18/06/2017 - 09:58

Trào lưu phim Việt hóa

“Rằng hay thì thật là hay…”

Những năm gần đây, điện ảnh- truyền hình nước ta nở rộ trào lưu Việt hóa các phim nổi tiếng của các nước khác. Hiệu ứng khán giả, sự mới mẻ là có, song cách làm nghệ thuật kiểu "nhai lại" này liệu có bền vững?

Đua nhau "remake"

"Remake" là thuật ngữ dùng chỉ những bộ phim làm lại từ các kịch bản nổi tiếng. Khoảng 5- 6 năm trước, trào lưu remake ở nước ta rộ lên với những phim truyền hình "Ngôi nhà hạnh phúc" (Việt hóa từ kịch bản gốc của Hàn Quốc), "Cô gái xấu xí" (Việt hóa từ phim của Colombia)… và đến nay con số phim đã lên đến hàng trăm. Kịch bản được mua về từ khắp thế giới, có cả Nhật Bản, Thái Lan, Israel… Trào lưu này dần lan sang cả điện ảnh.

CJ Entertainment và HK Film tiếp tục sản xuất phim Việt hóa "Yêu đi, đừng sợ!". Ảnh: zing.vn

Đại diện cho thành công của dòng phim này là CJ Entertainment và HK Film với hai bộ phim hút khách: "Em là bà nội của anh" và "Cô hầu gái". Thành công ngoài mong đợi khiến hai nhà sản xuất không ngại đầu tư lớn cho lần hợp tác thứ 3 là phim "Yêu đi, đừng sợ!" (từ kịch bản gốc "Spellbound" của điện ảnh Hàn Quốc, từng rất ăn khách vào năm 2011), dự kiến ra mắt vào cuối năm 2017.

Ngay khi phim "Em chưa 18" vẫn còn lịch chiếu rạp với thành công rực rỡ về doanh thu, nhà sản xuất Chánh Phương đã bắt tay vào chuyển thể phim Nhật Bản "Key of life" thành phim Việt "Sát thủ đầu mang mũ" do Charlie Nguyễn đạo diễn, với hai gương mặt ăn khách là Thái Hòa, Kaity Nguyễn. Ngoài ra, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng đang tất bật với dự án phim "Ngựa hoang", làm lại từ phim hài "Sunny" của Hàn Quốc (đứng thứ 13 về doanh thu trong lịch sử điện ảnh Hàn). Một số kịch bản phim Hàn cũng đã có "áo mới" như "My sassy girl" thành "Cô nàng ngổ ngáo", "Speed scandal" thành "Ông ngoại tuổi băm", "200 pounds beauty" thành "Sắc đẹp ngàn cân"…

Ở lĩnh vực phim truyền hình, phim "Người phán xử" đang phát sóng trên kênh VTV3 được coi là bộ phim thành công, do Trung tâm sản xuất phim truyền hình (VFC) sản xuất, mua kịch bản chuyển thể từ đơn vị Armoza- Israel. Nhiều người cho rằng, bộ phim có sức cuốn hút nhưng chưa đủ tầm để xuất khẩu như kỳ vọng của đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc VFC. Vả lại, không ai hy vọng xuất khẩu một phim được nhập khẩu và làm lại từ một tác phẩm khác.

Lợi nhuận hay nghệ thuật?

Có nhiều lý do để trào lưu Việt hóa, remake phim nước ngoài rầm rộ. Nguyên nhân chính là cách làm phim này vừa ít tốn kém, an toàn mà lợi nhuận cao. Kịch bản phim nước ngoài vốn đã được "thử vàng" nên nhà sản xuất an tâm hơn về độ hút khán giả. Cũng nhờ sức hút của những ngôi sao Hàn Quốc, Nhật Bản… đang nổi đình nổi đám mà phim Việt hóa cũng được "ăn theo". Lẽ dĩ nhiên, khán giả sẽ có sự so sánh: dở hơn, hay hơn, giống quá… nhưng nhà sản xuất thì đánh giá thành công của họ qua lợi nhuận. Những thành công vừa qua của "Cô hầu gái", "Em là bà nội của anh"… cho thấy "bí quyết" của cách làm phim này. Công thức của những bộ phim Việt hóa thành công cũng dễ xác định: diễn viên trẻ trung; cốt truyện ngôn tình, tình tiết và cảm xúc trong phim được đẩy đến tột cùng…

Tình trạng phải bám vào kịch bản nước ngoài một phần xuất phát từ đội ngũ biên kịch cho phim Việt hiện nay còn khá non kém, chạy theo lối viết "ăn xổi ở thì". Nhà biên kịch V.B.T. chia sẻ rằng, cái dở của anh em làm nghề là hễ người ta viết gì mình viết vậy, hoặc na ná. Áp lực kịch bản cho các bộ phim khởi quay liên tục mà từng chi tiết, nhân vật, tình huống trong phim đều không xử lý đến nơi đến chốn hoặc hời hợt, qua loa. Thử xem "Thám tử Hên Ry", "Taxi, em tên gì?", "Vòng eo 56", "Tèo em"… thì sẽ rõ. Giám đốc một hãng phim có tiếng ở TP Hồ Chí Minh kể: Có lúc nhận kịch bản xong liền khuyên anh em viết nên đi chơi vài ngày cho khuây khỏa!

Câu chuyện lợi nhuận hay nghệ thuật cho dòng phim remake không phải mới nhưng chưa tìm ra đáp án. Cụ thể nhất là suốt 2 mùa giải 2016 và 2017, ban tổ chức giải thưởng điện ảnh Cánh Diều Vàng đã "nói không" với phim Việt hóa. Ông Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, lý giải: "Nếu để các phim Việt hóa tranh giải sẽ không cân sức, không công bằng với những sản phẩm điện ảnh thuần Việt. Mục tiêu của giải thưởng Cánh diều 2016 là khích lệ phim dân tộc nên sẽ ưu tiên các sản phẩm điện ảnh trong nước". Trong khi các nhà làm phim thì vẫn giữ quan điểm phim remake cũng được, miễn thu hút người xem.

Quan điểm của ông Hải được nhiều người đồng tình bởi cách đây vài mươi năm, nhiều phim thuần Việt nói về đời sống, gần gũi thực tế như "Đất phương Nam", "Những nẻo đường phù sa", "Nước mắt học trò"… vẫn rất ăn khách. Bạn đọc Thạch Ng. trên một trang báo mạng ca thán: "Bây giờ nếu có mở ti-vi mà trúng phim Việt thấy toàn ở biệt thự, tiểu thư đài cát hận tình, hotboy tuổi trẻ tài cao điều hành doanh nghiệp cỡ bự, ngoại tình... y chang mô-típ phim Hàn, hoặc ngôn tình". Nhưng cũng có người bình tâm hơn cho rằng, dòng phim Việt hóa chẳng qua cũng là một trào lưu "sớm nở tối tàn" kiểu như thời "nhạc Hoa lời Việt".

* * *

Phim Việt hóa doanh thu cao ngất ngưởng, nên "nhà nhà Việt hóa", tạo sự sôi nổi nhất thời. Tuy nhiên, không ai xem đây là giải pháp lâu dài cho sự phát triển của điện ảnh- truyền hình Việt.

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết