08/06/2016 - 22:01

“Nóng” trên Biển Hoa Đông

Sau vụ chiến đấu cơ Trung Quốc chặn máy bay trinh sát Mỹ trên Biển Đông hồi tháng 5, Bộ Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương (USPACOM) hôm 7-6 cho biết sự cố lại tái diễn trên không phận quốc tế ở Biển Hoa Đông.

Trả lời tờ Japan Times, phát ngôn viên USPACOM - Trung tá Dave Benham cho biết hai chiến đấu cơ Chengdu J-10 của Trung Quốc đã tiếp cận máy bay trinh sát RC-135 của Không quân Mỹ khi lực lượng này đang tuần tra theo thường lệ trên Biển Hoa Đông hôm 7-6. Phía Mỹ xác định vụ việc "không an toàn và không chuyên nghiệp" bởi một trong hai chiếc J-10 đã áp sát máy bay do thám Mỹ ở khoảng cách 30m mặc dù đang bay với vận tốc lớn ở cùng độ cao.

Chiến đấu cơ J-10 của Trung Quốc tại một căn cứ quân sự. Ảnh: Reuters

Đây không phải lần đầu tiên chiến đấu cơ Trung Quốc tiếp cận máy bay trinh sát Mỹ trong khu vực. Hồi tháng 5, Lầu Năm Góc cho biết máy bay chiến đấu J-11 của Trung Quốc đã áp sát chiếc EP-3 của Mỹ trên Biển Đông ở khoảng cách 15m. Bộ Quốc phòng Mỹ xác định sự cố trên vi phạm thỏa thuận tránh va chạm trên biển và trên không mà chính phủ hai nước ký kết năm ngoái. Trước đó vào năm 2014, phi công Trung Quốc còn "nhào lộn" phía dưới máy bay trinh thám chống ngầm P-8 Poseidon của Mỹ ở cự ly gần hơn. Hiện Bộ Quốc phòng Mỹ đang giải quyết vấn đề với Trung Quốc thông qua các kênh ngoại giao và quân sự thích hợp. Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn chưa lên tiếng về vụ việc, nhưng Bộ Quốc phòng nước này hôm qua cáo buộc Mỹ "cố tình thổi phồng vấn đề".

Trong một tuyên bố, Trung tá Benham cho biết đánh giá ban đầu cho thấy sự việc mới nhất có thể do lỗi của phi công khi phía Trung Quốc không có thêm hành vi khiêu khích hay đánh chặn nguy hiểm khác. Dù vậy, phát ngôn viên USPACOM nhấn mạnh vụ việc xảy ra trong không phận quốc tế. Do đó, giới quan sát cho rằng động thái của Trung Quốc có thể nhằm đáp trả chuyến thăm gần đây của Chỉ huy các hoạt động của Hải quân Mỹ-Đô đốc John Richardson trên tàu sân bay USS John C. Stennis đang hoạt động ở Biển Đông. Chuyến thăm được cho là gởi thông điệp đến Trung Quốc, rằng Washington tiếp tục hiện diện tại các vùng biển mà Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố chủ quyền.

Trên Biển Hoa Đông, Trung Quốc hiện đang tranh chấp với Nhật Bản – đồng minh thân cận của Mỹ, liên quan quần đảo Senkaku mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư. Trước đó vào cuối năm 2013, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố thành lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông nhưng bị Mỹ cùng một số nước châu Á phản đối và phớt lờ. Trong báo cáo năm 2015, Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF) cho biết phải điều máy bay chiến đấu 571 lần để chặn máy bay quân sự của Trung Quốc đến gần hoặc xâm nhập không phận Nhật Bản.

Trong bối cảnh Trung Quốc liên tục xâm nhập Biển Hoa Đông, Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (MSDF) vừa cho biết nước này sẽ tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar cùng với Mỹ và Ấn Độ tại bờ biển phía Đông đảo Okinawa từ ngày 10 đến 17-6. Theo đó, Hải quân 3 nước sẽ diễn tập tình huống phòng không và chống tàu ngầm.

Trong diễn biến liên quan, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) cho biết sáng 8-6, 3 tàu thuộc Lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc (CCG) đã tiến vào khu vực gần quần đảo Senkaku. Theo Sở Chỉ huy JCG khu vực 11 tại tỉnh Okinawa, một trong ba tàu của CCG dường như có vũ trang.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết