09/05/2017 - 21:01

“Giải bài toán vốn” trong xây dựng nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở TP Cần Thơ, vấn đề nguồn vốn phục vụ chương trình luôn là bài toán hóc búa. Tùy vào tình hình thực tế, các xã đã chọn hướng đi, cách làm riêng để kịp thích ứng và đạt được nhiều kết quả khả quan. Năm 2017, các địa phương xác định tiếp tục tập trung mọi nguồn lực cho công cuộc XDNTM trên cơ sở tranh thủ nguồn vốn từ ngân sách, vốn tín dụng, đóng góp từ doanh nghiệp, đặc biệt là phát huy nguồn lực tại chỗ...

Chưa đáp ứng nhu cầu

Năm 2016, tổng nguồn vốn XDNTM toàn thành phố đạt hơn 1.213 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách 549 tỉ đồng, vốn do nhân dân đóng góp 68 tỉ đồng, vốn doanh nghiệp 19 tỉ đồng và vốn tín dụng 574 tỉ đồng. Nguồn vốn từ nguồn ngân sách chủ yếu phân bổ cho công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn; đầu tư cho các công trình trường học, trạm y tế, một phần hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh thủy lợi... Vốn huy động trong dân phục vụ làm đường giao thông nông thôn, nâng cấp hệ thống thủy lợi, nhà thông tin ấp, nhà ở dân cư, cải tạo cảnh quan môi trường… Nhìn chung, việc huy động các nguồn lực thực hiện các tiêu chí, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ XDNTM còn hạn chế, xã hội hóa trong việc XDNTM tại nhiều địa phương còn thấp.

Phát triển sản xuất qua đó nâng cao thu nhập cho người dân là tiền đề vận động đóng góp XDNTM. Trong ảnh: Nông dân huyện Phong Điền thu hoạch cam.

Theo ông Đỗ Sĩ Nhường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM mang lại lợi ích thiết thực, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận cư dân nông thôn. Do đó, người dân có sự đồng thuận cao và tích cực tham gia đóng góp tiền của, công sức đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Tuy nhiên, do phát triển kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn nên sức đóng góp còn hạn chế. Mặt khác, việc thực hiện các công trình hạ tầng thiết yếu như: giao thông nông thôn (các tuyến trọng yếu), trường học, trạm y tế, nước sạch... đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn và cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Tuy nhiên, nguồn vốn từ nguồn ngân sách hiện nay nhìn chung vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Mặt khác, một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước nên nguồn lực trong dân chưa được phát huy tối đa.

XDNTM trong điều kiện nguồn tài chính hạn hẹp là thực tế chung của cả nước. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến các xã không thể hoàn thành các tiêu chí theo đúng tiến độ đề ra. Theo ông Nguyễn Thành Út, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, do kinh phí trực tiếp thực hiện chương trình không đáp ứng yêu cầu dẫn đến việc thực hiện các tiêu chí trong XDNTM tại một số xã chậm hơn so với kế hoạch. Trong khi đó, việc huy động vốn từ doanh nghiệp và tín dụng không hề đơn giản do các chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hiện nay chưa thật sự hấp dẫn. Nhiều địa phương phản ánh, một số cơ chế, chính sách thực hiện chương trình (huy động vốn, tổ chức bộ máy và quy định thực hiện một số tiêu chí...) chưa đồng bộ, chưa phù hợp với địa phương làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác huy động vốn trong XDNTM.

Phát huy nội lực

Nhiều ý kiến cho rằng, XDNTM là chương trình lớn, dài hơi, tốn nhiều công sức, tiền của và cần đi theo lộ trình phù hợp. Một trong những giải pháp được nhiều địa phương lựa chọn là huy động và phân bổ vốn thực hiện các tiêu chí có tâm, trọng điểm. Ông Nguyễn Thành Út, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, chia sẻ: "Phần lớn kinh phí sử dụng đúng mục đích, tập trung cho các tiêu chí giao thông, thủy lợi, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế… Việc hoàn thiện các tiêu chí này góp phần giải quyết yêu cầu bức xúc trong đời sống và thực tế sản xuất tại địa phương nên được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân. Thời gian tới, huyện tiếp tục ưu tiên hoàn thành các tiêu chí ít tốn vốn ngân sách nhà nước; tận dụng nhiều nguồn lực để thực hiện các tiêu chí về hạ tầng kinh tế-xã hội; tiếp tục huy động vốn để củng cố, nâng chất các tiêu chí đã đạt trên cơ sở phát huy nội lực là chính".

Năm 2017, thành phố tập trung thực hiện các giải pháp vận động, huy động nguồn lực ngoài xã hội, nhất là nguồn lực từ cộng đồng dân cư, mạnh thường quân để phục vụ XDNTM. Nguồn vốn ưu tiên phân bổ cho các xã đạt trên 15 tiêu chí để phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng thời, chú trọng đầu tư cho các xã chưa hoàn thành các công trình hạ tầng cơ bản, hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường. Đối với những xã đã đạt chuẩn nông thôn mới sẽ huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí đạt chuẩn. Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: "Phát triển sản xuất qua đó nâng cao thu nhập cho người dân là giải pháp then chốt trong XDNTM năm nay. Bởi một khi kinh tế ổn định, vấn đề huy động sức dân cũng thuận lợi hơn, những vướng mắc trong XDNTM sẽ từng bước được tháo gỡ. Doanh nghiệp giữ vai trò "xúc tác" trong XDNTM. Do đó, ngành nông nghiệp thành phố tiếp tục tạo mọi điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn".

Theo ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, XDNTM không phải cứ hễ có vốn là thực hiện thành công mà phải có sự uyển chuyển, linh hoạt với những giải pháp phù hợp, kịp thời cho từng trường hợp. XDNTM cần được lồng ghép, kết hợp hài hòa và đặt trong mối tương quan với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, vùng và quy hoạch phát triển ngành. Điều này thể hiện được tính hiệu quả trong XDNTM, đặc biệt là tránh tình trạng đầu tư dàn trải, nhiều công trình thi công dở dang nằm chờ vốn. Quá trình XDNTM cần phát huy dân chủ rộng rãi, từ đó tạo được sự đồng thuận, nhất quán sẽ khuyến khích được người dân tham gia, đóng góp tích cực trong công cuộc XDNTM tại địa phương. Mặt khác, việc quản lý, sử dụng nguồn vốn cũng cần được công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh lãng phí để tạo niềm tin trong nhân dân…

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết