14/06/2017 - 20:53

“Thiện, Ác và Smartphone”- Khi thế giới ảo nhấn chìm con người thật

Trong thời đại Internet, con người kết nối dễ dàng, thông tin lan truyền nhanh chóng và có những hệ lụy khôn lường giữa đời thật và thế giới ảo. "Thiện, Ác và Smartphone"- cuốn sách của tiến sĩ Đặng Hoàng Giang- mang đến cái nhìn toàn diện về những vấn đề khi bình luận trên mạng, thực trạng làm nhục công cộng, ranh giới thiện- ác và tâm lý đám đông...
Sách do NXB Hội Nhà văn liên kết với Công ty Nhã Nam phát hành năm 2017.

Sách gồm 6 phần: "Nhân danh công lý, hãy làm nhục chúng", "Làm nhục mua vui và tàn nhẫn giải khuây", "Bảy bước đi của căm ghét", "Giã từ văn hóa làm nhục", "Ta nói gì khi nói về tha thứ", "Dự án trắc ẩn". Mang tính chất tiểu luận và khảo cứu nên tác phẩm dẫn chứng rất nhiều nghiên cứu khoa học, triết lý nhân sinh, thực tế xã hội với những câu chuyện cụ thể. Hệ thống các vấn đề được phân tích, lập luận chặt chẽ.

Ngay phần mở đầu, tác giả kể trường hợp của 2 anh em doanh nhân ở Hà Nội, bị cảnh sát Thụy Sĩ bắt vì ăn cắp kính mát trong một cửa hàng khi đi du lịch châu Âu. Ngay lập tức, làn sóng dè bỉu, chửi rủa của "cư dân mạng" nổi lên. Địa chỉ nhà riêng, cửa hàng, facebook, thông tin cá nhân của họ bị truy tìm và công khai, phá hủy hoàn toàn cuộc sống của họ. Liên tiếp những vấn đề thời sự nổi cộm, những nhân vật phạm lỗi... bị cộng đồng mạng lăng nhục đủ kiểu. Đau xót nhất là trường hợp nữ sinh bị tung clip sex đã không chịu nổi dư luận mà uống thuốc diệt cỏ tự tử.

Từ những câu chuyện, tác giả dẫn dắt người đọc về lịch sử của "làm nhục công cộng" từ thời trung cổ, phong kiến đến hiện đại, từ Đông sang Tây, từ trong nước đến ngoài nước. Dù diễn ra dưới hình thức gì, ở đâu và thời kỳ nào thì việc làm nhục công cộng luôn để lại một vết nhơ khó xóa trong cuộc đời của người trót lỡ mắc sai lầm, khiến họ mất đi danh dự, nhân phẩm và khó hòa nhập sau khi chịu sự trừng phạt của pháp luật. Chưa kể những trường hợp bị hiểu lầm, chịu sự sỉ nhục, lăng mạ oan ức... Đó là cái ác vô hình mà loài người nhẫn tâm dành cho nhau.

Điều đáng nói là đằng sau hiện tượng làm nhục công cộng online là sự trỗi dậy của những "dân phòng trên mạng". Đây là những kẻ nhân danh công lý chuyên lùng sục những chuyện xấu trên mạng, lôi kéo đám đông dìm chết đối tượng bằng sự cay nghiệt, tẩy chay, thậm chí có những kẻ quá khích còn dùng đến "luật rừng" để thay luật pháp trừng trị những kẻ họ cho là cặn bã của xã hội.

Qua đó, tác giả lý giải những hiện tượng trên, 50 sắc thái của căm ghét; đồng thời chỉ ra con đường giã từ văn hóa làm nhục, sức mạnh của sự điềm tĩnh, giá trị của sự tha thứ và lòng trắc ẩn. Tất cả những điều đó đã được chính Đặng Hoàng Giang nếm trải trong những ngày ông trở thành tâm điểm của những bình luận ác ý trên mạng vì một bài trả lời phỏng vấn trên báo. Từ chính trải nghiệm của bản thân cùng cái nhìn nhân văn, tác giả đã đề xuất mỗi người chúng ta hãy thử làm một "dự án trắc ẩn" trong cuộc đời để học cách tha thứ, bao dung và sống tốt hơn.

Qua "Thiện, Ác và Smartphone", Đặng Hoàng Giang muốn nhắn nhủ tới những người đang tham gia mạng xã hội về thái độ phê bình mà không mạt sát, lên án nhưng không lăng nhục. Quan trọng hơn là đừng để thế giới ảo nhấn chìm con người thật.

Cát Đằng

Chia sẻ bài viết