25/08/2018 - 07:16

“Song lang” – Day dứt giữa tình đời và cải lương 

“Song lang” là một tác phẩm hiếm hoi của điện ảnh Việt làm về đề tài cải lương. Tâm huyết của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân và năng lực của đạo diễn Leon Lê đã mang lại một câu chuyện đầy hoài niệm và day dứt về cuộc đời và sân khấu, ghi dấu ấn đẹp trong lòng khán giả.
Tại Cần Thơ, phim đang chiếu tại các cụm rạp Lotte Cinema và CGV.

Phân cảnh Dũng đàn cho Linh Phụng hát trong phim.
Phân cảnh Dũng đàn cho Linh Phụng hát trong phim.

Bối cảnh phim là Sài Gòn thập niên 1980. Khi gã giang hồ Dũng “thiên lôi” (Liên Bỉnh Phát) đến đòi nợ tại đoàn cải lương Thiên Lý đã gặp Linh Phụng (Isaac) – kép chính của đoàn. Từ ác cảm ban đầu, Linh Phụng sau đó thay đổi cách nhìn về Dũng khi được anh cứu trong một trận ẩu đả. Sự đồng cảm tăng dần khi Phụng biết Dũng có cha là thầy đờn, mẹ là nghệ sĩ cải lương, nhưng vì biến cố mà lưu lạc vào cuộc sống giang hồ; đằng sau vẻ bề ngoài lầm lì, dữ tợn là một tâm hồn ấm áp, tình nghĩa. Phụng khuyên Dũng bỏ nghề đòi nợ thuê, đến đầu quân cho đoàn hát. Thế nhưng, khi Dũng quyết định làm lại cuộc đời thì cũng là lúc anh đón nhận một kết cục nghiệt ngã…

Phim có sự chỉn chu, kỹ càng từ màu sắc, hình ảnh, âm nhạc đến bối cảnh, phục trang, đạo cụ… đều tái hiện không gian sống cách đây gần 4 thập kỷ. Ở đó, có những đêm diễn cải lương kín người mộ điệu, những tòa nhà xưa cũ đặc trưng của Sài Thành, những trò chơi trẻ con mà thời nay không còn, nếp sinh hoạt đời thường của những người lao động… Trong nhịp sống ấy, có không ít gánh nặng mưu sinh, được khắc họa sâu sau ánh đèn sân khấu rực rỡ là nỗi lo cơm áo gạo tiền của người nghệ sĩ, là sự day dứt của một gã giang hồn còn thiện lương…

Sau phần đầu phim có phần trầm buồn, nặng nề, mạch phim dần được đẩy nhanh hơn và khai thác sâu vào mối quan hệ của hai nhân vật chính. Giữa Dũng và Phụng không hề có lời nói, cử chỉ thân mật nhưng ánh mắt và sự quan tâm của họ dành cho nhau khiến người xem hiểu tình cảm đó còn hơn cả tình bạn hay tri kỷ. Sợi dây kết nối hai nhân vật với nhau là cải lương. Dù có tính cách và lựa chọn cuộc đời khác biệt nhưng điểm chung của họ chính là nặng lòng với tiếng đờn, lời ca, với sự đam mê dành cho bộ môn nghệ thuật truyền thống. Phân cảnh Dũng đàn cho Linh Phụng hát trong căn phòng cũ kỹ là một trong những cảnh hay nhất của phim. Sự xuất hiện của Phụng cùng sự tác động của anh đã đánh thức tâm hồn của Dũng, khiến anh từ bỏ lối sống hiện tại để tìm đến một tương lai khác. 

Điểm thu hút của phim còn nằm ở những phân đoạn ca diễn cải lương thông qua vở tuồng “Trọng Thủy – Mỵ Châu” do Linh Phụng và đoàn hát biểu diễn. Những trích đoạn được chọn lọc, cắt cảnh, chuyển đoạn hợp lý trong suốt mạch phim càng làm tôn thêm sức hấp dẫn của cải lương và thấm sâu vào lòng khán giả. Isaac tuy là ca sĩ nhạc trẻ nhưng ca cải lương khá ngọt, anh đã hóa thân tròn vai một kép hát mới vào nghề đang học hỏi và trải nghiệm để có thể ca diễn cảm xúc nhất.   

Cái kết bất ngờ và nghiệt ngã của phim khiến khản giả bàng hoàng, tiếc nuối. Nhưng có lẽ đây chính là điểm nhấn đắt giá nhất của phim, cũng như khắc họa sự day dứt, trăn trở giữa ước mơ và hiện thực.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
“Song lang”