11/12/2014 - 08:17

“Mụ ghẻ” – Hạnh phúc nào cho mẹ kế - con chồng

Mối quan hệ "Dì ghẻ - con chồng" ngàn đời vẫn như lửa với nước. Khi trong mắt con riêng của chồng, "dì ghẻ" được nâng lên thành "mụ ghẻ" thì liệu tình thương và lòng vị tha của người mẹ kế có dập tắt được ngọn lửa căm ghét trong lòng đứa trẻ? Tiểu thuyết "Mụ ghẻ" (NXB Văn học, Quí IV-2014) của cây bút trẻ Lâm Phương Lam có góc nhìn riêng và những đúc kết thú vị về mối quan hệ này.

Tựa đề "Mụ ghẻ" khiến người đọc liên tưởng đến hình ảnh mụ dì ghẻ độc ác, nham hiểm, hành hạ con riêng của chồng như bao đời nay miệng đời vẫn ví von: "Mấy đời bánh đúc có xương..." . Thế nhưng, các "mụ ghẻ" trong tiểu thuyết này có tính cách hoàn toàn ngược lại và họ là nạn nhân của những đứa con chồng đáo để. Cách khai thác vấn đề từ góc độ này đem lại nét mới cho tác phẩm khi đề cập đến một mối quan hệ vốn có nhiều định kiến.

Luật "nhân – quả" là điểm hấp dẫn tiếp theo của tác phẩm. "Gieo nhân nào, gặt quả nấy" hoàn toàn đúng với Du – nhân vật chính trong truyện. Mẹ mất khi Du chưa đầy một tuổi. Bố Du cưới vợ mới khi cô lên mười. Dù dì Hạnh – mẹ kế của Du – rất hiền và yêu thương Du nhưng cô vẫn căm ghét và cho rằng bà là một "mụ ghẻ" chia cắt tình cảm cha con của mình. Cô đã đối xử tệ và nhiều lần đổ oan cho dì Hạnh. 26 tuổi, Du lấy chồng là một doanh nhân thành đạt và rất yêu cô. Nhưng oái ăm thay, chồng cô góa vợ và có đứa con gái 14 tuổi tên Giang. Cô bé còn tinh quái hơn Du khi xưa bội phần và lịch sử đã lặp lại: Du điêu đứng với những chiêu trò ma mãnh của đứa con chồng...

Không dừng lại ở những xung đột mẹ ghẻ - con chồng kéo dài hai thế hệ, tiểu thuyết "Mụ ghẻ" còn khắc họa sắc nét số phận từng nhân vật, tiêu biểu là những người phụ nữ. Nếu mẹ Du chết vì tai nạn, mẹ Giang chết vì sinh khó – những cái chết ngoài ý muốn – thì có những người phụ nữ tự tìm đến cái chết vì đau khổ và tuyệt vọng. Đó là mợ Tư và mẹ của Thành – cậu bạn thân cùng lớp với Du. Họ đã tự tử vì chịu nhiều uất ức khi chồng phản bội, có con với người đàn bà khác. Những người phụ nữ thay thế vai trò làm vợ, làm mẹ trong những gia đình mất mát ấy càng không thể hạnh phúc. Mẹ kế của Thành, cô ruột của Du không có được tình yêu chân thành từ người đàn ông mà họ giành giật.

Số phận của Du khiến người đọc thương xót, ngậm ngùi khi cô liên tiếp chịu nhiều đau khổ, bất hạnh từ thuở còn thơ đến lúc trưởng thành. Từ nỗi đau mất mẹ, sự tủi thân khi bố lấy vợ mới đến khi bị dượng (chồng cô ruột) làm nhục, bị người yêu bỏ rơi, bị con riêng của chồng hành hạ, bị chồng hiểu lầm… Du đều mạnh mẽ vượt qua. Sự mạnh mẽ ấy không phải là sự tô hồng, lên gân của tác giả mà đó là một quá trình trưởng thành của Du, khi phải chiến thắng sự bồng bột, ích kỷ của tuổi trẻ, sự yếu đuối trong tâm hồn và cả tính tự ái, sĩ diện.

Sau những đắng cay, Du gặt được "quả ngọt" bằng chính tình thương, lòng bao dung và sự hy sinh của mình. Dẫu có muộn màng thì hạnh phúc thật sự đã mỉm cười với gia đình nhỏ của Du khi đứa con chồng thừa nhận: "Mụ ghẻ cũng là mẹ của con". Điều đó cũng giúp Du bỏ đi gánh nặng căm ghét dì Hạnh đã khiến cuộc sống của cô ảm đạm bấy lâu.

Cát Đằng

Chia sẻ bài viết