10/04/2018 - 07:07

[Tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp] Gắn kết việc làm, doanh nghiệp 

Chuyển đào tạo theo hướng tăng thực hành, giảm lý thuyết; mở rộng, đa dạng hóa ngành nghề phù hợp nhu cầu xã hội; tăng cường gắn kết với doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên (HSSV) sau tốt nghiệp… Đây là những giải pháp mà các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Cần Thơ đang nỗ lực thực hiện, tạo nền tảng để mùa tuyển sinh 2018 khởi sắc.

Tạo “cầu nối” giải quyết việc làm

Chương trình giao lưu đối thoại giữa doanh nghiệp - HSSV do Trường Cao đẳng (CĐ) Nghề Du lịch Cần Thơ vừa tổ chức, khá sôi nổi. HSSV quan tâm chủ yếu về môi trường tuyển dụng và việc làm, những điều kiện HSSV cần phải chuẩn bị để “ghi điểm” với doanh nghiệp và nâng cao khả năng được tuyển dụng, những tiêu chuẩn và phẩm chất mà doanh nghiệp coi trọng…

Sinh viên đặt câu hỏi với doanh nghiệp tại chương trình giao lưu đối thoại giữa DN và HSSV do Trường CĐ Nghề Du lịch Cần Thơ tổ chức. Ảnh: B.KIÊN
Sinh viên đặt câu hỏi với doanh nghiệp tại chương trình giao lưu đối thoại giữa DN và HSSV do Trường CĐ Nghề Du lịch Cần Thơ tổ chức. Ảnh: B.KIÊN

 

Giải đáp thắc mắc của HSSV, đa số doanh nghiệp khẳng định luôn tạo điều kiện cho HSSV đến thực tập, cũng như mở rộng cơ hội việc làm với những HSSV đáp ứng yêu cầu của đơn vị. Theo đại diện các doanh nghiệp, ngoài chuyên môn, người lao động phải đam mê nghề nghiệp, cầu tiến, kỹ năng mềm tốt... Đây là các yếu tố góp phần tăng cơ hội tìm được việc làm cho HSSV; nhất là khi nhu cầu nhân lực có chất lượng phục vụ lĩnh vực du lịch, nhà hàng khách sạn đang rất cao tại ĐBSCL. Bà Lương Thị Quỳnh, Phó Giám đốc Vietravel chi nhánh Cần Thơ, cho biết: “Công ty luôn tạo điều kiện để HSSV đến thực tập cũng như có cơ hội phát triển nghề nghiệp khi đáp ứng yêu cầu DN. Vietravel Cần Thơ đang có nhu cầu tuyển dụng nhân sự ở vị trí nhân viên kinh doanh, truyền thông và hướng dẫn viên cộng tác…”. Để có cơ cơ hội được tuyển dụng tại Vietravel Cần Thơ, ngoài chuyên môn, Vietravel ưu tiên tuyển chọn ứng viên kỹ năng giao tiếp tốt, có kinh nghiệm, khả năng hoạt náo…

Theo bà Châu Thị Y Khoa, Quản đốc Khách sạn Victoria, tùy vào năng lực, HSSV có thể thực tập ở nhiều bộ phận khác nhau và bộ phận nào cũng đóng góp quan trọng cho hoạt động khách sạn. Riêng bộ phận lễ tân, đòi hỏi nhân sự phải có ngoại hình, nhưng quan trọng vẫn là sự chịu khó, nỗ lực trong công việc. Ông Trần Bá Tòng, Phó Giám đốc Khách sạn Mường Thanh (TP Cần Thơ), khuyên: “Để cơ hội tuyển dụng cao, ngoài vững kiến thức chuyên môn, HSSV cần rèn luyện kỹ năng mềm, nhất là tiếng Anh. Trong giai đoạn hội nhập hiện nay, những khách sạn lớn có nhiều đoàn khách quốc tế lưu trú”.

Thời gian qua, bên cạnh đầu tư nguồn lực (với 50 cán bộ, giảng viên, trong đó 10 thạc sĩ, 3 nghiên cứu sinh), Trường CĐ Nghề Du lịch Cần Thơ đẩy mạnh liên kết đào tạo với các đơn vị ngoài trường, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho du lịch. Theo lãnh đạo nhà trường, ngoài việc xây dựng chương trình đào tạo từ niên chế sang học chế tín chỉ, trường chuyển hướng tiếp cận với thực tế tại doanh nghiệp; rút gọn chương trình, giúp người học giảm chi phí, sớm tham gia thị trường lao động. Đồng thời tiếp tục hợp tác với các doanh nghiệp, giúp HSSV có cơ hội tìm được việc làm cao sau khi tốt nghiệp.

Đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội

TP Cần Thơ hiện có 81 cơ sở giáo dục nghề nghiệp do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố quản lý; trong đó có 7 trường CĐ và 3 phân hiệu CĐ đào tạo ở nhiều lĩnh vực: công nghệ ô tô, điện tử công nghiệp, công nghệ thông tin, du lịch, kinh tế, nông nghiệp…  Theo lãnh đạo các trường, tuyển sinh năm 2018, dự đoán nguồn tuyển sẽ gặp khó, nên bên cạnh đầu tư nguồn lực, các trường linh động chuyển hướng đào tạo chú trọng thực hành thực tập, giải quyết việc làm cho HSSV sau tốt nghiệp. Giải pháp hữu hiệu của các trường là phải gắn kết với doanh nghiệp thông qua ký kết hợp tác, tổ chức hội thảo, giao lưu hay đưa HSSV thực hành, thực tập tại các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp. Thực tế, cách làm này phát huy hiệu quả trong giải quyết việc làm cho HSSV sau tốt nghiệp, đạt từ 85% đến 100%.

Đại diện các DN giao lưu với HSSV Trường CĐ Nghề Du lịch Cần Thơ tổ chức. Ảnh: B.KIÊN
Đại diện các DN giao lưu với HSSV Trường CĐ Nghề Du lịch Cần Thơ tổ chức. Ảnh: B.KIÊN

 

Tại Trường CĐ Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ, gần 100% HSSV có việc làm sau tốt nghiệp. Kết quả đó phần lớn nhờ sự hợp tác lâu bền giữa trường và các doanh nghiệp trong đào tạo, chuyển giao khoa học công nghệ. Hiện nay, trường đang liên kết với nhiều doanh nghiệp như Vinamilk, Hoàng Thắng… để đưa HSSV thực tập, trao đổi giao lưu hợp tác trong đào tạo. Theo lãnh đạo nhà trường, liên kết với doanh nghiệp cũng giúp trường cập nhật công nghệ mới, bổ sung vào chương trình, giáo trình, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Quan trọng nhất là giúp HSSV tiếp cận, hiểu môi trường làm việc của doanh nghiệp, cũng như giúp doanh nghiệp chọn người lao động phù hợp với vị trí việc làm.

Với Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, định kỳ hằng năm đều tổ chức Ngày hội và hoạt động giao lưu giữa HSSV - doanh nghiệp; hợp tác với doanh nghiệp góp ý, xây dựng chương trình đào tạo, chuyển giao khoa học công nghệ... Tiến sĩ Đỗ Thị Tuyết Nhung, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Bên cạnh hợp tác với doanh nghiệp, trường tăng cường đầu tư nguồn lực, thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng chuyên môn, kết hợp đào tạo kỹ năng mềm cho HSSV. Với cách làm này, tỷ lệ HSSV của trường có việc làm trên 85%. Còn lãnh đạo Trường CĐ Nghề Du lịch Cần Thơ cho biết: Sắp tới, trường tiếp tục duy trì, mở rộng mối quan hệ hợp tác với doanh nghiệp. Trong đó chú trọng tổ chức chương trình giao lưu giữa doanh nghiệp và HSSV, tạo môi trường để nhà tuyển dụng tiếp cận với nguồn nhân lực của cơ sở đào tạo. Qua đó định hướng nâng cao bản lĩnh, kiến thức và ý thức nghề nghiệp cho HSSV.

B.KIÊN

Chia sẻ bài viết