07/03/2018 - 15:52

“Tháng năm rực rỡ” - Thêm một phim Việt hóa thành công 

Sau thành công của phim “Em là bà nội của anh” năm 2015 (làm lại từ phim “Miss Granny” của Hàn Quốc), khá nhiều phim Việt được làm lại từ các phim nổi tiếng của Hàn Quốc, Thái Lan nhưng chất lượng gây thất vọng cho người xem. Mới đây, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã tìm lại niềm tin của khán giả khi Việt hóa thành công bộ phim “Sunny” của Hàn Quốc với tên gọi “Tháng năm rực rỡ”.

Tại Cần Thơ, phim đang chiếu ở các cụm rạp Lotte Cinema và CGV.

Phim là câu chuyện về một nhóm bạn thân thời cấp 3 có biệt danh “Ngựa hoang”, gồm 6 cô gái: Mỹ Dung đại ca giỏi võ và mạnh mẽ, Thùy Linh với khả năng cãi lộn vô địch, Bảo Châu điệu đà mơ làm minh tinh điện ảnh, cô nàng mập thân thiện Lan Chi, hoa khôi lạnh lùng Tuyết Anh và cuối cùng là Hiểu Phương – cô nàng nhà quê, ngờ nghệch nhưng lại là chất kết dính của cả nhóm.

 Hai thế hệ diễn viên trong phim.

Do nhiều biến cố, nhóm “Ngựa hoang” cách biệt 25 năm. Khi Hiểu Phương tình cờ gặp lại Mỹ Dung thì cũng là lúc trưởng nhóm ngày nào chỉ còn sống được khoảng 2 tháng do bị ung thư giai đoạn cuối. Theo nguyện vọng của Mỹ Dung, Hiểu Phương tìm kiếm các thành viên còn lại của nhóm. Các cô gái thanh xuân ngày nào giờ đã bước vào tuổi trung niên và mỗi người một hoàn cảnh, có thành đạt và cũng có bất hạnh… Gặp lại nhau, tinh thần ngày xưa trỗi dậy. Họ tìm lại ký ức đẹp đẽ của tuổi trẻ và thực hiện những ước mơ còn dang dở…

“Tháng năm rực rỡ” không đơn thuần là một bộ phim về thời thanh xuân tươi đẹp của tuổi trẻ với những kỷ niệm khó quên, mà lồng trong đó còn có những thăng trầm của lịch sử, những dấu mốc quan trọng trong chính trị, ngoại giao và quan trọng nhất vẫn là tình bạn keo sơn, ý nghĩa. Phim đã Việt hóa rất tốt những yếu tố chính trị cũng như nét văn hóa từ phiên bản gốc.

Chọn bối cảnh ở Đà Lạt với 2 mốc thời gian quan trọng là năm 1975 và 2000, phim phản ánh từ chiến dịch Hồ Chí Minh thành công, giải phóng đất nước đến 25 năm sau, lần đầu tiên tổng thống Bill Clinton cùng phu nhân sang thăm Việt Nam để hàn gắn vết thương chiến tranh, bình thường hóa quan hệ ngoại giao… Đây là chất liệu đắt giá để tạo nên các tình huống, chi tiết trong mạch phim cũng như tác động đến đời sống của các nhân vật.

Đặc biệt, những yếu tố đậm chất Hàn của bản gốc như: phẫu thuật thẩm mỹ, giáo dục học đường, mối quan hệ gia đình, công việc, lời thoại… đều được lược bỏ và thay thế bằng văn hóa Việt Nam đặc trưng, gần gũi. Trong đó, trường đoạn Hiểu Phương “chửi như hát” khiến khán giả cười sảng khoái vì thú vị hơn cả phim gốc. Thậm chí, phiên bản Việt còn mạnh dạn bỏ bớt một thành viên trong nhóm, chỉ còn 6 thay vì 7 của phim Hàn, để cốt truyện đi vào trọng tâm và gọn gàng hơn.

Bối cảnh, phục trang, đạo cụ, hình ảnh, nhạc phim… được thực hiện chỉn chu, chất lượng, làm nên những điểm cộng cho phim. Dàn diễn viên 2 thế hệ từ chính đến phụ đều diễn rất “ngọt”, tạo được ấn tượng với người xem về nhân vật mình thể hiện. 

Sáng tạo, thay đổi phù hợp với lịch sử, văn hóa nước nhà; đồng thời đầu tư kỹ lưỡng, nghiêm túc cho từng khung hình, cảnh phim, lời thoại… đã giúp đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và ê kíp sản xuất làm nên một tác phẩm hấp dẫn.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết