07/06/2018 - 21:11

“Trường học xanh” - mô hình giáo dục về cuộc sống bền vững ở Hồng Công  

Trong nỗ lực nâng cao ý thức của học sinh đối với môi trường sinh thái, mô hình “trường học xanh” đang triển khai ở Hồng Công được kỳ vọng sẽ dẫn đầu xu hướng giáo dục về lối sống bền vững dựa trên phương pháp thay đổi hành vi ngay từ nhỏ, nhằm bảo vệ tương lai của chính các em.

Vào một buổi trưa hè oi nóng, hệ thống đèn báo hiệu của một phòng học lớp 3 tại Trường tư thục The Independent Schools Foundation (ISF) bỗng chuyển từ màu xanh sang cam. Sau đó, người ta thấy các em học sinh bắt đầu túa ra xung quanh để tìm xem máy điều hòa nào đang bật hay có cánh cửa nào đang mở hay không. “Nếu đèn báo chuyển sang màu cam, các em được nhắc phải nghĩ tới cách sử dụng năng lượng trong lớp học và làm cách nào tiết kiệm chúng” – Anthony Dixon, Giám đốc điều hành Công ty Năng lượng Tái tạo Helios, cho biết.

Các tấm pin năng lượng Mặt trời trên tầng thượng của Trường ISF. Ảnh: SCMP

Theo tờ SCMP của Hồng Công, hệ thống đèn báo nói trên là một trong 6.000 cảm biến được trang bị ở các lớp học ISF, giúp học sinh, đội ngũ giáo viên và nhân viên nơi đây theo dõi quá trình sử dụng năng lượng. Chẳng hạn hệ thống đèn của lớp 3 là để báo nguồn năng lượng tái tạo ở trường bị ngắt và chuyển sang năng lượng hóa thạch. Đây là một phần trong các dự án giáo dục bền vững do cựu kỹ sư Thung lũng Silicon Valley Diana Ibarra thiết kế. Được biết vào tháng 10-2017, ISF dưới sự hỗ trợ của Helios đã lập Trung tâm Giáo dục Năng lượng Tái tạo (CREE), đồng thời triển khai dự án lắp hệ thống điện Mặt trời trên mái nhà cũng như các tấm pin năng lượng treo tường và hệ thống lưu trữ pin để sử dụng.

Một mô hình “trường học xanh” khác là Trường Trung học Chinese Foundation Secondary School (CFSS). Được Tổ chức UNESCO tại Trung Quốc bình chọn là mô hình trường học bền vững điển hình, mọi bề mặt trong khuôn viên trường đều thể hiện nỗ lực bảo vệ môi trường. Chẳng hạn như lối đi mang tên “Đường mòn Môi trường” dài 600m, có hệ thống wifi kết nối trạm quan sát trên cao đối với vườn hoa và những hàng cây ăn trái bên dưới. Trường còn có một khu vườn trên mái và góc nuôi trồng san hô cùng một khu vườn thảo mộc với hàng trăm loại được đánh dấu bằng mã QR riêng biệt. “Trước thực trạng đang có nhiều loài dần biến mất, mục tiêu của trường là giáo dục học sinh về sự đa dạng sinh học và giúp các em nhận thức tầm quan trọng của các giá trị này” - Hiệu trưởng CFSS Au Kwong-wing chia sẻ. Kể từ năm 2008, đã có 940 học sinh của trường giành được 720 giải thưởng trong lĩnh vực phát triển bền vững.

Xu hướng “xanh hóa” trong môi trường giáo dục

ISF và CFSS được biết đến sau chiến dịch phát động trên các hội nhóm Facebook ở Hồng Công để tìm ra những ngôi trường thân thiện môi trường nhất. Ngoài ISF và CFSS, cộng đồng mạng còn đưa ra hơn 150 ý kiến khác, điều này cho thấy nhiều trường học ở Hồng Công đang bắt tay vào hành trình phát triển bền vững, ngoài những hoạt động ngắn hạn như chào mừng tuần lễ xanh, phát động phong trào dọn rác bãi biển hay tái chế rác thủy tinh.

