13/09/2018 - 20:56

“Ghiền” đồ hiệu và bài toán chi tiêu 

Sẵn sàng vay tiền “tậu” điện thoại đắt tiền, túi xách, quần áo hàng hiệu… đến những bữa ăn xa xỉ  với mục đích “sống ảo” trên mạng xã hội, một bộ phận giới trẻ đua theo cơn lốc hàng hiệu để “không lép vế” hoặc “khẳng định đẳng cấp” trong mắt mọi người…

Chi tiêu thiếu kiểm soát

Kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua, Nguyễn Thị H. (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) không đủ điểm vào ngành Y như nguyện vọng. H. cũng háo hức báo với gia đình trúng tuyển ngành Kế toán, một trường đại học ở TP Hồ Chí Minh. Gia đình H. rất phấn khởi, chuẩn bị hành trang tiễn con lên thành phố học tập, kèm theo số tiền hơn 20 triệu đồng để đóng học phí và chi phí sinh hoạt. Có tiền, H. “tậu” ngay điện thoại xịn, giá hơn 15 triệu đồng “lấy le” với bạn bè. Sau 2 tuần, cha mẹ H. khăn gói thăm con, mới tá hỏa khi bạn bè khu nhà trọ cho biết, H. không học trường nào cả và đang làm nhân viên phục vụ quán bar. H. nói dối cha mẹ để có tiền chi tiêu hoang phí, sống đua đòi, bỏ bê học tập.

Sinh viên TP Cần Thơ được tập huấn kỹ năng quản lý tài chính - chi tiêu cá nhân trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao năng lực tìm việc làm cho sinh viên nhập cư”.

Hoàng Như, sinh viên ngành Quản trị kinh doanh (Trường Đại học Nam Cần Thơ), kinh doanh mỹ phẩm qua mạng, cho rằng, thực tế không phải ai cũng đủ khả năng tài chính thỏa mãn sở thích dùng hàng hiệu, nhất là phần đông giới trẻ. Hầu hết bạn trẻ là những người thu nhập thấp hoặc chưa có thu nhập, phụ thuộc gia đình chu cấp. Không ít người luôn trong tình trạng cháy túi vì chạy theo thời trang, hàng hiệu. Có người còn sẵn sàng vay tiền mua điện thoại xịn, xe xịn… Nhiều bạn không có tiền còn “săn” hàng nhái, rồi khoe khoang để bạn bè trầm trồ, ganh tỵ. Như trường hợp bạn Trương Gia Tiến, tốt nghiệp cao đẳng nghề cơ điện tử, làm nhân viên kỹ thuật công ty thủy sản. Tiến còn nhận sửa chữa, lắp đặt hệ thống điện tại gia đình, bán hàng qua mạng để thêm thu nhập nhưng luôn than vãn “cháy túi”. Tiến thừa nhận, không thể cưỡng lại sức "hút" sản phẩm hàng hiệu, nhất là không ngại trút hầu bao để “lên đời”... điện thoại thông minh. Tiến chia sẻ: “Khi hết tiền mặt, tôi sử dụng thẻ tín dụng hoặc vay tiền bạn bè để mua hàng hiệu, khoe với bạn bè. Sau đó, tôi cảm thấy hối tiếc vì quá phung phí”. Để “cai nghiện” hàng hiệu, Tiến nhờ mẹ quản lý tiền bên cạnh sử dụng dịch vụ tiết kiệm trực tuyến để hạn chế chi tiêu không hợp lý.

Trang bị kỹ năng quản lý tài chính

Theo cô Nguyễn Mỹ Linh, Bí thư Đoàn Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, hiện khá phổ biến bạn trẻ thiếu kiểm soát, hạn chế kỹ năng quản lý tài chính. Hầu hết sinh viên chưa tự tạo ra thu nhập, còn phụ thuộc gia đình. Không ít bạn đầu tháng rủng rỉnh chi tiêu, cuối tháng “cháy túi”. Quá trình tập huấn sinh viên kỹ năng quản lý tài chính – chi tiêu cá nhân, cô Linh cho biết, không ít bạn trẻ dành phần lớn tiền chu cấp từ gia đình để mua sắm các sản phẩm thời trang, mỹ phẩm, công nghệ, chủ yếu theo trào lưu, chưa ý thức món hàng đó thật sự cần thiết đối với nhu cầu học tập cũng như cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Điều đáng buồn nhiều bạn trẻ thiếu ý thức tiết kiệm, chi tiêu phung phí dù bản thân chưa thể sống tự lập. Theo cô Linh, cần thiết giáo dục sinh viên kỹ năng quản lý tài chính, chi tiêu cá nhân. Qua đó, góp phần giúp bạn trẻ xây dựng thói quen chi tiêu hợp lý, khoa học, biết sống tiết kiệm, dự phòng những tình huống bất ngờ trong tương lai.

Trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao năng lực tìm việc làm cho sinh viên nhập cư”, do Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên TP Cần Thơ phối hợp Tổ chức Cứu trợ trẻ em Quốc tế triển khai (giai đoạn 2 từ tháng 3 đến tháng 11-2018), các cấp bộ Đoàn - Hội tổ chức các khóa học về kỹ năng quản lý tài chính. Theo đó, bên cạnh tuyên truyền, định hướng lối sống tiết kiệm, Đoàn - Hội Sinh viên các trường hướng dẫn sinh viên xây dựng kế hoạch tiết kiệm, lập bảng ngân sách cá nhân; xác định giữa nhu cầu và mong muốn. Theo cô Linh, qua tiếp xúc sinh viên tham gia Dự án, khoảng 20% học viên sau khóa học có áp dụng các biện pháp tiết kiệm thường xuyên trong chi tiêu. Dù kết quả chưa như mong muốn nhưng thông qua kết hợp nhiều kênh tuyên truyền, giáo dục kỹ năng, sinh viên sẽ ý thức hơn việc sống tiết kiệm, biết cách tiêu dùng thông minh, hợp lý hơn.

Bài, ảnh: QUỐC THÁI

Chia sẻ bài viết