19/04/2018 - 16:18

“Tai thỏ” trên iPhone X – Từ gây tranh cãi trở thành xu hướng mới 

Nhằm kỷ niệm 10 năm ra đời chiếc iPhone đầu tiên, Apple đã ra mắt chiếc điện thoại iPhone X vào tháng 9-2017, với thiết kế đặc biệt ở phần “tai thỏ”. Dù không phải ai cũng thích phần “tai thỏ” này, song nó đang thu hút các đối thủ của Apple sử dụng những thiết kế “tai thỏ” tương tự cho các điện thoại mới của họ. Bên cạnh đó, “Táo khuyết” cũng có kế hoạch cải tiến “tai thỏ” trên những iPhone sắp tới.

“Tai thỏ” trên iPhone X là gì và có chức năng như thế nào?

“Tai thỏ” là phần lõm màu đen nằm trên đỉnh của siêu phẩm iPhone X. Bên trong, nó chứa hệ thống camera TrueDepth hoàn toàn mới của iPhone để thực hiện chức năng nhận diện khuôn mặt Face ID. Nó cũng sở hữu những thành phần cần thiết cho tính năng biểu tượng cảm xúc người dùng động Animoji.

Nhiều điện thoại Android bắt đầu chạy theo thiết kế “tai thỏ” của iPhone X.

Không lâu sau khi được tung ra, “tai thỏ” đã nhận được không ít những phản ứng trái chiều. John Gruber của trang tin Daring Fireball’s cho rằng nó phản cảm, vô duyên và không tự nhiên, trong khi trang tin The Verge đánh giá “tai thỏ” là sự lựa chọn thiết kế tồi. Sau một số phê bình, trang tin Mashable nhận ra “tai thỏ” có thể sẽ là tính năng tốt nhất của iPhone X.

Cây bút công nghệ Bryan Wolfe của trang tin Make Use Of cũng không ưa gì “tai thỏ” sau những ngày đầu mua iPhone X. Tuy nhiên, dần dần anh bắt đầu chấp nhận nó, và hiện tại có phần yêu thích nó, cho dù chuỗi thành phần phần cứng chiếm dụng một số không gian hiển thị quý giá. Dù vậy, nó không ảnh hưởng việc lướt web hay sử dụng các ứng dụng ưa thích.

Bryan Wolfe cũng bắt đầu tin rằng “tai thỏ” là cần thiết ở góc nhìn thiết kế. Lý do là “diện mạo” đặc biệt của nó giúp siêu phẩm iPhone X đắt đỏ ngay lập tức tách biệt với các điện thoại khác. Điều này khá quan trọng với cả người dùng và chính Apple.

Nếu lật lại quá khứ, nút Home đặc trưng của các sản phẩm di động của Apple cũng từng trải qua một hoàn cảnh tương tự. Nó đã bị chỉ trích nặng nề trong những ngày đầu sau khi được tung ra trên iPhone đời đầu hồi năm 2007. Tuy nhiên, nó không bị chỉ trích mãi và dần dần cũng được chấp nhận.

Các đối thủ rục rịch chạy theo “tai thỏ”

Cho dù không hoàn toàn thuyết phục được người dùng, “tai thỏ” vẫn có một số ảnh hưởng nhất định. Bằng chứng là một số nhà sản xuất điện thoại đã bắt đầu có một số bước đi hưởng ứng xu hướng “tai thỏ”, dù không hoàn toàn giống như Apple.

Chẳng hạn, OnePlus sẽ đưa “tai thỏ” vào điện thoại OnePlus 6 sắp ra mắt. Tuy nhiên, có thể là do những chỉ trích iPhone X, OnePlus 6 sẽ linh hoạt cho phép người dùng làm đen hai phần màn hình xung quanh phần khắc ở giữa, do đó giấu đi “tai thỏ”. Huawei P20 và Huawei P20 Pro, hai điện thoại đầu tiên ngoài iPhone có “tai thỏ”, cũng cho phép làm điều này. Trong khi đó, Asus đang tung ra ZenFone 5 2018 có “tai thỏ”, còn LG sắp tung ra siêu phẩm G7 với “tai thỏ” linh hoạt.

Nhà sản xuất điện thoại Android lớn nhất thế giới Samsung chưa tiết lộ gì về điện thoại “tai thỏ”, nhưng có một nguồn tin mới đây tiết lộ tập đoàn Hàn Quốc đã có bằng sáng chế cho màn hình điện thoại toàn mặt trước với một phần lõm ở ngay giữa trên đỉnh.

Bên cạnh đó, hệ điều hành Android mới - Android P, cũng sẽ hỗ trợ thiết kế cắt lõm như “tai thỏ”. Vì Android là hệ điều hành phổ biến nhất hiện nay, sự quan tâm đến “tai thỏ” của Google có thể sẽ “manh nha” những thay đổi rất lớn ở các nhà sản xuất phần cứng.

Sẽ có những thay đổi cho “tai thỏ” trên iPhone X

Rõ ràng là “tai thỏ” đang tạo được những ấn tượng nhất định nên nó sẽ không dễ gì bị lãng quên “một sớm một chiều”. Apple thậm chí có vẻ sẽ cải tiến “diện mạo” của “tai thỏ” trên các iPhone trong tương lai. Một số báo cáo mới đây cho biết Apple sẽ đặt các camera và cảm biến có liên quan với “tai thỏ” ở một vị trí khác từ năm 2019, nên sẽ không cần “tai thỏ” nữa. Tuy nhiên, những báo cáo khác kiến nghị “tai thỏ” vẫn sẽ tồn tại, nhưng với kích cỡ nhỏ hơn.

Theo Bryan Wolfe, Apple nên thay đổi màu sắc của phần lõm, bởi vì màu đen trông khá ổn khi cầm điện thoại theo chiều đứng, nhưng nó là một vấn đề khác khi cầm điện thoại theo chiều ngang. Vị trí của phần lõm cũng đáng lưu ý khi xem video theo chiều ngang. Tốt hơn hết là Apple nên giới thiệu phần lõm trên các iPhone sắp tới theo kiểu tự động thay đổi “diện mạo” tùy theo nội dung mà người dùng đang xem.

Cho dù có thể phải “đánh vật” với thiết kế, Apple sẽ không dễ gì từ bỏ “tai thỏ” trên các iPhone sắp tới. Bởi lẽ camera TrueDepth và công nghệ Face ID của hãng có thể sẽ mở rộng sang các sản phẩm khác trong tương lai, kể cả máy tính bảng iPad và máy tính Mac. Khi đó, nếu cần đến “tai thỏ” để mang những tính năng và công cụ đó lên các sản phẩm khác, Apple cũng sẽ làm, cho dù có bị phàn nàn.

LÊ PHI

Chia sẻ bài viết