13/01/2012 - 19:19

Giai phẩm Xuân Nhâm Thìn 2012

“Thiên sứ”

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Thùy Mai (phải) trong một lần đi sáng tác tại chợ phiên Lào Cai. Ảnh: CTV

Giải thưởng danh giá của nhiếp ảnh Việt Nam năm 2011: Cúp Vàng VAPA - Giải ảnh xuất sắc quốc gia đã thuộc về nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Thùy Mai – Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo tỉnh Cà Mau. Người ta mừng cho chị. Nhưng phía sau vinh dự đó là những trăn trở của người phụ nữ không còn trẻ nữa và rất yêu nghề.

Mang về cho chị giải thưởng ấy là tác phẩm ảnh đen trắng “Thiên sứ”. Lấy ý tưởng từ quan niệm dân gian “Mụ bà dạy”, bức ảnh chụp khoảnh khắc ba đứa trẻ sơ sinh đang ngủ trong ba trạng thái khác nhau: ngơ ngác, mỉm cười và ngáp ngủ, thể hiện sự hồn nhiên, trong trẻo và rất đáng yêu khi vừa cất tiếng khóc chào đời. Trước đó, “Thiên sứ” cũng đã đoạt huy chương vàng thể loại ảnh đen trắng tại Liên hoan ảnh nghệ thuật ĐBSCL năm 2011.

Để có được “Thiên sứ”, Đỗ Thùy Mai đã lui tới Bệnh viện sản – nhi Cà Mau hơn 20 lần. Chị lân la làm quen với các sản phụ và người nhà để xin chụp ảnh. Có người vui vẻ nhưng cũng có nhiều người không đồng ý. Chị Mai kiên nhẫn thuyết phục, nài nỉ để có được bức ảnh. “Ảnh chụp trẻ thức cười đùa thì nhiều nhưng trẻ đang ngủ thì rất hiếm. Tình cờ, tôi thấy ba đứa trẻ mới vừa đưa từ phòng sinh ra nên tôi quyết định chờ...”, chị Mai kể. Chị chỉnh sẵn tốc độ, khẩu độ và đứng chờ gần một giờ liền. Cuối cùng khoảnh khắc mong chờ đã đến. Chị thể hiện “Thiên sứ” bằng ảnh trắng đen để toát lên sự giản dị mà trong sáng của em bé.

Đỗ Thùy Mai trầm tính và không nói nhiều về mình nhưng khi nói về nhiếp ảnh thì chị rất hào hứng. Cái duyên “phó nháy” đến với chị tình cờ và gắn với nghề báo. Chị sinh ra trong một gia đình ngư dân ven biển Bạc Liêu. Năm 1978, khi mới 15 tuổi, chị Mai đã được tuyển vào làm phóng viên thiếu nhi cho Đài Phát thanh Minh Hải. 18 tuổi, chị về công tác tại báo Đất Mũi và được cơ quan cho đi học lớp tin, ảnh. Từ đây, duyên nợ đã gắn chị với những khoảnh khắc của cuộc sống. Nhưng hầu như chị coi chụp ảnh là một niềm đam mê riêng. Mãi đến năm 1995, được sự động viên của đồng nghiệp, chị Mai “đánh liều” gửi hai tác phẩm “Huyền thoại mẹ” và “Mồ hôi lao động” thi giải ảnh nghệ thuật tỉnh nhà và đạt luôn một giải Nhất, một giải Khuyến khích. Tiếp đó là hàng loạt giải thưởng danh giá trong nước và quốc tế như: Bằng danh dự FMPA của Hội nhiếp ảnh Mỹ năm 1999 với tác phẩm “Cuộc sống trên sông”, triển lãm nhiếp ảnh Pháp 1999 với “Đạo và đời” hay “Vá lưới” trưng bày tại triển lãm Đan Mạch 1999, Huy chương đồng Giải Ribbon, Giải xuất sắc bộ ảnh đen trắng tại Cuộc thi ảnh quốc tế tại Hồng Công năm 2000... Đặc biệt, Đỗ Thùy Mai vinh dự được kết nạp vào Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế FIAP năm 2001.

Hơn 30 năm làm báo, cầm máy, Đỗ Thùy Mai chọn cho mình một lối đi riêng là chụp ảnh về bộ đội biên phòng và biển đảo. Hàng ngàn tấm ảnh đẹp về vùng biển đảo Tây Nam, biển Cà Mau được chị giữ gìn, trân trọng. Với chị, việc ngồi tàu hàng mấy ngày liền ra đảo hay phải đối mặt với những con sóng giật cấp 6, cấp 7 là chuyện thường. Không biết tự bao giờ, những người lính trẻ đã coi chị Mai như người chị, người mẹ đáng kính của mình. Họ tâm sự với chị chuyện gia đình, nỗi nhớ nhà, nhớ người yêu... Ảnh những người lính biên phòng trở nên tuyệt đẹp và sống động trong tác phẩm của Đỗ Thùy Mai.

Tác phẩm “Thiên sứ”.

Dáng người nhỏ nhắn, tính tình hiền lành, chơn chất, Đỗ Thùy Mai được đồng nghiệp yêu quý bởi đức tính kiên nhẫn, vượt khó và không ngừng học hỏi. Giới nhiếp ảnh Cà Mau hay dùng những từ như “trì”, “kiên nhẫn”, “được mới thôi”... khi nói về Đỗ Thùy Mai. Chị sẵn sàng đứng cả ngày trên vọng gác giữa rừng để canh chim mẹ tha mồi về tổ hay những trận mưa rừng để có một tấm ảnh như ý muốn. Vui nhất là hành trang mỗi lần ra đồn biên phòng là tấm bạt lớn để làm “nhà tắm dã chiến” bởi toàn là đàn ông và không ai nghĩ lại có một người phụ nữ “trú dài hạn” trên đảo như chị. Khó khăn nhưng Đỗ Thùy Mai luôn tìm được niềm vui trong nghiệp cầm máy: “Nghề này cho tôi tình yêu thương, tin tưởng của mọi người, nhất là người lao động - những “người mẫu” tuyệt đẹp, những người thầy lớn của tôi. Bài học từ cuộc sống, qua những lần lăn xả, thử thách giúp tôi trưởng thành hơn”.

Thuận lợi của Đỗ Thùy Mai là chị có một “hậu phương” vững vàng. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trương Hoàng Thêm, Chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Cà Mau - chồng chị - luôn hướng dẫn, giúp đỡ và đồng cảm, sẻ chia với bao nỗi vất vả, những chuyến công tác dài ngày của người vợ, người đồng nghiệp. Hai cậu con trai của chị Mai đã khôn lớn, một đang học Cao học, một đang học trường THPT chuyên ở Cà Mau. Nếp nhà êm ấm giúp chị an tâm sống hết mình vì nghệ thuật.

Tết này, chị Đỗ Thùy Mai đang chuẩn bị hành lý để ra các đảo xem bộ đội biên phòng năm nay ăn Tết ra sao để về “kể” cho độc giả nghe. Bước qua tuổi 49 nhưng “bông mai vàng Đất Mũi” vẫn tươi tắn, nhiệt huyết với nghề và là niềm tự hào cho giới nhiếp ảnh ĐBSCL.

Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết