25/07/2013 - 22:17

Kỷ niệm 68 năm Ngày truyền thống lực lượng vũ trang Cần Thơ (30/7/1945 - 30/7/2013)

“Trung thành với Đảng, đoàn kết Quân Dân, tự lực tự cường, anh dũng quyết thắng”

Tuổi trẻ lực lượng vũ trang Cần Thơ nối tiếp truyền thống anh hùng.

Cách đây 68 năm, trong khí thế sục sôi cách mạng, Tỉnh ủy Cần Thơ tổ chức ra lực lượng vũ trang (LLVT) để làm nòng cốt cho quần chúng đấu tranh giành độc lập, tự do.

Cuối tháng 7-1945, đồng chí Trần Văn Hoài và Huỳnh Phan Hộ trực tiếp tổ chức LLVT của các quận, huyện lập thành Xung phong đội, làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự, đồng thời để chuẩn bị khởi nghĩa tại địa phương. Đây là tổ chức vũ trang công khai của Thanh niên tiền phong, đặt dưới sự lãnh đạo của Tỉnh Đảng bộ Cần Thơ và là lực lượng nòng cốt hình thành LLVT Cần Thơ sau này. Và ngày 30-7-1945 trở thành ngày truyền thống vẻ vang của LLVT Cần Thơ.

Ngày 30-10-1945, thực dân Pháp đánh chiếm Cần Thơ. Quân dân Cần Thơ dưới sự lãnh đạo của Đảng đã nhất tề đứng lên chiến đấu với tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Và ngày 30-10 là một mốc son lịch sử, bắt đầu ghi những chiến công hào hùng của các đại đội cộng hòa vệ binh trên mặt trận Cầu Bắc, Cái Vồn, Bình Thủy, Cái Khế, Tham Tướng…

Khi cuộc kháng chiến diễn ra trên toàn quốc (12-1945), LLVT Cần Thơ đã bền gan chiến đấu, đánh địch trên khắp các địa bàn trong tỉnh. Các trận đánh Tầm Vu, Cái Sình, Xà No, Phong Điền, Giai Xuân, Bảy Ngàn…thể hiện rõ nét  tinh thần, truyền thống quyết chiến, quyết thắng của LLVT Cần Thơ thời kỳ chống thực dân Pháp để rồi cùng cả nước làm nên một kỳ công lẫy lừng thế giới, “Chín năm làm một Điện Biên, nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”. 

Từ 1954 - 1959, là thời kỳ đấu tranh cách mạng rất cam go, ác liệt của Cần Thơ cũng như phong trào cách mạng miền Nam bởi sự can thiệp của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm. Song, quân và dân Cần Thơ  thể hiện ý chí kiên cường bất khuất, bám trụ gây dựng cơ sở, tạo dựng phong trào để rồi tháng 12-1959, tập hợp lại thành bộ đội tập trung của tỉnh, thành lập Ban quân sự tỉnh, bảo đảm chỉ huy, lãnh đạo chặt chẽ LLVT tỉnh nhà. Đây là bước ngoặt quan trọng kết thúc thời kỳ gìn giữ lực lượng, chuyển sang đấu tranh vũ trang để giành thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Mở màn là trận đánh diệt đồn Vàm Xáng (xã Nhơn Nghĩa), tiếp theo trận kinh Bảy Ngàn đánh trả quân chủ lực địch càn quét thu vũ khí và trang bị kỹ thuật. Thừa thắng, tháng 3-1960, diệt chi khu quân sự Cờ Đỏ, thu nhiều súng, máy móc, lương thực. Trận Xẻo Cỏ, Long Mỹ, diệt gần 100 tên địch, thu nhiều vũ khí. Trận Ông Đưa, phá tan cuộc hành quân càn quét của chủ lực địch, buộc chúng tháo chạy về Ô Môn và Thới Lai. Tháng 7-1960, ta đánh tiếp trận Chày Đạp diệt chủ lực Sư đoàn 7 Ngụy, thu nhiều súng, vang vọng khắp vùng. Trên đà thắng lợi, LLVT Cần Thơ phát triển, thành lập Tiểu đoàn bộ binh Tây Đô vào ngày 24-6-1964 và trận đầu tiên ra mắt, tại kinh xáng Lái Hiếu (ngày 18-8-1964), đơn vị diệt gọn một Tiểu đoàn bộ binh địch thuộc Tiểu khu Phong Dinh.

Tháng 4-1965, Tổng thống Mỹ Johnson đưa cuộc chiến tranh ở miền Nam lên trạng thái chiến tranh cục bộ, thực hiện chiến lược hai gọng kềm “tìm diệt và bình định”. Ở Cần Thơ, Mỹ tập trung các Sư đoàn chủ lực ngụy càn quét quy mô từ cấp Trung đoàn trở lên nhưng nhân dân và LLVT Cần Thơ ngoan cường bám trụ, “một tấc không đi một li không rời” kiên trì đánh địch bằng mọi thứ vũ khí, mọi cách đánh. Địa phương quân huyện Phụng Hiệp đánh trận Sen Trắng; Tiểu đoàn Tây Đô cùng nhân dân xã Trường Long (Ô Môn) đánh bại cuộc hành quân của Tư lệnh vùng 4 Đặng Văn Quang tại Áng Khám - Ông Hào, tiêu diệt một Tiểu đoàn chủ lực Sư 21, thuộc Trung đoàn 33 mang phù hiệu Cọp Đen; đánh tan tác biệt động quân số 4 (d42, d44), bắn rơi một máy bay ném bom B57 diệt 672 tên địch, trong đó có một cố vấn Mỹ...