Theo chuyên gia Jenny Quinton, có 3 yếu tố để phát triển một ngôi trường “xanh”, bền vững và thân thiện môi trường. Đó là hoạt động trong khuôn viên, chương trình giảng dạy và tính chất cộng đồng. Theo đó, ngôi trường xanh trước tiên phải có mục tiêu giảm tác động có hại lên môi trường, không lãng phí và sử dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên nước cũng như hạn chế chất phát thải trong các sinh hoạt tại trường. Kế đến là chương trình giảng dạy với mục tiêu chú trọng “kỹ năng sinh thái” và vươn ra cộng đồng.

Quan trọng hơn, các dự án không phải chỉ để thuyết trình mà phải đào tạo cho học sinh áp dụng vào cuộc sống hàng ngày. Tại Trường ISF, khuôn viên trường được thiết lập không chỉ cải thiện hệ sinh thái mà còn tạo cơ hội học tập cho 1.800 học sinh tại đây. Lấy ví dụ, nhà trường có dự án tái chế thực phẩm thừa thành chất dinh dưỡng trong vòng 2 tuần để bón cho các khu vườn trong trường. Năm đầu tiên, dự án thu được 27.000 kg chất thải thực phẩm, tương đương mỗi thành viên thực hành xử lý khoảng 90gr/ngày. Nhà trường cũng có thiết bị đo ô nhiễm không khí để học sinh so sánh chất lượng không khí mình đang thở với những khu vực khác.

Thành tựu từ ghế nhà trường

Là học sinh lớp 12 tại ISF, Sunny Chen đã sử dụng kiến thức và nguồn lực tại trung tâm CREE để thực hành tìm hiểu kích thước đường ống trên tuabin thủy điện của trường ảnh hưởng thế nào đến sản lượng điện. Sau những phát hiện của em, nhà trường đã thay đổi đường ống phục vụ mục tiêu sản xuất năng lượng tối đa. Trong khi đó, Vanessa Liew, 16 tuổi, đã giành được nguồn tài trợ để khởi động dự án Donut Waste - tái chế chất thải thực phẩm tại trường học thành phân ủ. Hiện các sản phẩm thân thiện môi trường này đang đến tay các nhà vườn ở khắp Hồng Công.

Trong khi đó tại Trung tâm Tài nguyên Phát triển Khoa học và Bền vững của CFSS, học sinh được tiếp cận với hơn 200 loại thuốc y học cổ truyền và 250 mẫu vật trong ngân hàng hạt giống. Từ kiến thức đã học, các em có thể phân biệt các loại thực vật, thảo dược, đặc tính của chúng hoặc khi kết hợp với những thành phần khác. “Chúng tôi đã biết cách khôi phục hệ sinh thái bị ô nhiễm, cách tạo ra một sản phẩm mà không lãng phí phụ phẩm, chúng tôi cũng biết phương pháp canh tác bền vững và tái tạo tài nguyên, phục hồi nguồn nước. Có thể đây chỉ là những bước tiến nhỏ nhưng các trường học đóng vai trò quan trọng để thiết lập những bước đi đầu tiên” – George Jor, Giám đốc Tổ chức phi lợi nhuận Grateful Green Group tại Hồng Công, cho biết.

Theo Tiến sĩ Malcolm Pritchard, người đứng đầu Trường ISF, tính bền vững cần khái niệm lẫn trải nghiệm khi chúng ta ảnh hưởng đến sự thay đổi toàn cầu thông qua thói quen và lối sống. “Thế hệ tiếp theo phải có tư duy sáng tạo, thay đổi hành vi ngay bây giờ để bảo vệ chính họ trong tương lai” – Tiến sĩ Pritchard nói thêm. 

ĐƯỜNG THẤT (Theo SCMP)

Chia sẻ bài viết