03/05/2017 - 21:34

“Tàu thép 67” vững vàng ra khơi

Sau hơn 2 năm những chiếc "tàu 67" - tàu được đầu tư từ nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị định 67 (Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản), ngư dân Cà Mau đã được đóng mới và lần lượt hạ thủy, ra khơi. Điểm độc đáo nhất là lần đầu tiên một số ngư dân chọn đóng tàu vỏ thép, vỏ composite đánh dấu một cuộc cách tân mạnh mẽ của ngành khai thác hải sản ở vùng biển phía Nam để đủ sức vươn ra biển lớn.

Tiếp theo sau những chiếc tàu vỏ gỗ hạ thủy hoạt động trên biển, từ tháng 3-2017 có thêm nhiều chiếc tàu vỏ sắt của Cà Mau đóng mới vừa hạ thủy ra khơi. Tàu mới, máy mới chạy thử êm ái, vững vàng. Anh Diệp Hồng Kỳ, vui mừng sau 2 năm hoàn thành chiếc tàu đánh cá, với thân tàu dài hơn 27m, chiều ngang 7,2m, cao 3m tải trọng trên 150 tấn, được trang bị đầy đủ ngư cụ, tổng kinh phí đầu tư khoảng 14 tỉ đồng. Từ ụ tàu bên bờ Bình Minh (Vĩnh Long) theo sông Hậu ra cửa Định An, tàu chạy liền một mạch ra biển Đông vòng qua mũi Cà Mau về biển Tây cửa Sông Đốc (Cà Mau) an toàn. Sau khi chuẩn bị xong vật tư nhiên liệu, thực phẩm cho ngư phủ tàu tiếp tục ra khơi với chuyến biển đầu tiên, anh Kỳ khấp khởi hy vọng.

Ngư dân Cà Mau đóng tàu vỏ thép đánh bắt xa bờ.

Trước đó, tàu hậu cần nghề cá có tải hơn 220 tấn của anh Đỗ Kiểm Lái ở Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân (Cà Mau) hạ thủy và đã ra khơi an toàn, hiệu quả với chuyến biển thứ 4. Mới đây tàu hậu cần nghề cá tải trọng 300 tấn của anh Văn Thanh Liêm ở thị trấn Sông Đốc (Cà Mau) được xem là một trong những tàu vỏ thép có tải trọng lớn nhất. Tàu được trang bị nhiều thiết bị cấp đông hiện đại, các khoan trữ nước ngọt, nước đá, phòng chế biến cá tươi với 10 nhân công… Sản phẩm hải sản sau sơ chế đóng thùng cấp đông ngay trên biển dài ngày trước khi chở về đất liền. Tổng kinh phí đầu tư tàu 17,9 tỉ đồng, trong đó vốn vay ưu đãi theo Nghị định 67 từ Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển (NN-PTNT) huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) là 14,7 tỉ đồng.

Anh Ba Tài trang bị thiết bị hiện đại khoang điều khiển tàu hậu cần nghề cá.

Theo cảm nhận của các chủ đóng tàu vỏ thép và qua thực tế vận hành những chuyến biển đầu tiên cho thấy thân tàu vận hành chắc chắn, vượt sóng vững vàng, không rung lắc. Đặc biệt đánh tan mối lo nhất lâu nay là thân tàu vỏ thép bị nước mặn làm gỉ sét. Đó là do từ ban đầu quy trình đầu tư được các cơ quan chức năng và ngân hàng thương mại phối hợp kiểm soát nghiêm ngặt, từ khâu thiết kế, lựa chọn kỹ thuật phù hợp theo tập quán khai thác biển hiệu quả ở địa phương… Do đó quá trình đóng tàu tuy thời gian kéo dài nhưng bài bản, thận trọng, tỉ mỉ theo mỗi đường hàn, hoàn thiện từng lớp sơn chống gỉ sét cho đến đầu tư máy móc phải mới 100%. Thậm chí một số chủ tàu sau khi sơn 4 lớp còn phủ thêm lớp composite để tăng độ bền.

Anh Ba Tài, trước đây là ngư dân Sông Đốc từng có 4 chiếc tàu vỏ gỗ đánh cá và nghề làm hậu cần. Hiện nay anh vừa đầu tư 22 tỉ đồng đóng thêm 1 chiến tàu sắt tải trọng trên 300 tấn làm hậu cần nghề cá hoạt động ở vùng biển Tây Nam đi-về cảng cá Tắc Cậu. Ba Tài so sánh: Về mặt hiệu quả tàu vỏ thép hơn tàu vỏ gỗ rất nhiều. Thứ nhất là quản lý được chất lượng sản phẩm hải sản, thứ hai là tàu kín nước 100% (do phân chia ngăn nhiều khoang, tàu không lo sợ bị thủng phá nước vào như tàu gỗ. Tàu hiện có sức chở 8.000 cây nước đá, 400.000 lít dầu. Sau khi cung cấp cho các tàu đánh cá xong sẽ thu mua lại hải sản chở về cảng cá. Tàu hạ thủy đầu năm 2017 đến nay vận hành 4 chuyến chưa hề gặp trục trặc, dù là trở ngại nhỏ, đạt hiệu quả hơn mong đợi.

"Theo tôi tàu vỏ thép sau khi lựa chọn thiết kế phù hợp, đóng mới và hoạt động dài ngày trên biển có thể nhận thấy nhiều ưu điểm. Hồi trước ngư dân phần nhiều chỉ dám đóng tàu gỗ nhỏ, sử dụng đông nhân lực. Còn nay khi đóng tàu vỏ thép lớn, sử dụng cơ giới tất cả các khâu bốc dỡ hàng hóa nên chỉ cần 3-4 người, trong khi tàu gỗ nhỏ trước đây phải cần tới 11-12 người. Đó là chưa nói đến các hoạt động vận hành điều khiển tàu lớn đều bằng thiết bị hiện đại," anh Ba Tài nói.

Theo Chi cục Thủy sản Cà Mau, quá trình thực hiện Nghị định 67 đã triển khai chính sách thiết kế mẫu tàu vỏ thép. Lúc đầu đã công bố 21 mẫu tàu vỏ thép nhưng không được ngư dân chọn để đóng mới hoặc nếu có chọn thì phải điều chỉnh lại cho phù hợp với tập quán sản xuất tại địa phương. Bên cạnh chọn đóng tàu vỏ sắt, hiện nay một số ngư dân Cà Mau còn lựa chọn thiết kế đóng tàu vỏ composite để khai thác hải sản, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ.

Sau thế hệ tàu vỏ gỗ với chi phí đóng mới tốn kém, nhất là nguồn gỗ từ rừng tự nhiên đang khan hiếm dần thì đóng tàu vỏ thép, tàu vỏ composite là một sự lựa chọn đầu tư mới thích hợp để khai thác biển đạt hiệu quả cao.

Bài, ảnh: HỮU ĐỨC

Chia sẻ bài viết