11/04/2017 - 20:35

Đồng Tháp Đột phá từ du lịch cộng đồng

Đồng Tháp vốn nổi tiếng là tỉnh nông nghiệp của ĐBSCL, một trong những tỉnh dẫn đầu khu vực về sản lượng lúa gạo, cá tra, xoài… Hiện nay, Đồng Tháp còn được xem là điểm đến du lịch của ĐBSCL. Năm 2016, Đồng Tháp đón hơn 2,5 triệu lượt du khách, là tỉnh dẫn đầu về số lượng du khách của 6 tỉnh Cụm liên kết hợp tác phát triển du lịch phía Đông ĐBSCL.

Nhiều lợi thế tiềm năng…

Đồng Tháp hiện có 4 "Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL" do Hiệp hội Du lịch ĐBSCL bình chọn. Đó là Vườn quốc gia Tràm Chim- đã được công nhận là Khu Ramsar thế giới từ năm 2012; Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc-thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; Khu di tích Xẻo Quýt; Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng. Đó chưa kể đến những di tích nổi tiếng, như: Khu di tích Gò Tháp; nhà cổ Huỳnh Thủy Lê- nhân vật trong phim Người Tình, nổi tiếng của Pháp; Làng hoa Sa Đéc hay những sản vật nổi tiếng như nem Lai Vung, quýt hồng Lai Vung, xoài Cao Lãnh,…

Du khách nước ngoài chụp ảnh lưu niệm tại homestay Hoa & Ếch (TP Sa Đéc).

Mặc dù, cũng có những nét đặc trưng chung của "thế giới sông nước Mekong" là ruộng vườn, sông nước nhưng Đồng Tháp có những nét riêng, đặc sắc không pha lẫn với các nơi khác. Du khách có thể đến Vườn quốc gia Tràm Chim để tận hưởng cảnh thanh bình của "đất lành chim đậu", ngắm đàn chim sếu đầu đỏ- loại chim cực kỳ quý hiếm, nằm trong sách đỏ, tung cánh bay lượn và tìm hiểu nhiều điều thú vị cuộc sống định cư của loài chim này. Hay đến Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng để "về với thiên nhiên", với diện tích 1.629ha, nơi có sân chim 40ha với hơn 15 loài chim trú ngụ, khám phá cảnh hoang sơ của vùng quê thanh bình và thưởng thức đặc sản ăn hạt sen rang, uống trà cỏ Bắc... Đến Khu di tích Xẻo Quýt- Di tích lịch sử- văn hóa cấp quốc gia, du khách sẽ xuống xuồng, len lỏi trong rừng tràm cổ thụ, được nghe thuyết minh viên kể lại những chiến tích của Khu căn cứ Tỉnh ủy Đồng Tháp, được trải nghiệm dỡ chà bắt cá, giăng lưới, giăng câu… Đó đều là những ấn tượng khó quên!

Tiềm năng và lợi thế đang được đánh thức, du lịch Đồng Tháp ngày càng khởi sắc. Năm 2015, Đồng Tháp đón 2,2 triệu lượt du khách, bước sang năm 2016, tăng lên hơn 2,5 triệu lượt du khách. Nhiều tour du lịch Đồng Tháp được các công ty du lịch, hãng lữ hành mời chào, giới thiệu: "Du Lịch Đồng Tháp- Theo dấu chân Người Tình", "Làng hoa Sa Nhiên-Vườn quýt hồng Lai Vung", "Khám phá vẻ đẹp hoang sơ của Tràm Chim- Gáo Giồng", "Đồng Tháp mùa nước nổi"… Mới đây, Đồng Tháp hợp tác liên kết với Long An, Tiền Giang và TP Hồ Chí Minh để xây dựng sản phẩm độc đáo chung của 3 tỉnh là "Đồng Tháp Mười", hứa hẹn nhiều hấp dẫn.

Chọn du lịch cộng đồng làm bước đột phá

Đại hội X Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp (nhiệm kỳ 2015-2020) đã xác định "Du lịch Đồng Tháp tập trung phát triển loại hình du lịch sinh thái- nghỉ dưỡng thân thiện với môi trường, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tạo nét đặc sắc, riêng có của du lịch Đồng Tháp. Nâng chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, tổ chức liên kết với khu vực và cả nước. Tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia kinh doanh du lịch theo quy hoạch và định hướng chung. Thu hút, triển khai các dự án du lịch nhằm vào khách nước ngoài, khách nội địa có thu nhập cao".

Tháng 8- 2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp có kết luận "Về tiếp tục thực hiện Đề án phát triển du lịch Đồng Tháp đến năm 2020". Đề án phát triển du lịch Đồng Tháp được triển khai đến các doanh nghiệp, công ty du lịch, lữ hành trong và ngoài tỉnh. Tại Hội thảo "Du lịch trách nhiệm- Mong ước và hiện thực" của tỉnh Đồng Tháp, được tổ chức vào đầu năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, Nguyễn Văn Dương cho biết: "Sau khi tham khảo đi thực tế, Đồng Tháp chọn mô hình homestay CBT (Du lịch cộng đồng) "Made in Việt Nam" (HCBT) làm khâu đột phá để phát triển du lịch. Đồng Tháp không bao cấp đầu tư mà chỉ hỗ trợ kinh phí tư vấn, các công trình chung và cho vay ưu đãi rồi trừ dần vào sản phẩm. Mọi thứ phải minh bạch và được quản lý theo cung- cầu của thị trường. Tôi nghĩ HCTB là loại hình du lịch bền vững, có trách nhiệm, là cách "xóa đói giảm nghèo" hiệu quả nhất. Người dân vẫn lao động, sản xuất theo truyền thống và tham gia các dịch vụ của HCTB theo khả năng. Theo tôi biết, tại các tỉnh phía Bắc, thu nhập của người dân tham gia HCTB có nơi tăng cả trăm lần so với nông nghiệp".

Ông Ngô Quang Tuyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp, cho biết thêm: "Các trọng điểm du lịch của tỉnh Đồng Tháp được phân vùng và chọn lựa ưu tiên, lấy du lịch cộng đồng, homestay làm đòn bẩy; lấy tinh thần, thái độ phục vụ và nụ cười làm phương tiện cạnh tranh,… tạo nên phong cách và sự khác biệt. Đồng Tháp đang tập trung mũi nhọn "công nghiệp không khói". Từ huyện biên giới Hồng Ngự đến TP Cao Lãnh, Sa Đéc, từ làng nem Lai Vung cho đến làng kiệu Tam Nông, từ vườn xoài Cao Lãnh đến vườn nhãn Châu Thành, từ lãnh đạo tỉnh, huyện, xã cho đến người dân… ai ai cũng sôi nổi bàn chuyện đón khách…".

Một trong những người quan tâm đến du lịch Đồng Tháp là ông Nguyễn Văn Mỹ- Chủ tịch Lửa Việt Tours, hiện nay kết nối nhiều tour du lịch cộng đồng tỉnh Đồng Tháp, lạc quan chia sẻ: "Đồng Tháp có sự ăn ý, năng động, cầu thị, quyết tâm làm du lịch. Bây giờ về Đồng Tháp, đi đâu cũng râm ran chuyện làm du lịch. Một không khí phấn khích và chủ động, từ doanh nghiệp đến người dân. Nhóm chuyên gia cũng háo hức. Đồng Tháp ưu tiên du lịch cộng đồng để kích hoạt các nhà đầu tư. Rất nhiều việc được triển khai với những đột phá táo bạo…".

Huỳnh Biển

Chia sẻ bài viết