15/02/2018 - 11:40

“Sức mạnh mềm” Việt Nam nhìn từ APEC 

Tổ chức Năm APEC 2017 thành công rực rỡ đã đánh dấu tầm vóc ngoại giao của Việt Nam, qua đó khẳng định vị thế, uy tín và bản lĩnh của đối ngoại Việt Nam trong quá trình hội nhập sâu rộng khu vực và thế giới, đồng thời góp phần xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Tuy từng có kinh nghiệm tổ chức Năm APEC 2006, nhưng Năm APEC 2017 diễn ra trong bối cảnh giữa các nước thành viên xuất hiện nhiều quan điểm khác biệt, thậm chí là trái ngược về kinh tế, chính trị, quân sự; căng thẳng ngày một gia tăng trong vấn đề Triều Tiên; quan hệ Nga-Mỹ ở mức tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh; tranh chấp lãnh hải tại nhiều khu vực…

Quy mô và tầm vóc Năm APEC

Trong Năm APEC 2017, Việt Nam  tổ chức tổng cộng 243 hoạt động tại 10 tỉnh, thành thuộc khắp ba miền Bắc, Trung, Nam. Đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng, thành phố trung tâm khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức một hoạt động đối ngoại cấp cao quy mô liên châu lục ở ngoài Thủ đô Hà Nội.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng các nhà lãnh đạo Nga, Mỹ, Trung Quốc tại Tuần lễ Cấp cao APEC ở Đà Nẵng.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng các nhà lãnh đạo Nga, Mỹ, Trung Quốc tại Tuần lễ Cấp cao APEC ở Đà Nẵng.

Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 25 thu hút sự tham gia của hơn 11.000 người, bao gồm 4.500 quan chức và tất cả các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên, hơn 4.000 doanh nghiệp, gần 3.000 phóng viên báo chí trong và ngoài nước. Đây là lần thứ hai trong 10 năm qua Tuần lễ Cấp cao APEC có sự tham dự đông đủ của nhiều nguyên thủ quốc gia như vậy. Điều này là minh chứng sinh động cho vị thế đang lên của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trên bản đồ chính trị - kinh tế thế giới, đồng thời là sự cam kết mạnh mẽ của các nền kinh tế thành viên đối với tiến trình hợp tác APEC. Nó còn khẳng định vị trí chiến lược của Việt Nam ở khu vực cũng như sự quan tâm và tình cảm đặc biệt mà các nền kinh tế thành viên APEC và cá nhân các nhà lãnh đạo dành cho Việt Nam.

Tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra ngay sau cơn bão số 12 (tên quốc tế Damrey) gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Tại Đà Nẵng, cơn bão đã gây mưa to, gió lớn, nhiều cây xanh bị đổ, các tuyến phố chính, đường ven biển và các bãi biển ngập tràn rác, một số hạng mục công trình chào mừng Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 bị hư hại, nhiều khu vực dân cư bị ngập lụt. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 1 ngày, thành phố trở nên sạch sẽ, gọn gàng, sẵn sàng chào đón APEC nhờ sự góp sức của người dân, doanh nghiệp, tình nguyện viên, các lực lượng chức năng... Chính vì vậy mà các nhà lãnh đạo APEC đều đánh giá cao nghị lực vươn lên và sự hiếu khách của con người Đà Nẵng và Việt Nam.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017 khẳng định  Năm APEC 2017, mà đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao tại Ðà Nẵng, thành công rực rỡ toàn diện, từ khâu tổ chức, chủ trì điều hành, đến nội dung, lễ tân, cơ sở vật chất - hậu cần, văn hóa - tuyên truyền, an ninh - y tế và trên mọi mặt về cả đa phương lẫn song phương. 

Vai trò hóa giải và dẫn dắt hợp tác

Có thể khẳng định Việt Nam đã nỗ lực, khéo léo góp phần hóa giải thành công những mâu thuẫn và khác biệt thông qua việc lựa chọn chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” với những ưu tiên tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững ứng phó biến đổi khí hậu. Tuần lễ Cấp cao APEC thông qua 8 văn kiện chung, trong đó nổi bật nhất là Tuyên bố Cấp cao Đà Nẵng và Tuyên bố chung Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế APEC.

Hai tuyên bố chung quan trọng trên do Việt Nam chủ trì soạn thảo được các thành viên đánh giá là ngắn gọn, súc tích, mang tầm chiến lược, có những ngôn ngữ mạnh mẽ về ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ mà trước đó Hội nghị Cấp cao Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Đức đã không đạt được.

