14/02/2018 - 22:10

[Truyện ngắn] Ghe khẳm mùa xuân 

Sáng sớm mặt sông se lạnh, dì Hai nói với Hoa: “Con gom tiền thiếu của người ta dồn hết vốn cho chuyến hàng cuối năm nghen”. Hoa nói thật khẽ: “Dạ con biết rồi!”. Hoa biết ý má năm nào cũng vậy, cũng dồn hết vốn cho chuyến cuối, nhưng có được đâu, năm rồi vừa bán xong dứt hàng ngày 27 tháng Chạp định phủi tay dọn dẹp nhà cửa rước ông bà đón cái Tết vui vầy trên bờ, nhưng vừa lên nhà chủ vựa ở Rạch Giá điện thoại cần cả tấn quýt tiều và bắp cải tốt. Má không thể từ chối, nên chuyến nào cũng là hàng cuối.

Đêm hốt hàng ở Cái Răng rồi đi luôn để sáng hôm sau có mặt kịp thời cho chủ vựa, ghe khẳm dì Hai thức theo tài công nhắc nhở những đoạn sông ghe xuồng nhiều và những khúc quanh co, làm dì thấm mệt. Biết tánh của má lo lắng như vậy nên Hoa khéo léo kéo dì vô ngủ, nói: “Thằng Tâm dù là lính mới nhưng nó rất giỏi nghề chạy máy trên sông nước, luôn cẩn thận, nên má đừng lo, vô ngủ đi, sáng còn lên hàng nữa đó. Biết đâu những vựa khác cũng hút hàng gọi mình, mà lúc đó má ngã bệnh rồi tính sao?”. Hoa nhớ có những năm, dưa hấu hút hàng ở Miệt Thứ gọi điện năn nỉ đem xuống bao nhiêu cũng được, má cũng đáp ứng yêu cầu chớ bỏ sao? Bởi vậy cho nên má phải dưỡng sức khỏe lúc giáp Tết này mới được! Dì Hai nghe lời Hoa vô nằm, mà có yên bụng đâu, phần nghĩ về mấy đứa cháu ở nhà, phần lo lên vựa chuyển hàng giá có thuận lợi? 

Mệt mỏi nên vừa chợp mắt, giấc ngủ chập chờn dì Hai nghe như mình trôi theo tiếng khua sông nước, tiếng lao xao trả giá bán mua trên bến. Dì Hai vừa bước chân lên bờ thì có tiếng người đàn ông chào: “Cô Hai hả, nay hàng có gì, cô đem đến cho anh mua”. Dì Hai nói: “Giá phải lên 2 phân mới được anh ơi, chuyến rồi em trừ xăng dầu ra, không có lời, em định đi chuyến này rồi lên bờ chọn gì đó ngồi chợ mua bán, khỏe hơn”. Người đàn ông cười, can: “Em muốn lên nhiêu anh cũng theo, miễn em đừng bỏ nghề”. Dì Hai nghĩ bụng tưởng ông ta nói đùa cho vui thôi nào ngờ khi lên hàng xong tính tiền anh ta trả cất lên 3 phân, chưa hết khi xuống ghe đi về anh ta còn trả bù vài triệu cho chuyến rồi than lỗ và dặn dò đóng ghe trọng tải lớn hơn, thiếu vốn anh ta cho mượn.

Không biết sao gợi ý của chủ vựa lại làm dì Hai nhớ tới thuở còn con gái, bươn bả để có ghe lớn mỗi chuyến hàng, mua đất cất nhà. Hạnh phúc tròn đầy khi ước mơ có đám cưới rước dâu bằng ghe hàng vượt hàng trăm cây số cũng tròn vẹn đến với cô gái bạn hàng trên sông nước. Cuộc sống vợ chồng bồng bềnh trên sông nước nhưng rất là hạnh phúc cho đến ngày Hoa ra đời chưa bao lâu, chồng dì Hai bị nạn mất giữa dòng sông trong một đêm mưa gió. Từ đó dì Hai thường không ngủ được mỗi chuyến hàng đêm…

*   *   *

Đã đến bến chợ, Hoa nhanh nhẹn phóng lên bờ hỏi giá cả chủ vựa và cách lên hàng. Khi xuống Hoa cười với dì Hai: “Ngon lành má ơi, chuyến này ăn Tết ấm rồi!”. Dì Hai chợt thấy Hoa đã lớn và dáng dấp như cái bóng của mình thời con gái, ngày mình vào nghề, bạn hàng ban đầu bỡ ngỡ rồi quen, rồi nhiều người hỏi han, sau là duyên phận đến… Mong rằng, đời Hoa sẽ hơn mình, giàu có hơn hạnh phúc bền lâu hơn.

