 22:02

10 năm đưa pháp luật vào cuộc sống

Luật sư và cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý thành phố (phía bên phải) đang tư vấn pháp luật cho người dân tại phường Lê Bình, quận Cái Răng. Ảnh: S.H

Cuối năm 2003, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị 32-CT/TW (CT32) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, công tác này được thành phố Cần Thơ nỗ lực thực hiện. Sau gần 10 năm thực hiện CT32 và cũng gần 10 năm thành phố trực thuộc Trung ương, công tác tuyên truyền PBGDPL ngày càng đi vào nề nếp, với nhiều mô hình, cách thức tuyên truyền hiệu quả, thiết thực đi vào lòng dân…

Đa dạng hóa hình thức phổ biến pháp luật

Cuối tháng 3-2013, Sở Tư pháp TP Cần Thơ đã khẩn trương tổ chức chỉ đạo điểm, cho ra mắt 3 Quán cà phê Pháp luật (CPPL) tại xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ. Mô hình này được coi là tuyên truyền pháp luật ra dân có hiệu quả, đang được Sở tổ chức nhân rộng ra các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Xuất phát điểm của mô hình này là ở phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt. Từ năm 2007, ở khu vực Đông Bình, phường Tân Lộc hình thành quán CPPL đầu tiên. Đến nay, trên địa bàn quận Thốt Nốt đã có 34 quán CPPL. Chú Trương Thành Long, chủ quán Thành Long, quán CPPL đầu tiên (ở khu vực Đông Bình, phường Tân Lộc), bộc bạch: “Hồi đó, tôi có thói quen đọc báo, sau khi đọc xong tập hợp lại, đóng kệ để lên cho bà con đến uống cà phê coi. Thấy cách làm này có hiệu quả, nên khu vực đến vận động tôi làm kệ sách pháp luật. Ban đầu chỉ là  kệ sách, nhưng sau một thời gian thấy để sách trên kệ dễ bị bụi bặm, quăn góc, nên phường đã vận động xã hội hóa đóng tủ sách pháp luật để bảo quản sách được kỹ lưỡng hơn”. Người dân hễ có tranh chấp hay cần tìm hiểu về luật là tìm đến quán của chú Long để vừa uống cà phê vừa được chú Long hướng dẫn tìm đúng sách để đọc, thậm chí có khi chú Long “kiêm” luôn người tuyên truyền pháp luật. Anh Trương Văn Ngọc Luận, nhà ở gần quán Thành Long, nói: “Buổi trưa, tôi thường ghé quán chú Long đọc báo. Thỉnh thoảng lấy sách pháp luật ra đọc để mở rộng kiến thức và biết những quy định của pháp luật”.

Ông Đỗ Trung Ngôn, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Lộc, cho biết: “Tác dụng của Quán CPPL là không thể phủ nhận, giúp đưa pháp luật đến với người dân một cách thuận tiện, dễ dàng nên phường đã cho nhân rộng mô hình này ra tất cả khu vực”. Quán CPPL Loan, ở khu vực Thới Thạnh 1, phường Thới Thuận, nằm ở mặt tiền quốc lộ 91 và gần với khu công nghiệp quận Thốt Nốt, nên rất thuận tiện cho công nhân tìm hiểu pháp luật. Chú Lương Công Trinh, chủ Quán CPPL Loan, nói: “Nhờ nằm gần khu công nghiệp, lượng công nhân mỗi khi tan ca nghỉ trưa đông nên kệ sách pháp luật đặt trong quán được rất nhiều người tìm đọc”. Anh Châu Tuấn Khanh, cán bộ tư pháp, hộ tịch phường Thới Thuận, nói: “Sách, báo, tờ rơi đặt tại các quán do địa phương trang bị và quận cũng có cấp thêm. Hằng tháng, số sách, báo… được luân chuyển giữa các quán với nhau để người dân được tìm hiểu nhiều hơn”.

Hằng tháng, tại các Quán CPPL trên địa bàn quận, Phòng Tư pháp quận còn kết hợp với phường tổ chức sinh hoạt trợ giúp pháp lý (TGPL) nên thu hút người dân đến tìm hiểu pháp luật ngày một đông. Thông qua công tác TGPL người dân còn được tư vấn và hướng dẫn những thủ tục liên quan đến pháp luật hoặc các thủ tục hành chính. Ông Lê Hồng Khuyến, Trưởng phòng Tư pháp quận Thốt Nốt, cho biết: “Hoạt động TGPL lưu động đến địa bàn dân cư được đẩy mạnh, mang lại hiệu quả thiết thực, đi vào chiều sâu, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các đối tương, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân”. Xác định được hiệu quả thiết thực của công tác TGPL, quận Bình Thủy đang xây dựng cho ra mắt 8 câu lạc bộ TGPL. Theo Phòng Tư pháp quận Bình Thủy, 10 năm qua, tư pháp quận cũng đã phối hợp với Trung tâm TGPL thành phố tổ chức được 40 cuộc TGPL lưu động, thu hút hơn 435 lượt bà con đến dự và tư vấn cho 120 lượt người về các lĩnh vực đất đai, dân sự, ưu đãi chính sách, hành chính và tố tụng hành chính…    

Bên cạnh đó, để đưa pháp luật đến gần dân hơn, trong suốt 10 năm thực hiện CT32, các địa phương luôn chú trọng công tác hòa giải cơ sở, coi công tác này là một kênh tuyên truyền pháp luật có hiệu quả. Theo từng năm, công tác này đều có sự cải tiến, phát triển. Chú Võ Văn Việt, Tổ trưởng Tổ hòa giải khu vực Thới Hòa, phường Thới An, quận Ô Môn, nhiều năm làm công tác hòa giải, cho biết: “Trước đây, công tác hòa giải chủ yếu do người hòa giải khéo nói thì hòa giải thành. Nhưng nay đời sống, trình độ dân trí nâng lên, đòi hỏi người hòa giải phải am hiểu pháp luật và có kỹ năng mới có thể thuyết phục được người dân. 5 năm trở lại đây, đội ngũ hòa giải viên được tạo điều kiện tập huấn 1 năm 2 lần nên pháp luật càng “thấm” và kỹ năng hòa giải cũng ngày một nâng lên”. 

Để phát huy những mô hình hiệu quả

Theo Hội đồng PBGDPL thành phố, trong 10 năm qua, các cấp, ngành, đoàn thể thành phố đã tuyên truyền 449.128 cuộc về các quy định pháp luật thông qua hội nghị, hội thảo, tập huấn…; tổ chức TGPL 18.861 cuộc cho hơn 230.700 lượt người; tư vấn pháp luật cho 1.425 lượt người; hòa giải thành 31.189 vụ việc…

Mô hình Quán CPPL đang được thành phố tập trung nhân rộng, tuy nhiên, để mô hình phát huy hiệu quả,  chú Lương Công Trinh, chủ Quán CPPL Loan, đề nghị: “Địa phương nên thường xuyên bổ sung đầu sách mới; khi có những quy định sửa đổi bổ sung thì kịp thời cập nhật, có như vậy mới thu hút nhiều người đến quán đọc sách”. Theo ông Nguyễn Thanh Vân, công nhân ở Khu công nghiệp Thốt Nốt, các Quán CPPL nên có các loại sách pháp luật phù hợp với từng đối tượng ở nơi đó. Như công nhân đi làm thì cần xem các quy định pháp luật liên quan đến lao động, bảo hiểm, giao thông… có như vậy thì sách pháp luật mới phát huy hiệu quả.

