01/09/2017 - 10:47

“Thứ bảy Y Tý, Chủ nhật Mường Hum” 

Hành trình khám phá Bát Xát vào cuối tuần, du khách sẽ được trải nghiệm hai phiên chợ độc đáo của người Mông, Dao, Hà Nhì… ở trùng điệp núi non và thơ mộng của tiết trời Tây Bắc vừa chớm thu lành lạnh.

Sắc màu chợ phiên Tây Bắc. Ảnh: Hoàng Kiều

Chợ phiên thường họp từ tinh mơ. Có người phải thức dậy khi vừa qua ngày mới để xuống chợ. Cũng có người đi chợ từ đêm hôm trước rồi trở về nhà khi quá nửa đêm. Còn du khách, muốn trải nghiệm hai phiên chợ này thì đi từ ngày trước nữa. Tức là, bạn phải có mặt ở thành phố Lào Cai từ thứ sáu để bắt đầu hành trình ven biên rồi ngược lên núi cao để đến Y Tý. Trên đường đi, sẽ dừng chân ở các điểm, như: Cửa khẩu Lào Cai dài lên Y Tý tới cầu Thiên Sinh, tức từ Cột mốc 103 lùi về Cột mốc 87, qua những bản làng và những ngôi nhà trình tường “đông ấm, hè mát” độc đáo của người Hà Nhì. Phải di chuyển từ ngày thứ sáu để bạn có mặt tại trung tâm xã Y Tý trong đêm và tham gia chợ phiên vào sáng sớm thứ bảy. Trên bản đồ du lịch, Y Tý không được nhắc tới nhiều nhưng lại đặc biệt đối với phượt thủ và khách nước ngoài bởi khung cảnh thiên nhiên đẹp hùng vĩ và chân chất với thiên nhiên. Ở phiên chợ, người ta thẹn thùng trước máy ảnh nhưng không hề có chuyện “năm nghìn mới cho chụp hình”. Hoạt động trao đổi hàng hóa, mua bán diễn ra một cách tự nhiên vốn có, không màu mè, trình diễn. Ở đó, du khách thật sự được đi chợ phiên của người bản địa, khác xa những phiên chợ khác ở Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai) hay Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang).

Đến trưa, chợ vãn. Du khách lại hành lý lên đường xuống Mường Hum để chờ phiên chợ hôm sau. Ở Tây Bắc, mỗi Mường là một cánh đồng lớn gắn liền với câu nói “Nhất Thanh, Nhì Lò, Tam Than, Tứ Tấc” tức bốn cánh đồng lớn rộng tới cả trăm cây số vuông. Mường Hum không được rộng lớn như vậy nhưng hơn hẳn về độ cao và hoành tráng so với Tứ Mường. Chợ Mường Hum tấp nập và là chợ phiên lớn nhất Lào Cai. Khi sương mù còn dày đặc, đã nghe tiếng người lao xao ở chợ và kéo dài đến hai giờ chiều. Cũng như Y Tý, Mường Hum là phiên chợ còn giữ nguyên nét truyền thống nhưng tấp nập người mua kẻ bán. Tất nhiên, ở đó, cũng có những người tới chợ để gặp gỡ bạn bè, để uống rượu ngô, ăn bát thắng cố… rồi về chứ chẳng mua hay bán thứ gì. Kết thúc phiên chợ, bạn có thể về lại Sa Pa để khám phá thị trấn du lịch trăm năm tuổi đầy cổ kính hoặc xuôi Ô Quy Hồ sang Yên Bái để khám phá đồng lúa Mù Căng Chải. 

Hoàng Kiều

Chia sẻ bài viết