26/09/2017 - 21:47

“Hội nghị Diên Hồng”- hiệu triệu các tư tưởng lớn giúp BĐSCL phát triển 

(CT)-  “Hội nghị Diên Hồng” cho ĐBSCL nhằm hiệu triệu các tư tưởng lớn giúp Chính phủ và các địa phương vùng ĐBSCL xác định các nhóm giải pháp chiến lược về chuyển đổi có quy mô lớn nhằm phát triển bền vững ĐBSCL với tầm nhìn 2100.

Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị. Ảnh: ANH KHOA

Ngày 26-9, tại TP Cần Thơ, khoảng 500 đại biểu tham dự Hội nghị về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH). ĐBSCL là một trong bốn đồng bằng bị tác động mạnh nhất do biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

3 phiên thảo luận chuyên đề, gồm: giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển cho ĐBSCL; Quy hoạch tổng thể theo hướng tích hợp phát triển vùng ĐBSCL thích ứng BĐKH; chuyển đổi sinh kế bền vững, hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai, chống sụt lún, sạt lở. Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì 3 phiên thảo luận trên.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu tập trung vào 4 vấn đề chính.

Thứ nhất, phân tích, nhận diện được đầy đủ hơn các thách thức do BĐKH, quá trình phát triển nội tại của vùng ĐBSCL, các hoạt động sử dụng nguồn nước ở thượng nguồn.

Thứ hai, dự báo được các xu thế tác động chính, nhận diện được các cơ hội trong ngắn hạn và dài hạn làm cơ sở cho các định hướng chuyển đổi lớn.

Thứ ba, thảo luận và đề xuất các cơ chế chính sách đổi mới có tính đột phá; trong đó, tập trung vào các cơ chế về đất đai, thuế, kiến tạo thị trường, xúc tiến đầu tư, khoa học công nghệ, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

Thứ tư, xác định các dự án, các nhóm nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án ưu tiên với nguồn lực, lộ trình thực hiện phù hợp trong tổng thể phát triển toàn vùng với sự tham gia của Chính phủ, địa phương, các tổ chức trong và ngoài nước, đặc biệt là người dân và doanh nghiệp trong vùng ĐBSCL và các khu vực lân cận, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại các phiên thảo luận, các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia nước ngoài đã đưa ra định hướng xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển vùng ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Nêu các đề xuất chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH và hội nhập quốc tế; định hướng phát triển đô thị, định hướng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cho vùng ĐBSCL...

Về phát triển nông nghiệp bền vững trong điều kiện BĐKH cần chú trọng bảo tồn, giữ gìn hệ sinh thái của từng vùng. Dựa trên đặc điểm của từng tiểu vùng như: Vùng Tứ giác Long Xuyên (xâm nhập mặn, lũ, nhiệt độ tăng); Vùng Đồng Tháp Mười (nhiệt độ tăng, lũ lụt, sạt lở); Vùng phù sa ngọt ven sông Tiền, sông Hậu (khô hạn cục bộ, mưa lớn, triều cường); Vùng Tây sông Hậu (khô hạn cục bộ, nắng nóng, mưa lớn bất thường); Vùng ven biển (xâm nhập mặn, khô hạn) và Vùng Bán đảo Cà Mau (khô hạn, mưa lớn bất thường, bão ven biển) để xây dựng cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng Bộ, ngành Trung ương cần nghiên cứu, khảo sát dòng chảy trên sông Hậu, sông Tiền để xây dựng giải pháp điều chỉnh dòng chảy, quy hoạch khu vực khai thác cát hợp lý, theo lòng sông. Quy hoạch sử dụng và khai thác nguồn nước ngầm để hạn chế hiện tượng sụt lún; quản lý tổng hợp vùng ven biển gắn với quy hoạch phát triển rừng ngập mặn ven biển. Đầu tư thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp thích ứng với từng tiểu vùng sinh thái…

Các ý kiến tại các phiên thảo luận được ghi nhận và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong phiên hội nghị toàn thể ngày 27-9-2017. 

ANH KHOA- VĂN THỨC

Chia sẻ bài viết