14/08/2017 - 09:38

“Hương vị bánh miền Tây”: Món ngon còn ở tấm lòng 

ĐBSCL không chỉ nổi tiếng với cây lành, trái ngọt, đồng ruộng, vườn cây, mà còn có nhiều loại bánh dân gian níu chân du khách gần xa. Câu chuyện về mỗi loại bánh từ xuất xứ, cách chế biến, hương vị và cả tấm lòng của người làm, người thưởng thức được giới thiệu trong “Hương vị bánh miền Tây”, do Đoàn Hữu Đức chủ biên, NXB Hội Nhà văn xuất bản quý II-2017.

“Hương vị bánh miền Tây” có 2 phần: phần đầu gồm 23 bài viết của các nhà văn, nhà báo về từng món bánh; phần hai là tổng hợp các loại bánh phổ biến ở miền Tây và ca dao.

Hơn 100 loại bánh mặn, ngọt với đủ mùi vị, cách làm được giới thiệu chi tiết qua từng trang viết, mang lại cho độc giả một cái nhìn khá toàn diện về bánh dân gian và nét văn hóa, con người miền Tây sông nước.

“Miệt đồng miền Tây, mưa dầm, ễnh ương, ếch, nhái kêu ran trời. Lúc này, nằm nhà lắc võng, bụng đói run, có bánh da lợn ăn thì sướng rên mé đìu hiu! Cắn một miếng bánh dẻo thơm lừng, trộn lẫn vị bùi bùi đậu xanh, béo béo nước cốt dừa pha mùi lá dứa dịu dàng, uống thêm ngụm trà nóng thì còn gì đã hơn” (trang 35).

Tác giả Trần Hữu Dũng đã mở đầu bài viết “Bánh da lợn đậm đà hương vị Nam bộ” bình dị và cuốn hút như thế. Cứ mỗi loại bánh, các tác giả lại kể cho người đọc một câu chuyện. Ngô Khắc Tài thưởng thức bánh tằm se nước cốt dừa bồng con mà nhớ kỷ niệm với nhà văn Sơn Nam, nhớ những nhận xét của “Ông già Nam bộ”.

Tác giả Kiến Tri nhớ cảm giác đầm ấm lúc còn nhỏ, xúm xít phụ người lớn làm bánh lá để bây giờ khắc khoải lo rằng chiếc bánh lá sẽ phai màu hương xưa. Hay người bác của tác giả Trần Tiến Dũng, trước khi nhắm mắt xuôi tay phải ăn món bánh giá xứ Gò Công mới yên lòng; rồi hành trình Nam tiến của chiếc bánh xèo (Ngữ Yên); những hoài niệm về bánh ít (Nguyễn Đình Bổn)…

Mỗi câu chuyện không chỉ là hồi ức đẹp mà còn toát lên sức sống của các loại bánh từ thôn quê đến thành thị, từ xưa đến nay.

Cái ngon của bánh, ngoài chất liệu, hương vị, tay nghề còn ở không gian thưởng thức và tấm lòng của người chế biến. Miếng bánh ăn ở những cửa tiệm, nhà hàng sang trọng sẽ khác với miếng bánh ăn ở quê do mẹ, bà ngoại hay cô dì chú bác cùng làm.

Bởi thế mà nhà văn Nguyễn Ngọc Tuyết khẳng định: “Bánh mua về làm sao có được hương vị, đặc trưng của bánh làm ở nhà. Và cái không khí thơm lừng, ấm sực trong gian bếp nhỏ, tiếng cười vui gia đình, cả những giọt mồ hôi nhỏ xuống từ trán mẹ và bàn tay yêu dấu nữa… Bởi miếng bánh tan trong miệng ta còn có tình yêu thương, sự ấm áp từ bàn tay mẹ…” (Một thời bánh Tây- trang 142).

“Hương vị bánh miền Tây” là tập sách thứ 2 trong “Tủ sách tiếp thị địa phương”, sau cuốn “Hương vị miền Tây” giới thiệu các món ăn, đặc sản của 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Theo ông Đoàn Hữu Đức, trong thời gian tới, nhóm tác giả sẽ ra mắt các tập tiếp theo với chủ đề: “Hương mắm miền Tây”, “Hương rượu miền Tây”… tiếp tục giới thiệu đến độc giả gần xa sự phong phú, đặc sắc của  ẩm thực phương Nam.

Cát Đằng

Chia sẻ bài viết