24/07/2013 - 13:23

Lầu Năm Góc cảnh báo:

“Hậu quả khôn lường” nếu Mỹ can thiệp vào Syrie

Tướng Martin Dempsey. Ảnh: Reuters 

Hôm 22-7, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ- Tướng Martin Dempsey đã lần đầu tiên công khai chi tiết các phương án can thiệp quân sự vào nội chiến Syrie, song ông cũng cảnh báo nghiêm túc về những “hậu quả khôn lường”.

Trong lá thư được công bố tại Quốc hội Mỹ, Tướng Dempsey đã vạch ra chi tiết 5 phương án để Mỹ can thiệp quân sự nhằm ngăn chặn nội chiến đẫm máu tại Syrie. Theo đó, Washington có thể sẽ huấn luyện và tư vấn cho phe nổi dậy, thực hiện các cuộc không kích có giới hạn, thiết lập vùng cấm bay, thiết lập “vùng đệm” và triển khai binh lính kiểm soát “vũ khí hóa học của Syrie”. Theo ông Dempsey, các phương án trên sẽ được tiến hành một khi Nhà Trắng lên tiếng yêu cầu.

Tuy nhiên, Tướng Dempsey cũng đưa ra cảnh báo rằng hành động can thiệp quân sự vào Syrie gần như sẽ leo thang nhanh chóng, kéo theo “những hậu quả khôn lường”, thậm chí là phản tác dụng, bởi “việc can thiệp sâu hơn là điều khó tránh khỏi”.

Phân tích về tính lô-gíc và chi phí ở mỗi phương án, Tướng Dempsey cho rằng việc huấn luyện và tư vấn cho phe nổi dậy ở Syrie, vốn được cho là ít rủi ro nhất, “bước đầu cũng đã tiêu tốn 500 triệu USD/năm”. Lựa chọn trên cũng đòi hỏi từ hàng trăm đến hàng ngàn binh lính tham chiến, kèm theo đó là “hiểm họa vô tình trang bị vũ khí cho các tay súng Hồi giáo cực đoan ẩn mình trong các nhóm nổi dậy hoặc liên quan đến tội ác chiến tranh”.

Bên cạnh đó, các cuộc không kích có giới hạn nhằm vào những mục tiêu quân sự của Syrie cũng phải huy động đến hàng trăm máy bay, tàu chiến, tàu ngầm và những lực lượng khác” với chi phí hoạt động lên đến “hàng tỉ USD”.

Trong thư, Tướng Dempsey nhắc đến vùng cấm bay- phương án mà ông cho là cần triển khai đến hàng trăm máy bay trên mặt đất, trên các hàng không mẫu hạm, sự hỗ trợ của tình báo và lực lượng chiến tranh điện tử cũng như các hoạt động tiếp tế về nhiên liệu và thông tin liên lạc. Tướng Dempsey cho rằng chi phí duy trì các hoạt động trên bị đội lên đến 1 tỉ USD/tháng và thậm chí mọi nỗ lực có thể không giảm được tình trạng bạo lực hay thay đổi tình thế bởi chính quyền Damas “phụ thuộc nhiều” vào hỏa lực trên mặt đất và lực lượng bộ binh.

Riêng yêu cầu thiết lập “vùng đệm” dọc khu vực biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ và Jordanie, nhằm cung cấp “vùng an toàn” cho phe nổi dậy và cũng là căn cứ cho việc hỗ trợ nhân đạo, cũng cần đến việc thiết lập vùng cấm bay giới hạn và triển khai hàng ngàn bộ binh Mỹ.

Đối với “kho vũ khí hóa học” của Syrie, Tướng Dempsey cho biết để kiểm soát số vũ khí trên đòi hỏi “hàng ngàn binh lính thuộc lực lượng đặc nhiệm cũng như bộ binh để tấn công và bảo vệ chúng, phối hợp với vùng cấm bay cùng các chiến dịch không kích bằng máy bay và tên lửa mạnh mẽ”. Phương án này cũng tiêu tốn hơn 1 tỉ USD/tháng.

Từ lâu, nội bộ chính quyền Tổng thống Obama đã có những chia rẽ về việc can thiệp quân sự sâu hơn vào nội chiến vốn kéo dài hơn 2 năm với khoảng 90.000 người chết tại Syrie, nhằm cân bằng giữa việc tránh “dính” vào một cuộc chiến khác ở Trung Đông và kết thúc một trong những “thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất thế giới”.

Cho đến nay, Mỹ đã hỗ trợ nhân đạo và vũ khí phi sát thương cho phe nổi dậy ở Syrie. Tuy nhiên, hồi tháng rồi, Nhà Trắng tuyên bố sẽ tăng cường viện trợ quân sự, gồm vũ khí hạng nhẹ và đạn dược, cho phe nổi dậy sau những gì mà Washington cho là “quân đội Syrie đã nhiều lần sử dụng vũ khí hóa học đối với phe nổi dậy trong những cuộc xung đột”, tức vượt “lằn ranh đỏ” mà Nhà Trắng đã vạch ra trước đó.

THANH BÌNH (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết