24/11/2017 - 20:26

“Người Việt tử tế” lan tỏa nét đẹp bình dị 

Tạp bút” “Người Việt tử tế” (NXB Phụ nữ ấn hành quí IV-2017) của nhà báo Lê Thanh Phong và nhà văn Nguyễn Một gồm những câu chuyện nhỏ nhưng sâu sắc, lắng đọng. Sách đúc kết rằng “Làm việc tử tế không có gì khó!”.

Ngay từ lời mở đầu của sách, các tác giả đã khẳng định: “Tử tế không phải là làm những việc to tát, cao siêu, mà là những điều giản dị trong cuộc sống và bất cứ ai cũng có thể làm được. Một cử chỉ thân thiện, một lời nói lịch sự, một hành động giúp đỡ, một nghĩa cử chia sẻ với tha nhân, tất cả đều là tử tế”.

Một em học sinh lớp 10 lúc chạy xe vô tình làm bể gương chiếu hậu một chiếc ô tô đậu bên đường. Em để lại tờ giấy tập học sinh ghi lời xin lỗi và số điện thoại, hứa sẽ bồi thường thiệt hại. Chủ xe là một bác sĩ đã gọi điện cho em, khen hành động dám nhận lỗi, động viên em cố gắng học tốt (Lá thư trên chiếc ô tô). Một người làm nghề buôn trâu bò đã làm gương và dạy trẻ con trong làng dừng mọi hoạt động, ngả nón và cúi đầu khi có đám đưa tang đi qua (Dừng lại và ngả nón). Những người chơi facebook chia sẻ những bài viết có nội dung nhạy cảm, không xác thực, dễ gây hiểu lầm và tổn thương người khác sau khi được bạn bè góp ý đã xóa bài và đăng lời xin lỗi (Chỉ cần nói với nhau một lời tử tế). Mua giùm người bán vé số khi gần đến giờ xổ, mua trái cây còn dư cho bà cụ về nghỉ sớm khi trời đã gần tối, giúp phương cách làm ăn cho những hộ nghèo… là những việc trong “Anh cán bộ đa đoan”. Hay gần 40 năm trước, nhà văn Nguyễn Một cùng gia đình, bạn bè trong lúc lương thực khan hiếm, chỉ ăn khoai sắn hoặc cơm độn bo bo đã được những người tử tế đãi bữa cơm trắng mà cảm động và nhớ tới bây giờ (Hai bữa cơm trắng)… Những câu chuyện ấy tuy nhỏ nhưng có sự tác động rất lớn đến tình cảm, nhận thức của nhiều người và làm bật lên ý nghĩa của 2 chữ “tử tế”.

Ở một góc độ khác, sự tử tế được nhiều người thể hiện bằng những những nghĩa cử khiến xã hội phải nể phục. Như việc tiến sĩ trẻ Nguyễn Bá Hải có thể làm giàu với sáng chế “mắt thần” của mình nhưng anh lại sẵn sàng tặng Nhà nước để giúp những người khiếm thị có cơ hội có được “đôi mắt” miễn phí (Tiến sĩ “Mắt thần”). Một mạnh thường quân bỏ kinh phí xây lăng vua Hiệp Hòa, đóng tiền học phí cho tất cả những học sinh nghèo ở một trường THPT một cách tự nguyện và hoàn toàn giấu tên (Ba câu chuyện về ông Bạch). Hoặc chuyện về ông Tám Hiệu ở Đồng Nai đã bỏ tiền xây 131 ngôi mộ cho những người nghèo, người qua đời không ai hương khói (Người tử tế với những hương hồn lạnh)…

Hai tác giả còn nói về những điều chưa tử tế xuất hiện trong cộng đồng với thái độ xây dựng, để mọi người cùng nhìn nhận, nhắc nhở nhau sống đúng, sống đẹp hơn.

52 bài viết từ hiện thực cuộc sống của “Người Việt tử tế” góp phần lan tỏa nét đẹp tâm hồn trong xã hội hiện đại.

CÁT ĐẰNG 

Chia sẻ bài viết