Còn công tác TGPL, ít hiệu quả ở khu vực thành thị, nhưng lại được người dân nông thôn hưởng ứng. Theo một cán bộ TGPL, dân cư thành thị được tiếp xúc nhiều với các phương tiện truyền thông nên có điều kiện am hiểu các quy định pháp luật, đồng thời dễ dàng tìm gặp luật sư hay những người am hiểu pháp luật để tư vấn hơn so với bà con nông thôn… Theo ý kiến cán bộ Phòng Tư pháp quận Bình Thủy, một số địa phương chưa quan tâm triển khai sâu rộng về lợi ích của hoạt động TGPL đến nhân dân… do đó, người dân chưa thấy được tác dụng của công tác TGPL. Để giúp người dân tiếp cận với các quy định pháp luật, các vấn đề pháp lý có liên quan đến cuộc sống hằng ngày, thì quận phải chủ động liên hệ tổ chức các buổi TGPL tại phường. Theo Trung tâm TGPL thành phố, để công tác TGPL phát huy hiệu quả, thành phố cần tạo điều kiện để Trung tâm tổ chức tập huấn cho đội ngũ thực hiện TGPL; cung cấp thêm tài liệu, sách, tờ gấp pháp luật có liên quan phục vụ cho công tác TGPL lưu động, phổ biến pháp luật…

Ngoài các hình thức tuyên truyền trên, thực hiện CT32, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của thành phố đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều phương thức tuyên truyền để đưa pháp luật đến gần dân hơn. Thành phố đang thí điểm thành lập Câu lạc bộ Pháp luật ở tất cả các khu vực của quận Cái Răng. Song song đó, các phường đưa vào nghị quyết của Đảng bộ là chỉ đạo các câu lạc bộ pháp luật phải sinh hoạt định kỳ hằng tháng. Thời gian qua một số đơn vị, quận huyện còn thực hiện có hiệu quả “Ngày pháp luật” thông qua sinh hoạt chuyên đề điểm cho đối tượng thanh thiếu niên, có mời bí thư và tư pháp quận, huyện dự để về nhân rộng. Bên cạnh đó, một số hình thức PBGDPL có hiệu quả được các địa phương, ban, ngành, đoàn thể áp dụng như: PBGDPL lồng ghép văn hóa, văn nghệ; giáo dục pháp luật thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa, các tiết học giáo dục ngoài giờ lên lớp trong hệ thống trường học; thông qua công tác vận động quần chúng chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của chính quyền các cấp; xây dựng các loại tài liệu PBGDPL…

Bà Phan Quỳnh Dao, Trưởng phòng PBGDPL, Sở Tư pháp TP Cần Thơ, cho biết: “Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và địa phương luôn xác định công tác PBGDPL là công tác giáo dục chính trị tư tưởng và là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, nên công tác này ngày càng đi vào chiều sâu, ngày càng có nhiều mô hình tuyên truyền mới và hiệu quả. Đội ngũ làm công tác PBGDPL được củng cố, huy động sức mạnh của các lực lượng trong xã hội tham gia và nâng cao năng lực hoạt động. Thời gian tới, với chủ trương hướng về cơ sở, các địa phương cần thường xuyên đổi mới hình thức, biện pháp PBGDPL phù hợp với từng đối tượng, nhất là người dân ở cơ sở; cần tổ chức nhiều hội thi, cuộc thi (sân khấu, trắc nghiệm) tìm hiểu về kiến thức pháp luật, lồng ghép văn hóa, văn nghệ với tuyên truyền PBGDPL nhằm giúp người dân nắm bắt được nội dung pháp luật tốt hơn”.

Ngày 1-1-2013, Luật PBGDPL có hiệu lực, đây là tiền đề để các ngành chức năng đẩy mạnh hơn nữa công tác PBGDPL. Với những nỗ lực của các ngành chức năng thành phố, pháp luật sẽ ngày càng đến gần với người dân, giúp người dân sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Đó cũng là mục tiêu trọng tâm của công cuộc cải cách hành chính, xây dựng nhà nước pháp quyền, đảm bảo phục vụ tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng của người dân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

SƠN HÀ

 

Chia sẻ bài viết