Nghĩ vậy, nên dì Hai hỏi Hoa:

- Con à, thằng Bình con trai chủ vựa trái cây có nói gì với con không?

Hoa nhìn má, hỏi lại:

- Má ơi đừng lo, ai mà cà rỡn là con lui liền tìm mối khác, đối với con chuyện mua bán và tình cảm phải tách bạch ra, không thể pha lẫn được.

Dì Hai nghe Hoa thì vững dạ, và cũng thấy thương con nhiều hơn, dì vuốt mái tóc chảy dài xuống lưng của Hoa ngậm ngùi nói:

- Ba con mất sớm, chớ nếu còn đời con đâu vất vả như vầy, ít ra giờ con đang học lên đại học hoặc ra trường làm cô này bà nọ, chớ đâu bôn ba với mớ rau quả, Tết mà không được ở nhà!

Hoa thoáng chút bồi hồi, chợt cười:

- Má ơi mấy đứa bạn con học lên đại học rồi ra trường cũng lo toan với nghề nghiệp với cơm áo thôi. Mỗi người mỗi ngành nghề, mỗi số phận mà má!

Dì Hai biết Hoa đã che giấu những giọt nước mắt về đêm khi nghỉ học, những nỗi niềm này dì Hai đã thấm thía với con. Sợ con buồn rầu dì tìm cách an ủi con, nhưng Hoa rất tinh ý không để cho má buồn theo, thay vì ngồi co ro vật vã với nỗi buồn, Hoa nhanh nhẹn mua hàng, chạy hàng thay cho dì Hai.

Sau khi đếm xấp tiền dì Hai cảm thấy vui trong lòng, nói với Hoa:

- Nếu như có mối hàng nào gọi, mình chạy cho người ta nghen con. Có tiền nhiều mình lên bờ mở cửa hàng, cho con cháu được học hành.

Hoa chớp chớp đôi mắt, nhìn dì Hai định nói gì đó nhưng thôi. Dì Hai biết được ý con nên hỏi:

- Con có gì muốn nói với má

phải không?

- Hông có má ơi!

- Con không giấu má được, người ta nói gì với con phải không? Con nói cho má biết đi!

Hoa ngần ngừ:

- Người ta hỏi má có cho người ta đến nói chuyện cưới xin không? Nếu má đồng ý thì ra Giêng người ta đến!

- Hèn gì hôm qua thằng Bình cứ đứng bên má định nói gì đó, mà không nói. Má hỏi thì nó nói: “Mời má đi ăn hủ tiếu”. Má cười cám ơn nó, từ chối vì định lui ghe cho sớm.

Có chuông điện thoại cắt đứt câu chuyện của Hoa.

Nghe điện thoại xong, dì Hai nói với Hoa:

- Người ta cần hàng gấp lắm Hoa ơi…

Hoa dần dừ:

- Thì hứa đi má! Bất quá mình đón giao thừa trên ghe và ăn Tết muộn thì có sao đâu, hạnh phúc nhứt là đầu năm mình có vốn trong túi cho được hên trọn năm. Còn chuyện anh Bình ảnh nói, má tính sao…

Mắt dì Hai sáng lên với niềm vui trước giờ chưa có dịp trải qua trong đời mình, như được ngồi đầu bàn nói chuyện cưới xin của con gái, lên chức bà với đám trẻ thơ. Ước mơ tuổi già duy nhứt của dì Hai là thấy có đám cháu chít quanh quẩn bên mình, có con cháu tuổi già như được nối dài thêm không dừng lại.

*   *   *

Chiếc ghe chở khẳm đầy hàng cuối năm, mũi hướng về phía trước lướt sóng. Hoa nhìn ghe hàng, nhìn trời xa chợt thấy vui trong lòng vì được làm “tiêu cục” chở những niềm vui Tết chia sẻ cho mọi người yên ấm với mùa xuân. Mặt sông hoa đã nở đầy trên những chiếc xuồng có gắn máy đuôi tôm xuôi ngược. Dì Hai và Hoa đã có chỗ đặt hàng, nên chuyến hàng cuối năm chở nhiều ước vọng về một đám dạm hỏi tươm tất lúc ra Giêng…

NHẬT HỒNG

Chia sẻ bài viết