07/10/2018 - 10:20

“Vùng đất chết” Chernobyl mang hơi thở mới 

Ukraine vừa khánh thành một nhà máy gắn các tấm pin năng lượng mặt trời (NLMT) tại nơi từng là nhà máy điện Chernobyl, trong bối cảnh quốc gia Đông Âu này tìm cách sử dụng NLMT để mang đến một đời sống mới cho địa điểm xảy ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới hồi năm 1986.

Các tấm pin năng lượng Mặt trời tại Chernobyl (Ukraine). Ảnh: Reuters

Nhà máy trị giá 1 triệu euro (1,2 triệu USD), có khả năng tạo ra 1 megawatt năng lượng điện tái tạo này được xây dựng trên một khu vực nhiễm độc rộng 1,6ha và chỉ nằm cách 100m với phần mái vòm bằng kim loại khổng lồ đang đóng kín phần còn lại của nhà máy điện Chernobyl cũ. Nhờ trang bị 3.800 tấm pin NLMT, cơ sở mới tại Chernobyl có thể cung cấp điện cho một ngôi làng diện tích trung bình chứa khoảng 2.000 gia đình. Tuy vậy, kế hoạch cuối cùng là sản xuất 100 megawatt tại địa điểm vốn không thể được sử dụng cho nông nghiệp do nhiễm phóng xạ.

“Hôm nay chúng tôi sẽ kết nối trạm với hệ thống điện của Ukraine” - Yevgen Varyagin, giám đốc Solar Chernobyl  (công ty Ukraine-Đức đứng đằng sau dự án), thông báo tại buổi lễ khánh thành nhà máy mới. Reuters cho hay nhà máy là dự án hợp tác chung giữa công ty Rodina của Ukraine và công ty Enerparc AG của Đức và được hưởng lợi từ thuế xuất nhập khẩu giúp đảm bảo được một mức giá điện nhất định.

Trước đó, giới chức Ukraine đã dành ra gần 2.500ha đất để mời các nhà đầu tư xây dựng các tấm pin NLMT và giá rẻ của khu đất cũng là một điểm hấp dẫn bởi nó cung cấp các kết nối tới lưới điện. Theo các chuyên gia, giới đầu tư nước ngoài bị thu hút vì Ukraine sẽ mua điện NLMT với giá trung bình cao hơn 50% so với giá châu Âu. Trên thực tế, Ukraine đã ngừng mua khí đốt tự nhiên từ Nga vài năm qua, nhằm đa dạng hóa sản xuất điện năng nội địa.

Như vậy, đây là lần đầu tiên “vùng đất chết” Chernobyl sản xuất điện năng từ năm 2000, khi nhà máy hạt nhân cuối cùng tại đây bị đóng cửa. Người đứng đầu nhà máy hạt nhân Chernobyl, ông Valery Seyda, cho biết: “Bây giờ chúng ta đang nhìn thấy một chồi non mới vẫn còn nhỏ yếu, song đang sản xuất điện trên địa điểm này và đó là điều rất đáng vui mừng”.

Được biết, lò phản ứng số 4 của nhà máy hạt nhân Chernobyl phát nổ vào ngày 26-4-1986 và một số ước tính cho thấy bụi phóng xạ đã làm bẩn đến 3/4 châu Âu - đặc biệt là tới Nga, Ukraine và Belarus. Sau thảm họa hạt nhân này, hàng trăm ngàn người dân đã được sơ tán khỏi Chernobyl, khiến một vùng đất rộng hơn 2.000km2 bị bỏ hoang đến nay. Theo giới chức Ukraine, con người không thể quay lại nơi này sinh sống trong vòng 24.000 năm nữa!

NG. CÁT (Theo AFP, Reuters)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Chernobyl