20/12/2017 - 20:36

“Ngày không còn mẹ” – Câu chuyện chạm tới trái tim 

Sau những tác phẩm mang đậm tính chính trị hoặc hành động cân não, những ngày cuối năm 2017, điện ảnh Hàn Quốc mang đến cho khán giả bộ phim tình cảm gia đình nhẹ nhàng “The Preparation” (Ngày không còn mẹ). Câu chuyện cảm động về tình mẫu tử đã chạm tới trái tim người xem và truyền tải nhiều thông điệp nhân văn, ý nghĩa.

Phim đang chiếu tại các cụm rạp CGV Cần Thơ.

Việc học nấu ăn của In Gyu khiến người xem cười chảy nước mắt.

Chuyện phim xoay quanh cuộc sống của hai mẹ con bà Ae Soon (Go Doo Shim). Chồng mất sớm, con gái lớn đã lập gia đình riêng, bà Ae Soon sống với con trai út In Gyu (Kim Sung Kyun)- đã 30 tuổi nhưng trí tuệ và nhận thức chỉ như một đứa trẻ lên 7. Khi phát hiện mình bị ung thư giai đoạn cuối, bà Ae Soon bắt đầu dạy cho con trai tự mình làm mọi việc để có thể sống tự lập, để đến “Ngày không còn mẹ, con cũng có thể sống tốt”. Hành trình học tập và rèn luyện của hai mẹ con đầy khó khăn, vất vả với những tình huống dở khóc, dở cười… 

 “Ngày không còn mẹ” không có nhiều cao trào hay kịch tính, câu chuyện với những tình huống đời thường lại đầy sức hút từ những chi tiết nhỏ. Mạch phim thấm vào lòng người bằng mạch cảm xúc của các tuyến nhân vật ngày càng được đẩy lên cao và được giải quyết gọn ghẽ, thấu đáo. Diễn xuất tuyệt vời của 2 diễn viên chính làm khán giả đồng cảm, khóc cười cùng với nhân vật.

Người xem  thấu hiểu tấm lòng vì con của các bậc sinh thành khi nhìn cảnh người mẹ già chăm từng miếng ăn, giấc ngủ, bảo bọc từng li từng tí cho đứa con thiểu năng; khóc đau đớn lúc biết ngày tháng ở bên con không còn nhiều; nỗi hoang mang, lo sợ khi không tìm được nơi đáng tin để yên tâm gửi gắm con mình; sự thất vọng khi bao nỗ lực dạy dỗ đều thành công cốc… May mắn thay, nhờ thay đổi phương pháp cùng sự kiên trì nhẫn nại mà người mẹ ấy đã thành công. Từ một người không biết làm gì, ỷ vào mẹ, tính khí thất thường, khó gần, In Gyu đã biết nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, tự đón xe buýt đi làm, trở thành thợ làm bánh và thân thiện, hòa đồng với mọi người. Nếu như nhân vật Ae Soon là người khơi gợi sự rung động nơi khán giả bằng sự bao la của lòng mẹ thì In Gyu lại là nhân vật đem lại tiếng cười, sự chua xót nhưng cũng đầy khâm phục bởi những cố gắng không ngừng của anh.

Hành trình trưởng thành, tự lập của In Gyu ngoài nỗ lực của người mẹ còn có sự góp sức, giúp đỡ của bạn bè, lối xóm, những chương trình nhân đạo xã hội dành cho người thiểu năng, làm bật lên tình người ấm áp. Đặc biệt, con người ai cũng có lúc phải đối mặt với chia ly, mất mát nên cần phải học cách chấp nhận nó để lòng nhẹ nhàng, thanh thản hơn. Như In Gyu từ đau khổ, bi quan, anh đã chuẩn bị tâm lý và bình tĩnh đón nhận cái chết của mẹ theo hướng tích cực.

Phim là đặc tả những chi tiết, hình ảnh làm lay động lòng người. Điển hình như phân cảnh In Gyu cõng người mẹ chỉ còn chút hơi tàn đi trên bờ biển, hay lúc đám tang, ai cũng khóc chỉ có In Gyu luôn tươi cười, người ta tưởng cậu ngốc, nhưng sau đó, khi biết lý do thật sự, khán giả lại rưng rưng nước mắt cùng gương mặt vừa cười vừa khóc của In Gyu.

Bi mà không thảm, trong nỗi buồn lại tìm thấy niềm vui, trong chia ly lại có đoàn tụ… là những điều mà “Ngày không còn mẹ” truyền đến người xem.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết