14/06/2018 - 08:33

 Hướng về đảo xa 

Đến hẹn lại lên, định kỳ 2 năm, các Tỉnh, Thành đoàn cụm thi đua Sông Hậu tổ chức đoàn đến thăm và giao lưu với cán bộ, chiến sĩ (CBCS) đang công tác các đảo: Phú Quốc, Thổ Chu (tỉnh Kiên Giang). Hành trình “Tuổi trẻ Cụm Sông Hậu - Vì biển, đảo quê hương” vừa được các Tỉnh, Thành đoàn: Cần Thơ, Kiên Giang và An Giang phối hợp tổ chức cuối tuần qua, thu hút 140 cán bộ, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN). Tuổi trẻ các đơn vị mang đến đảo xa những công trình thanh niên, phần quà thiết thực, gởi tặng bà con ngư dân, chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn. Đó là niềm động viên CBCS an tâm công tác, giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tuổi trẻ Cụm Sông Hậu trao chi phí thực hiện công trình thanh niên “Vì trường đẹp cho em” cho đại diện Trường Mẫu giáo xã Thổ Châu. 

Những công trình “áo xanh”

Sau gần 6 giờ vượt gần 60 hải lý từ cảng An Thới (huyện đảo Phú Quốc) đến đảo Thổ Chu, nhiều bạn trẻ dù còn uể oải, đi lại loạng choạng vì còn say sóng nhưng đều háo hức ra mạn tàu để ngắm vẻ đẹp hoang sơ của đảo tiền tiêu nằm phía Tây Nam Tổ quốc. Tàu cập cảng, các bạn trẻ chia thành từng nhóm nhỏ, tất bật khuân vác hàng chục phần quà, thiết bị thực hiện công trình thanh niên trên đảo. Theo anh Đào Chí Nghĩa, Bí thư Thành đoàn Cần Thơ, trong khuôn khổ hành trình, tuổi trẻ các đơn vị vận động xây dựng công trình “Vì trường đẹp cho em” (lắp đặt mái che, sơn sửa trường học), tổng trị giá 70 triệu đồng tại Trường Mẫu giáo xã Thổ Châu, giúp các em có điều kiện học tập tốt. Cách nay 2 năm (năm 2016), tuổi trẻ Cụm Sông Hậu thực hiện 3 công trình thanh niên “Thắp sáng đảo xa”, xây dựng Khuôn viên Đền thờ Thổ Châu và lắp đặt thùng rác bảo vệ môi trường, tổng trị giá hơn 130 triệu đồng.

Cô Võ Thị Kim Anh, giáo viên Trường Mẫu giáo xã Thổ Châu, chia sẻ: “Trường có 2 lớp, với hơn 80 học sinh, đa số là con em CBCS đang công tác trên đảo và bà con ngư dân nên đa số có hoàn cảnh khó khăn. Cơ sở vật chất của trường xuống cấp, mùa mưa hoặc mùa biển động, gió, lốc và nước mưa tràn vào lớp, khiến cô, trò gặp nhiều khó khăn. Nay Đoàn Thanh niên các tỉnh, thành hỗ trợ xây dựng mái che, sơn sửa trường học, giúp các em có điều kiện học tập tốt hơn”. Với tình yêu trẻ và biển, đảo quê hương, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Long, năm 2010, cô Kim Anh tình nguyện ra đảo dạy học. Cô Kim Anh tin rằng, tuổi trẻ đất liền bằng những công trình, phần việc cụ thể, thiết thực sẽ góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Xúc động trước những tình cảm ấm áp của các CB, ĐVTN, Trung úy Nguyễn Mạnh Tiến (ở huyện Thới Lai), Trung đội Phó Trung đội 1, Đại đội Cối 82 (Trung đoàn 152), bộc bạch: “Tôi rất vui khi gặp gỡ đồng hương, giao lưu thể thao, vơi đi nỗi nhớ nhà. Các CB, ĐVTN đến thăm, tặng quà, còn tổ chức sân chơi làm anh em rất xúc động”. Ở các đơn vị như: Trạm ra-đa 610 (Tiểu đoàn 551), Đồn Biên phòng, Trung đoàn 152 và các đơn vị trực thuộc Trung đoàn, các bạn trẻ sôi nổi tham gia giao lưu bóng đá, trò chơi chuyền chanh bằng đũa, thi đấu bóng chuyền, tiếp bước tiền phương… trong sự reo hò cổ vũ nhiệt tình của CBCS. Thượng úy Nguyễn Như Quý, Chính trị viên Trạm ra-đa 610, hướng dẫn tôi tham quan hệ thống nhà lưới vườn tăng gia sản xuất, hệ thống máy trữ nước do bà con, tuổi trẻ các địa phương đất liền gởi tặng. Nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đất liền, điều kiện sinh hoạt, làm việc của CBCS Trạm ra-đa cải thiện tốt hơn, đồng đội an tâm công tác, chính trị tư tưởng vững vàng, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Thêm yêu biển, đảo

Lần đầu đến đảo Thổ Chu, đảo tiền tiêu phía Tây Nam Tổ quốc, Nguyễn Hữu Nhân, sinh viên ngành Khoa học máy tính, Trường Đại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ, thêm tự hào và khâm phục ý chí vượt khó của CBCS đang công tác nơi đầu sóng ngọn gió. Đến đây, Nhân mới thấu hiểu điều kiện công tác, sinh hoạt của CBCS đảo xa còn nhiều khó khăn, từ chuyện thiếu nước ngọt, điện hay hạn chế sân chơi để giải trí, rèn luyện sức khỏe. Nhân tình nguyện mang tiếng hát, lời ca phục vụ văn nghệ, góp phần động viên CBCS yên tâm công tác. “Sau chuyến đi này, tôi sẽ kể với bạn bè về đời sống CBCS, để kêu gọi và vận động các bạn đóng góp hỗ trợ CBCS đang công tác đảo xa, bà con ngư dân có hoàn cảnh khó khăn” – Nhân bộc bạch. 

Đoàn viên và chiến sĩ đóng trên đảo Thổ Chu sôi nổi tham gia trò chơi dân gian.

Điều tâm đắc của Trần Minh Tuấn Tú, sinh viên ngành Công nghệ thực phẩm, Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Trường Đại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ, qua hành trình là được tìm hiểu lịch sử đảo Thổ Chu; quá trình xây dựng, rèn luyện và trưởng thành của các đơn vị lực lượng vũ trang đóng trên đảo Phú Quốc, Thổ Chu, như: Vùng 5 Hải quân, Trung đoàn 152 (Quân khu 9). Qua đó, giúp Tú nâng cao kiến thức, hiểu biết về tình hình biển, đảo, sau nầy làm tốt hơn nữa việc tuyên truyền và giáo dục, vun đắp tình yêu biển, đảo trong sinh viên.

Hằng năm, Tỉnh đoàn Kiên Giang thường xuyên tổ chức đoàn viên, thanh niên thăm hỏi, tặng quà và giao lưu văn hóa, văn nghệ, giáo dục truyền thống, thắt chặt hơn tình đoàn kết quân – dân, tình cảm đất liền với hải đảo xa xôi. Trong khuôn khổ hành trình “Tuổi trẻ Cụm Sông Hậu – Vì biển, đảo quê hương” năm nay, 3 Tỉnh, Thành đoàn: Cần Thơ, Kiên Giang và An Giang và các đơn vị trực thuộc ký kết chương trình phối hợp thực hiện Cuộc vận động “Nghĩa tình biên giới hải đảo”, giai đoạn 2018-2022, với các đơn vị đóng quân trên đảo Thổ Chu. Theo đó, tuổi trẻ các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục và định hướng đoàn viên, thanh niên về chủ quyền biển, đảo Việt Nam, đồng thời tổ chức các hoạt động hướng về biển, đảo quê hương, nhất là các hoạt động chăm lo CBCS và bà con đang sinh sống, làm việc trên đảo Thổ Chu và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).

Hành trình vỏn vẹn 3 ngày nhưng giúp bạn trẻ nhiều trải nghiệm thú vị, nâng cao nhận thức về biển, đảo, đồng thời, thể hiện tinh thần xung kích, tình nguyện, trách nhiệm và chia sẻ với CBCS và nhân dân biên giới, hải đảo xa xôi đang ngày đêm canh giữ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng Tổ quốc.

Bài, ảnh: QUỐC THÁI

Chia sẻ bài viết