23/01/2013 - 16:45

“Những xu hướng chiến lược” cho Trung Đông trong năm 2013

Biến động tại Syrie được dự đoán tiếp tục là vấn đề tiêu điểm của thế giới trong năm 2013.
Ảnh: Wikipedia
 

Khởi phát từ làn sóng “Mùa xuân A-rập” và sự thay đổi chiến lược của các quốc gia trong khu vực, tình hình tại khu vực A-rập và Trung Đông tiếp tục sôi sục với những biến động ngày một phức tạp. Bên cạnh đó, thực tiễn quốc tế, chiến lược vĩ mô cùng những thay đổi về kinh tế cũng góp phần khiến bối cảnh trở nên khó đoán định. Song, các chuyên gia phân tích dựa trên khuôn khổ hiện tại đã đưa ra một số xu hướng chiến lược nổi bật có thể đóng vai trò chủ đạo trong năm 2013 cùng dự đoán những hình thái được định hình trong 2 năm qua sẽ trỗi dậy thời gian tới.

 Syrie

Tình hình phức tạp tại quốc gia Trung Đông này được nhận định vẫn là chủ đề “nóng” trong xu thế chiến lược của khu vực. Kịch bản về sự sụp đổ của chính phủ cùng sự ra đi của Tổng thống Syrie Bashar al-Assad trong năm 2013 đã được các cường quốc phương Tây toan tính từ trước. Khi đó, Syrie sẽ chuyển sang giai đoạn thứ hai của cuộc cách mạng, vốn không kém phần chông gai vì các lực lượng phản cách mạng sẽ cố gắng để làm đảo lộn giá trị và tạo ra sự hỗn loạn.

Đồng thời, các nước ủng hộ và giúp đỡ tiến trình lật đổ chính phủ bao gồm Mỹ, các cường quốc phương Tây và một số quốc gia A-rập sẽ cố gắng điều chỉnh quá trình chuyển đổi sao cho phù hợp với định hướng và lợi ích của họ. Trong đó, vấn đề chủ chốt sẽ là thiết lập một chính phủ Syrie trung hữu tách khỏi phong trào Hồi giáo, không thù địch với Israel và quan trọng là thân phương Tây. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Qatar và các quốc gia A-rập khác đồng thời ​​sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi chính trị tại Syrie tương tự như những gì diễn ra tại Tunisie và Ai Cập.

Ngoài ra, Syrie trong năm 2013 cũng được kỳ vọng chứng kiến ​​sự xuất hiện của hình khối chính trị mới và các lực lượng cách mạng khác nhau để chuẩn bị tham gia vào giai đoạn chuyển tiếp.

 Iraq

Nếu chế độ Tổng thống al-Assad sụp đổ, hậu quả sẽ kéo theo sự gia tăng khủng hoảng tại quốc gia láng giềng Iraq và đẩy Chính phủ của Thủ tướng Maliki vào thế kẹt. Trước tiên là Iran, bởi theo phương Tây Tehran khi đó sẽ phải tìm kiếm và thắt chặt quan hệ với Iraq để bù đắp cho sự mất mát từ đồng minh Syrie. Điều này có thể khiến chính quyền Baghdad đối mặt với các chính kiến khác biệt. Xu hướng thứ hai là sự leo thang căng thẳng giữa người Hồi giáo dòng Sunni và người Kurd về mặt tư tưởng và cân bằng quyền lực. Hai lực lượng tương phản trên có thể tạo ra tình huống đối đầu buộc chính phủ phải can thiệp bằng bạo lực.

Tuy nhiên, diễn tiến trên có thể vấp phải sai lầm và dẫn đến xung đột khu vực bởi Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia A-rập khác sẽ không đứng yên nếu biến động kiểu này xảy ra ở Iraq. Do đó, xung đột ở Iraq được cho là vẫn mang sắc thái cục bộ nhưng có tầm ảnh hưởng trên phạm vi khu vực. Vì lý do này, Iraq sẽ là vấn đề tiêu điểm thứ hai sau Syrie trong năm 2013

 Iran

Ngoài Syrie, Iraq thì 2013 được dự kiến ​​sẽ là một năm quan trọng đối với Iran bởi hàng loạt trở ngại trong khu vực và quốc tế, chẳng hạn sự sụp đổ của đồng minh Syrie theo dự đoán của phương Tây, rối loạn kiểm soát của Chính phủ Iraq kèm theo khó khăn kinh tế do các biện pháp trừng phạt. Trong đó, mấu chốt vấn đề là nguy cơ đối đầu với Israel và các cường quốc xung quanh vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của nước này. Khi ấy, Tehran có thể phải đối mặt hai kịch bản liên quan đến xung đột với phương Tây.

Đầu tiên là để tiếp tục chương trình hạt nhân, Tehran phải đối đầu với Israel và Mỹ. Các tùy chọn khác là theo đuổi con đường đối thoại trực tiếp với chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama để đạt được thỏa thuận, tạo nên bước đột phá lớn về chính trị. Khả năng này sẽ được củng cố sau khi Bộ trưởng Ngoại giao mới của Mỹ John Kerry, nhân vật được dự đoán sẽ tăng cường hiểu biết lẫn nhau với Iran nhậm chức và cuộc bầu cử tiếp theo ở Iran kết thúc với ứng viên tiềm năng cho đối thoại Ali Larijani được giả định đắc cử tổng thống.

Tuy nhiên, triển vọng về một thỏa thuận giữa Mỹ và Iran được cho khả thi về mặt lý thuyết, nhưng xét góc độ thực tế rất khó xảy ra vì những mâu thuẫn cơ bản liên quan đến lợi ích của hai bên. Theo đó, Washington vẫn sẽ hạn chế Iran về các vấn đề liên quan hạt nhân, trong khi Tehran mong muốn mở rộng phạm vi thỏa thuận bao gồm đảm bảo an ninh cho chính quyền Iran và tính hợp pháp quốc tế, cũng như sự công nhận của Mỹ về lợi ích khu vực của Cộng hòa Hồi giáo, đặc biệt đối với Iraq và vùng Vịnh.

 Cạnh tranh Iran-Thổ Nhĩ Kỳ

Mâu thuẫn chính trị giữa Thổ Nhĩ Kỳ-Iran ngày một leo thang và dự kiến xu hướng này tiếp tục gia tăng trong năm 2013 vì hai nguyên nhân. Trước tiên là khu vực. Căng thẳng có thể bị thúc đẩy bởi khủng hoảng ở Syrie và Iraq vì cả Ankara và Tehran đều có lợi ích chiến lược khác nhau ở hai nước láng giềng.

Lý do thứ hai là về mặt quốc tế. Năm 2013 có thể mở ra xu hướng chiến lược mới khi Mỹ và châu Âu chuyển hướng tập trung sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt khi căng thẳng không ngừng gia tăng giữa Trung Quốc và Nhật Bản quanh vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Điều này sẽ tạo cơ hội cho các nước trong khu vực linh hoạt hơn trong việc gầy dựng ảnh hưởng, đặc biệt là Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh giữa hai quốc gia có thể dẫn đến một cuộc xung đột với những phương thức khác nhau, từ sự hỗ trợ tài chính và chính trị cho các lực lượng đồng minh đến lợi dụng các nhóm chống đối để thực hiện các đòn tấn công nhằm vào nhau.

 Ai Cập

Việc chuyển đổi ở Ai Cập trong tương lai ​​vẫn tiếp tục và những quan điểm chính trị cơ bản được cho sẽ tồn tại song song với căng thẳng chính trị và khủng hoảng kinh tế. Cả giới lãnh đạo Hồi giáo lẫn phe đối lập được dự đoán sẽ không làm thay đổi bản đồ chính trị của Ai Cập trong năm 2013.

 Mùa Xuân A-rập

Làn sóng chính biến sẽ tiếp tục lan rộng ở các nước A-rập khác trong khi các cuộc xung đột chính trị và sự cạnh tranh ngày càng gia tăng. Những xu hướng chính trị khác nhau sẽ cố gắng duy trì sự tồn tại và loại trừ phe đối lập bằng mọi phương tiện có thể. Tuy nhiên, hậu quả của xung đột kéo dài sẽ làm kiệt quệ, gây tổn hại cho triển vọng phục hồi và phát triển kinh tế. Do đó, 2013 được kỳ vọng sẽ khởi xướng nhiều ý tưởng sáng tạo nhằm tìm kiếm thỏa thuận chính trị để đảm bảo tính cạnh tranh nhưng vẫn trong khuôn khổ vì lợi ích quốc gia.

 Xung đột Palestine-Israel

Kết quả cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 22-1 tại Israel dự kiến vẫn là chiến thắng của Thủ tướng đương nhiệm Benjamin Netanyahu cùng các đồng minh. Mặc dù kết quả trên có thể củng cố vị trí của các chính trị gia cánh hữu trong nước nhưng áp lực từ Mỹ và phương Tây sẽ thúc đẩy việc nối lại các cuộc đàm phán giữa Nhà nước Do thái với người Palestine. Nhưng sẽ không có gì nhiều ngoài các cuộc đàm phán “theo lệ” và tạo cơ hội để  Tel Aviv “câu giờ”.

Riêng về nội bộ Palestine, các cuộc đàm phán quan trọng giữa phong trào Fatah và Phong trào Hồi giáo Hamas dưới sự bảo trợ của Ai Cập sẽ tiếp tục diễn ra để bàn luận vấn đề liên quan đến hòa giải. Tuy nhiên, bản chất căng thẳng giữa hai bên liên quan đến sự khác biệt sâu sắc về chính trị nên trừ khi đạt thỏa thuận về tầm nhìn chính trị chung, nếu không thì bất đồng vẫn không được giải quyết.

 Chính trị Hồi giáo

Các phong trào Hồi giáo mang tính chính trị, điển hình là lực lượng quyền lực Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo hiện đang trải qua quá trình chuyển đổi sâu sắc. Thành công từ làn sóng “Mùa xuân A-rập” đã sớm đưa các phong trào Hồi giáo lên nắm quyền mà không thông qua giai đoạn chuyển tiếp hoặc xem xét đến các phương pháp hoặc nghị luận. Nhưng việc thiếu kinh nghiệm trong công tác quản lý có thể khiến lực lượng này sớm vấp phải sai lầm.

Vì lẽ đó, thời gian tới được cho là giai đoạn để họ bắt đầu đánh giá toàn diện các chương trình và khẩu hiệu của mình. Dự kiến điều này sẽ gây ra một cuộc tranh luận về hệ ý thức giữa những người ủng hộ đổi mới và số đông bảo thủ. Khả năng những người ủng hộ đổi mới sẽ được thừa nhận nhiều hơn. Khi đó, những thực tế chính trị và kinh tế của các nước “mùa xuân A-rập” sẽ thúc đẩy cho sự cởi mở và đổi mới hơn.

VI VI (Theo Huffington Post)

Biến động tại Syrie được dự đoán tiếp tục là vấn đề tiêu điểm của thế giới trong năm 20

Chia sẻ bài viết