Trong đợt Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, LLVT Cần Thơ là lực lượng tiên phong đánh vào Sở chỉ huy Quân đoàn 4 và dinh tỉnh trưởng Phong Dinh tại Cần Thơ đã ghi vào lịch sử quân sự tỉnh nhà thêm một mốc son rực rỡ, góp phần làm thất bại “chiến tranh cục bộ”, buộc Mỹ chấp nhận đàm phán tại Paris và tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc. Cuộc kháng chiến chống Mỹ đã chuyển sang giai đoạn mới.

Mở đầu mùa hè 1972 là trận đánh căn cứ quân sự Quang Phong, tiêu diệt địch bắt tù binh, thu vũ khí, phá hủy pháo 105mm. Cùng lúc lực lượng đặc công thủy đánh sập cầu Cái Răng, cắt đứt quốc lộ 4 (1A). Hai trận đánh giành thắng lợi hết sức quan trọng chẳng những đối với Cần Thơ mà còn cả khu vực Tây Nam Bộ góp sức cùng chiến trường cả nước buộc địch phải ngồi vào đàm phán, ký Hiệp định Paris 27-1-1973.

Mùa khô 1974 - 1975, LLVT Cần Thơ tiêu diệt chi khu quân sự Một Ngàn, mở ra một vùng giải phóng ở Châu Thành A, kéo chủ lực địch đến Nhơn Nghĩa để tiêu diệt, mở ra cục diện mới, khi thời cơ đến tiến về giải phóng Cần Thơ vào chiều ngày 30-4-1975 và sáng 1-5-1975, kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Sau chiến thắng 30-4-1975, LLVT Cần Thơ tiếp tục tổ chức truy quét các tổ chức phản động và bắt đưa đi cải tạo hàng trăm tên, thu hàng trăm súng các loại; tích cực rà phá bom, mìn vật liệu nổ, khai hoang, phục hóa, làm thủy lợi và giao thông nông thôn, cải tạo hàng ngàn ha đất giúp nhân dân lao động sản xuất và ổn định cuộc sống.

Hòa bình lập lại chưa được bao lâu thì tập đoàn phản động Pôn Pốt đã phát động chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam nước ta. Chấp hành mệnh lệnh Tư lệnh Quân khu, ngày 14-12-1977 Tiểu đoàn Tây Đô - Tiểu đoàn cơ động của tỉnh đã sát cánh cùng nhân dân địa phương ở biên giới đánh trả hành động xâm lược của địch, bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.  

Từ ngày 25-12-1978 LLVT tỉnh Cần Thơ cùng LLVT Quân khu, các đơn vị ở vùng biên giới Tây Nam đồng loạt phản công tiêu diệt địch đến tận hang ổ của chúng. Ngày 7-10-1979 Thủ đô Phnom Penh được giải phóng, toàn bộ đất nước Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng của Pôn Pốt. Năm 1989, LLVT tỉnh Cần Thơ hoàn thành nhiệm vụ Quốc tế vẻ vang và rút về nước.

Qua 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước và 10 năm giúp bạn Campuchia, LLVT và nhân dân Cần Thơ luôn phát huy truyền thống cách mạng với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân. Ngày 20-12-1994, LLVT thành phố vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ kháng chiến; có 47 tập thể, 55 cá nhân được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân, nhiều huân, huy chương và phần thưởng cao quí khác cho tập thể và cá nhân.

Nối tiếp truyền thống anh hùng, trong giai đoạn mới, cán bộ chiến sĩ thành phố Cần Thơ luôn phát huy tính năng động, sáng tạo và nâng cao vai trò tham mưu cho Thành ủy, UBND thành phố lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quân sự quốc phòng, xây dựng LLVT thành phố vững mạnh, sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật luôn được cấp ủy, người chỉ huy các cấp quan tâm và đi vào nền nếp. Nơi làm việc, sinh hoạt của LLVT từng bước được xây dựng khang trang sạch đẹp. Công tác phối hợp hoạt động giữa lực lượng Quân sự và Công an các cấp ngày càng chặt chẽ và đạt kết quả tốt trong tác chiến trị an, tổ chức tuần tra, truy quét tấn công tội phạm và các tệ nạn xã hội, phát hiện bắt và xử lý hàng ngàn vụ, thu hồi tài sản trả lại cho nhân dân và Nhà nước trị giá hàng tỉ đồng. Công tác sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khắc phục thiên tai được chú trọng thường xuyên; hằng năm điều động hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ thường trực và dân quân tự vệ tham gia phòng chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn khắc phục thiên tai; giúp dân sửa chữa hàng trăm căn nhà và di dời nhiều tài sản của nhân dân đến nơi an toàn. Đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ LLVT thành phố đã có mặt kịp thời khắc phục hậu quả trong sự cố sập nhịp dẫn Cầu Cần Thơ. Với những thành tích xuất sắc đó, LLVT thành phố được Chủ tịch nước khen tặng Huân chương chiến công hạng 2.

