11/02/2018 - 14:31

“Vành đai, Con đường” của Nhật Bản 

Nhật Bản đang đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế và tăng cường đầu tư theo kiểu “Vành đai, Con đường - BRI” của Trung Quốc.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi trong một cuộc gặp hồi tháng 9-2017. Ảnh: AP

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi trong một cuộc gặp hồi tháng 9-2017. Ảnh: AP

Theo đó, lần đầu tiên trong vòng 15 năm qua, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cùng một phái đoàn gồm nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp xứ hoa anh đào hồi tháng rồi đã có chuyến thăm với Sri Lanka với mong muốn tăng cường quan hệ kinh tế giữa hai nước sau một năm Tokyo và Colombo tăng cường hợp tác an ninh. Chuyến thăm này cho thấy Sri Lanka đang dần trở thành một mô hình thu nhỏ của cuộc cạnh tranh địa chính trị ngày càng nóng lên giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Được biết, Sri Lanka hồi cuối năm ngoái đã bàn giao cảng nước sâu Hambantota cho Trung Quốc để trang trải các khoản nợ của nước này đối với Bắc Kinh. Như vậy, sau Pakistan, Sri Lanka là một trong những ví dụ rõ ràng nhất về cách mà BRI của Trung Quốc đang khiến các quốc gia láng giềng lo ngại về ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh.

Nhằm cạnh tranh với Trung Quốc, Ngoại trưởng Kono đã tới một cảng lớn khác của Sri Lanka cũng tại Colombo. Tại đây, ông Kono đã công bố kế hoạch nhằm xây dựng nhà ga nhập khẩu khí đốt tự nhiên ở Sri Lanka. Đây chỉ là một trong những “cơn lốc” những dự án đầu tư của Nhật Bản tại Đông Nam Á, Pakistan cho đến các quốc gia vùng Baltic trong những tháng gần đây.

Có thể nói, Nhật Bản giờ đây đã trở thành một trong những nước đi đầu trong việc kiềm chế các kế hoạch của Trung Quốc nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng của mình trên khắp châu Á và châu Âu. Để làm được điều này, Tokyo đang tăng cường hợp tác với các nước khác, đặc biệt là Ấn Độ, để triển khai một kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá lên tới 200 tỉ USD. Xứ Mặt trời mọc thậm chí tăng cường các nỗ lực quân sự tại khu vực Ấn Độ Dương rộng lớn mà giới chuyên gia xem như là một động thái nhằm chống lại tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Nỗ lực này thậm chí còn được mở rộng đến tận khu vực Đông và Trung Âu, nơi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có chuyến thăm lịch sử hồi tháng rồi. “Ông Abe đã tích cực trong việc đưa ra một chiến lược đối đầu với Trung Quốc nói chung, đặc biệt là BRI. Nó làm phức tạp phép tính chiến lược của Trung Quốc đồng thời duy trì một thế giới đa cực” - Céline Pajon, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu châu Á thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Pháp, nhận định.

Đối với Mỹ, Nhật Bản kể từ Thế chiến thứ hai chỉ đóng một vai trò thứ yếu ở châu Á. Tuy nhiên, sau khi Washington rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), dự án lớn duy nhất nhằm đẩy lùi ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Á, Nhật Bản phải đứng ra đảm nhận trách nhiệm. Do đó, Thủ tướng Abe đã nỗ lực tìm cách giúp Tokyo giữ vai trò lớn hơn trong vũ đài khu vực. Theo đó, ông vào năm 2016 đã đưa một kế hoạch an ninh và phát triển cho châu Á vốn được thiết kế nhằm đối đầu chiến lược với Trung Quốc, trong đó chủ yếu tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng “chất lượng”.

Robert Dujarric, Giám đốc Viện nghiên cứu các vấn đề châu Á tại Đại học Temple (Nhật Bản) đã gọi vai trò trung tâm và đáng ngạc nhiên của Nhật Bản trong TPP khi không có sự tham gia của Mỹ là “số 1”. Vai trò mới này đã được kết tinh trong quan hệ đối tác chiến lược ngày càng ấm lên của Nhật Bản với Ấn Độ. Hiện cả hai nước đang hợp tác trong các dự án phát triển các nhà máy điện, đường sắt cũng như cơ sở cảng biển ở Sri Lanka, Bangladesh, Myanmar và trên các hòn đảo tại Ấn Độ Dương. Tham vọng hơn, Tokyo và New Delhi cùng nhau thúc đẩy Hành lang Tăng trưởng châu Á-châu Phi - dự án nhằm tăng cường kết nối kinh tế giữa châu Phi với Nam Á và Đông Nam Á.

TRÍ VĂN (Theo Foreign Policy)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Nhật Bản