Ngoài ra, bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC, 11 nước thành viên (trừ Mỹ) của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt được đồng thuận “vào phút chót” về một hiệp định mới với tiêu chuẩn cao và có tên gọi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Chia sẻ kết quả thành công của Tuần lễ Cấp cao APEC, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định: “Việt Nam đã thể hiện rõ bản lĩnh trong việc xử lý những khác biệt rất lớn giữa các thành viên, vững vàng trong những thời điểm khủng hoảng, thậm chí gần đổ vỡ trong thương lượng văn kiện. Vị thế đất nước, sức mạnh mềm của Việt Nam thật sự đã giúp chúng ta điều hành, dẫn dắt hợp tác APEC; đồng thời, thành công APEC 2017 cũng góp phần gia tăng vị thế, sức mạnh mềm của đất nước”.

Vị thế và cơ hội đột phá tăng trưởng

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, thành quả của Tuần lễ Cấp cao APEC và Năm APEC 2017 đã giúp Việt Nam đạt được tất cả các mục tiêu lớn đề ra, nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam, tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ với các nền kinh tế APEC, kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp APEC và quảng bá tiềm năng phát triển, kinh doanh của Việt Nam. Thông qua APEC, các nền kinh tế khu vực biết đến sự năng động và đổi mới của kinh tế Việt Nam, mở ra hy vọng về làn sóng đầu tư, thương mại, du lịch mới vào Việt Nam.

Nhân Tuần lễ Cấp cao APEC, chúng ta đã đón tiếp các chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng Bí thư - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Chile Michelle Bachelet và Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Trong đó, ông Trump là Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam ngay trong năm đầu tiên cầm quyền, ông Tập có chuyến công du nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam ngay sau Ðại hội Ðảng lần thứ XIX, còn ông Trudeau lần đầu thăm Việt Nam với tư cách Thủ tướng Canada và là vị Thủ tướng Canada thứ hai thăm chính thức Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ năm 1973.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Giáo sư, Tiến sĩ Vladimir Mazyrin nhận định việc tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 đã củng cố thêm uy tín của Việt Nam ở Đông Nam Á và toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như trên trường quốc tế.

Có thể khẳng định Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 đã đưa Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới. Dịp này, lãnh đạo nước ta tiến hành gần 50 cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương với các đối tác, đồng thời mang lại nhiều nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với tổng cộng 121 thỏa thuận hợp tác, hợp đồng được ký kết trị giá gần 20 tỉ USD.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25, nhấn mạnh: Thành công của Năm APEC 2017 và Tuần lễ Cấp cao đã tạo khí thế mới cho hội nhập quốc tế, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp và đồng bào cả nước, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, mở ra thời kỳ phát triển mới vẻ vang của đất nước. Theo Chủ tịch nước, thành công đó đánh dấu một mốc son mới trong tiến trình hội nhập quốc tế và triển khai đối ngoại đa phương, góp phần củng cố xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển và nâng cao uy tín, vị thế của đất nước ta trên trường quốc tế.

Năm ngoại giao sôi động và ấn tượng 
Cũng trong năm qua, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đón tiếp nhiều đoàn nguyên thủ nước ngoài sang thăm Việt Nam, trong đó có chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1963. Ngoài ra, Chủ tịch còn có chuyến thăm đáng chú ý tới Trung Quốc hồi tháng 5 và thăm Nga cuối tháng 6.
Trước đó vào đầu năm 2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Trung Quốc. Năm qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đi thăm Indonesia, Myanmar, Campuchia.
Trong khi đó, đại diện cấp cao nước chủ nhà APEC 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được Thủ tướng Đức Angela Merkel mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại thành phố Hamburg vào tháng 7-2017.
Năm 2017 cũng là năm nước ta tổ chức và tham dự nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ASEAN. Bên cạnh tham dự hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 31 và các hội nghị liên quan tại Philippines ngay sau Tuần lễ Cấp cao APEC ở Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn có nhiều chuyến công du nước ngoài rất ấn tượng. Với chuyến thăm Mỹ hồi cuối tháng 5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo đầu tiên của ASEAN gặp gỡ Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng. Trước đó vài ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Nhật Bản tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) mở rộng theo lời mời của Thủ tướng Shinzo Abe.  Rồi từ ngày 4 - 8/6, Thủ tướng có chuyến thăm chính thức Nhật Bản và dự Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 23 tại Tokyo. Trong chuyến đi này, Thủ tướng có 50 hoạt động quan trọng, bao gồm  Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Nhật Bản với sự tham dự của 1.600 đại biểu doanh nghiệp, trong đó có 200 đại biểu doanh nghiệp Việt Nam. Tại “hội nghị lịch sử”  này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe chứng kiến lễ trao hàng loạt hợp đồng, giấy chứng nhận, thỏa thuận hợp tác đầu tư trị giá 22 tỉ USD giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác Nhật Bản.

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết