12/02/2018 - 10:52

“Huyền thoại sống” Daniel Day - Lewis và hành trình tỏa sáng cuối cùng 

Nam diễn viên người Anh gốc Ireland Daniel Day-Lewis được biết đến là “huyền thoại sống” của điện ảnh đương đại khi ông là người duy nhất sở hữu 3 tượng vàng Oscar Nam diễn viên chính xuất sắc nhất. Đáng tiếc, Daniel Day-Lewis tuyên bố nghỉ hưu kể từ sau “Phantom Thread”, công chiếu vào cuối năm 2017. “Phantom Thread” cũng là chú ngựa ô tại đường đua Oscar 2018 khi sở hữu đến 6 đề cử, trong đó có đề cử Nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho Daniel Day-Lewis. Nếu Oscar lần nữa gọi tên Daniel Day-Lewis, ông sẽ tiếp tục tạo nên kỳ tích trong lịch sử Oscar.

Daniel Day-Lewis trong tạo hình nhà thiết kế Reynolds Woodcock.

Daniel Day-Lewis trong tạo hình nhà thiết kế Reynolds Woodcock.

Nói đến Daniel Day-Lewis, giới chuyên môn nghĩ ngay đến “method acting”- thuật ngữ chỉ lối diễn dấn thân, nhập tâm và đề cao tính chân thật. Tờ Time từng gọi Daniel Day-Lewis là Nam diễn viên xuất sắc nhất thế giới và Daniel Day-Lewis xứng đáng với những mỹ từ đó bởi tài năng, tâm huyết và sự dấn thân trong diễn xuất. Gần 50 năm sự nghiệp diễn xuất, Daniel Day-Lewis tham gia chỉ chừng 30 tác phẩm, kể cả điện ảnh lẫn truyền hình. Nhưng người ta đều lập tức nhớ đến từng vai diễn của ông, đó là một nhà văn bị bại não bẩm sinh, chỉ có thể cử động bàn chân trái trong “My Left Foot” (1989), hay chàng Nathaniel dũng cảm trong “The Last of the Mohicans” (1992), hoặc nhà lãnh đạo Lincoln cương nghị, sáng suốt định ra quyết sách đổi mới trong  “Lincoln” (2012)…

Tất cả các nhân vật do Daniel Day-Lewis đảm nhiệm đều rất cuốn hút người xem bởi lối diễn tự nhiên của ông. Daniel Day-Lewis từng chia sẻ: “Tôi cố gắng hình dung những điều tôi thấy ở nhân vật trong đời thực”. Với cách nghĩ đó, Daniel Day-Lewis luôn sống cuộc đời nhân vật trước và trong suốt thời gian quay phim. Trong quá trình quay “My Left Foot”, Daniel Day-Lewis luôn ngồi trên xe lăn, kể khi máy đã ngừng quay, tại trường quay ông vẫn ngồi trên xe lăn sinh hoạt. Đến vai Nathaniel, Daniel Day-Lewis cũng dành không ít thời gian đến những nơi Nathaniel từng sống, tự mình đi săn trong rừng, bắt cá ngoài suối, trải nghiệm đúng cuộc sống thực của nhân vật. Đảm nhận nhân vật chính trị gia Lincoln, Daniel Day-Lewis đã thẳng thắn trao đổi với đạo diễn Steven Spielberg cho ông một năm để nghiên cứu, tìm hiểu về Lincoln, cũng như bối cảnh mà nhân vật này trải qua. Đạo diễn Steven Spielberg bày tỏ: “Hiếm diễn viên nào có phong thái làm việc như Daniel Day-Lewis, sự tỉ mỉ với nghề của ông khiến cho thế hệ trẻ phải học hỏi một cách nghiêm túc”. Daniel Day-Lewis không chỉ khắt khe trong việc lựa chọn kịch bản mà còn nghiên cứu rất kỹ để thể hiện trọn vẹn cái thần của nhân vật. Đó chính là lý do Daniel Day-Lewis giành được đến 3 tượng vàng Oscar Nam diễn viên chính xuất sắc nhất (các phim: “My Left Foot’, “There Will Be Blood” và “Lincoln”).

Trở lại với “Phantom Thread”, tác phẩm điện ảnh cuối cùng Daniel Day-Lewis tham gia, đánh dấu sự tái hợp của ông với đạo diễn tài năng Paul Thomas Anderson kể từ sau “There Will Be Blood” (2007, có 8 đề cử Oscar, mang về 2 chiến thắng). Sự tái ngộ của cặp đôi cho phép người hâm mộ kỳ vọng nhiều tại Oscar tới. “Phantom Thread” lấy bối cảnh những năm 1950, tại Anh, xoay quanh cuộc đời và sự nghiệp của nhà thiết kế thời trang danh tiếng Reynolds Woodcock- lấy cảm hứng từ cuộc đời thực của nhà thiết kế huyền thoại người Tây Ban Nha Cristóbal Balenciaga. Để vào vai Woodcook, Daniel Day-Lewis lại tiếp tục theo quy tắc của mình: dành rất nhiều thời gian để học cách cắt may trang phục sang trọng dành cho phái nữ. Giới phê bình dành rất nhiều lời khen cho “Phantom Thread”, trong đó nhấn mạnh đến Daniel Day-Lewis: cho đến cuối con đường sự nghiệp, ông vẫn đầy tài năng và tinh thần làm việc nghiêm túc.

BẢO LAM (Tổng hợp từ theguardian, telegraph)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Daniel Day-Lewis