Hằng năm, Bộ CHQS thành phố đã tổ chức quán triệt, triển khai xây dựng kế hoạch huấn luyện cho các đối tượng đúng theo nội dung, chương trình, thời gian qui định, sát với địa bàn và đối tượng tác chiến. Quá trình huấn luyện luôn bám sát phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”; gắn với rèn luyện thể lực và đẩy mạnh huấn luyện dã ngoại kết hợp làm công tác vận động quần chúng bằng nhiều hình thức đạt kết quả cao. Lực lượng dân quân tự vệ được xây dựng theo phương châm “tinh gọn, chất lượng, hiệu quả” và “xây dựng đến đâu, chắc đến đó”.

Hội đồng giáo dục QP-AN thành phố triển khai giáo dục và bồi dưỡng cho nhiều đối tượng. Đặc biệt là phối hợp với Hội đồng giáo dục QP-AN Trung ương và Quân khu tổ chức giáo dục QP-AN cho Tăng sinh Học viện phật giáo Nam Tông Khmer và Chủng sinh Đại chủng viện Thánh quý Cần Thơ,... được Quân khu và Bộ đánh giá cao, được Chủ tịch nước tăng Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng 3.

Hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ nghiêm túc, đúng quy trình, bảo đảm công khai, dân chủ, đúng Luật với chất lượng ngày càng cao.

Đặc biệt, trong nhiều năm liền, vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc, Bộ CHQS thành phố đã tổ chức thành công “Tết Quân dân”, được Ban Dân vận Trung ương tặng bằng khen cho đơn vị có mô hình “Dân vận khéo”. Các hoạt động thăm và tặng quà, khám chữa bệnh, phát thuốc, lao động giúp dân, sửa chữa các công trình phúc lợi xã hội, góp phần quan trọng trong xây dựng “Nông thôn mới” do Tổng cục Chính trị phát động.

Thực hiện tốt công tác thăm hỏi gia đình chính sách, vận động các doanh nghiệp đóng góp xây tặng nhà tình nghĩa, tình thương, nhà tình đồng đội, giải quyết chính sách đất, nhà ở cho cán bộ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, góp phần ổn định nơi ở cho cán bộ chiến sĩ. Bộ CHQS thành phố làm tốt việc tham mưu cho Thành ủy, UBND thành phố thực hiện tốt công tác đối ngoại, tổ chức các đoàn đi thăm và giúp bạn Campuchia hàng chục tỉ đồng.

LLVT thành phố tích cực đẩy mạnh tăng gia sản xuất, làm dịch vụ cải thiện nâng cao đời sống cho cán bộ, chiến sĩ, kết quả đưa vào ăn thêm từ 4.000-10.000 đồng/người/ngày, lực lượng dân quân xã, phường, thị trấn có mức ăn bình quân từ 35.000 đồng - 43.000 đồng/người/ngày. Hoàn thành xây dựng 8/9 trụ sở làm việc của các quận, huyện cơ quan, đơn vị; xây dựng mới và sửa chữa 55/85 trụ sở làm việc của Ban CHQS xã, phường, thị trấn, hiện đang thi công trụ sở Ban CHQS huyện Cờ Đỏ, Doanh trại của Trung đoàn 932, trung tâm GDQP - AN của Trường Quân sự.

Từ năm 2005 đến nay, LLVT thành phố  được Chính phủ, Bộ quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu và UBND thành phố tặng nhiều cờ thi đua và Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì; Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất; 2 huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Ba. Đặc biệt ngày 11-11-2010 LLVT thành phố vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ đổi mới.

68 năm qua, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy Bộ Tư lệnh Quân khu 9, Tỉnh ủy, Thành ủy Cần Thơ, LLVT Cần Thơ luôn nêu cao Chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vững vàng vượt qua mọi khó khăn thử thách, ngoan cường chiến đấu lập nên những chiến công hào hùng, tạo nên những bước ngoặt quan trọng, gắn liền với những mốc son lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Cần Thơ. Kỷ niệm ngày truyền thống vẻ vang của mình, cán bộ, chiến sĩ LLVT Cần Thơ nguyện ra sức học tập, rèn luyện, nêu cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất cách mạng của Bộ đội Cụ Hồ, góp phần tích cực cùng với toàn Đảng, toàn dân làm thất bại mọi âm mưu và thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, chủ động đối phó thắng lợi trước mọi tình huống có thể xảy ra, xứng đáng với truyền thống “Trung thành với Đảng, đoàn kết Quân Dân, tự lực tự cường, anh dũng quyết thắng”.

Bài, ảnh: Hoàng Khiêm

 

Chia sẻ bài viết