27/08/2018 - 21:09

“Thiên đường phải không anh?”: Đau đáu ngày trở về 

Đã là cuốn sách thứ 9, nhưng “Thiên đường phải không anh?” (NXB Văn hóa- Văn nghệ) của Nguyễn Hữu Tài vẫn là những câu chuyện đong đầy niềm thương nỗi nhớ quê hương của người xa xứ. Chỉ khác là lần này, anh không nói về chính mình mà nói hộ nỗi lòng cho những người rời quê hương đến nước Mỹ. Từng trang văn ăm ắp tình đời nhẹ nhàng thấm sâu vào lòng người đọc…

Vốn đã quen thuộc với những trang viết thổn thức nhớ quê của Nguyễn Hữu Tài (sinh năm 1981) định cư tại Mỹ đã gần 18 năm, qua các tác phẩm “Những chuyến thiên di”, “Cô đơn thẳng đứng”, “Chồm hỗm giữa chợ quê”, “Nước Mỹ có gì vui?”…, độc giả yêu mến anh sợ sẽ thấy lối mòn trong tác phẩm mới. May mắn thay, tập truyện ngắn “Thiên đường phải không anh?” dù vẫn đau đáu 2 chữ “trở về” nhưng từng phận đời, từng nỗi khắc khoải của mỗi nhân vật, tạo nét mới lạ, hấp dẫn bạn đọc đến trang cuối cùng.

Người Việt ở nước Mỹ được Nguyễn Hữu Tài vẽ bằng những câu chuyện đầy ắp những trải nghiệm của người trong cuộc. Ở đó có 2 lớp người:  những người già, sang Mỹ từ lâu hay di dân theo con cái; và lớp trẻ muốn đổi đời hay muốn trốn chạy điều gì đó để tìm cuộc sống mới. Dù với mục đích gì thì sau những tháng năm bôn ba nơi xứ người, sâu thẳm trong tâm hồn họ vẫn không quên được cội rễ quê hương, vẫn thèm được quay về sống lại những ký ức tưởng đã mờ phai.

Với người lớn tuổi, khao khát được trở về mãnh liệt hơn bao giờ hết, nó hằn sâu trong từng giấc ngủ, trong tiếng thở dài và cả ánh mắt xa xăm mơ về cố hương. Vậy mà cái điều tưởng chừng đơn giản ấy lại rất khó thực hiện với  những đôi vợ chồng già trong truyện “Về nhen ông!”, “Xứ người giông gió”, “Tết ở miền xa”, “Những mảnh lòng dang dở”… Về làm sao đặng khi cuộc mưu sinh còn đó, khi cha mẹ không đành rời con, khi bao nỗi lo còn nặng… Cuối cùng, họ bị kẹt lại nơi này.

Trong khi đó, hai chữ “trở về” được người trẻ nghĩ đến khi nếm mùi thất bại, hoặc đơn giản là sự cô quạnh nơi xứ lạ quê người. Như Tuệ trong “Người đàn bà xa xứ và những mùa cây trút lá” tuy sống trong sự bảo bọc nhung lụa của người chồng Tây nhưng tâm hồn luôn trống vắng, mừng như trẻ con được quà khi nghe được giọng nói Sài Gòn của anh thợ làm vườn. Hay nỗi hối hận của Trung khi rũ bỏ người yêu ở quê nhà, kết hôn giả để có được “tấm thẻ xanh” nhưng cuối cùng bị lừa dối (Một nửa thiên đường). Hoặc đó là Giang, sau quyết định đi theo gia đình xuất ngoại vẫn luôn trăn trở vì mối tình dang dở, vì không có động lực cho những gì mình đã đánh đổi (Về đi Giang).

Chính vì thế, ngay từ lời tựa, Nguyễn Hữu Tài khẳng định: “Chỉ có 2 mục đích mới khiến bạn gắn bó với đất nước này. Một là để lao động vất vả kiếm tiền thoát khỏi năm tháng khó khăn nghèo khổ, hai là chấp nhận hy sinh vì thế hệ mai sau. Ngoài ra, mọi mục đích khác đều trở thành vô nghĩa khi bạn tự rút mình ra khỏi những mạch máu quê hương” (trang 20).

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết