03/03/2017 - 14:46

“Đồng Văn ở miền biển”

Có một bờ biển lô nhô đá tai mèo ở Ninh Thuận khiến du khách cứ ngỡ đây là "anh em" với cao nguyên đá Đồng Văn nơi địa đầu Tổ quốc. Đá tai mèo kết thành từng khối lớn, nổi chìm trong nước hay hòa trong cát đỏ tươi. Men theo bờ đá về hướng biển, ra xa chừng vài chục mét, là rạn san hô và rong biển phong phú đến mức người ta gọi đó là khu rừng dưới biển.

"Đồng Văn ở miền biển" là một địa danh còn rất lạ trên bản đồ du lịch nhưng lại rất quen thuộc với những người du lịch bụi, nhất là những nhiếp ảnh gia ưa lang thang. Đó là làng chài 300 năm tuổi Mỹ Hiệp thuộc xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận). Làng chài này đẹp nhất nhì biển miền Trung. Trên bờ, người dân bản địa trồng rau húng, hành tím, tỏi… tạo nên những mảng xanh in trên nền cát trắng. Về phía bãi đá là rừng dương mênh mông xen lẫn vào đá tai mèo lô nhô. Đến sát biển, một vành đai đá tai mèo dày đặc. Hay đúng hơn đó là một thềm đá khổng lồ ven biển, nổi, chìm trong nước. Phía xa bờ, những khối đá tai mèo khổng lồ nhô lên như những hòn đảo nhỏ. Khi nước ròng, một thềm đá tai mèo khác lộ thiên, có thể đi bộ từ bờ ra các đảo này. Có nơi ra xa vài trăm mét.

Những khối đá san hô trên biển như đang "trôi" trong sương khói ở làng chài Mỹ Hiệp.

Tới gần và quan sát kỹ hơn, du khách nhận ra những khối đá gần giống như đá tai mèo ở cao nguyên địa chất Đồng Văn lại là những khối san hô cổ, được hình thành cách đây hàng triệu năm. Do hiện tượng biển lùi và sự thay đổi của bề mặt trái đất, những khối san hô khổng lồ này bị đẩy trồi lên mặt đất và chết dần, tạo thành một thềm đá ven biển, kéo dài hàng cây số. Một số chỗ, bãi san hô cổ này nằm cách mặt biển 6-10 mét và bị vùi trong cát. Điều kỳ lạ là cát ở khu vực trồng tỉa hoa màu hoàn toàn là cát trắng; nhưng cát phủ trên rạn san hô cổ lại đỏ lịm như màu nước bã trầu.

Do là rạn san hô đã từng chìm trong biển nên khi lộ thiên, chúng lồi lõm tạo địa hình kỳ vĩ dọc suốt bờ biển làng chài Mỹ Hiệp. Sự bào mòn của thời tiết hàng triệu năm qua khiến bề mặt rạn san hô cổ càng thêm loang lổ. Chúng mấp mô như những ngọn núi đá nhọn hoắt, chĩa ngược lên trời. Nếu du khách ngồi xuống thấp, càng thấy rõ dãy núi đá chồng chất, nối tiếp nhau xé toang bầu trời xanh cao vút. Có những hốc đá trữ nước biển lâu ngày tạo thành muối. Khi đó, bãi đá lại mang hình dáng của ngọn núi đầy tuyết tuyệt đẹp.

Cỏ long chong như những sinh vật tinh nghịch.

Với những tay máy ưa lang thang, thềm đá ven biển này là nơi hạ trại lý tưởng để đón bình minh lên. Khi đó, thủy triều vẫn chưa cao. Cả thềm đá khá bằng phẳng kéo dài từ bờ ra đến vài chục mét lộ thiên chứa đựng những bức ảnh về sự sống của các loại rong, thủy tức và nhiều loài hải sản đang chơi vơi trên cạn. Hoặc cảnh sinh hoạt của cư dân miền biển mưu sinh trong buổi sớm trên bãi đá này. Ở một góc khác, sóng dập dồn đập vào bờ đá san hô cao là điểm "phơi sáng" cho ra những bức ảnh đẹp như thiên đường. Khi đó, nước biển nhòa nhoạt và mong manh như khói mây. Những khối đá ven biển như đang "trôi" trong mây khói mênh mông đó.

Nắng lên cao, thủy triều cũng lên theo. Bãi đá san hô cổ bằng phẳng chìm dần vào làn nước biển xanh màu ngọc bích, trở thành bãi tắm lý tưởng cho du khách. Những khối san hô khổng lồ kia lại tách biệt với đất liền tạo thành những hòn đảo chênh vênh bồng bềnh trên sóng. Xen lẫn trong thềm đá ven biển là những bãi cát nhỏ xinh xắn. Chúng đủ rộng cho vài người đến cả trăm người tắm, tùy bãi. Trên bờ, những đám cỏ long chong phát triển xanh mượt. Những "con" long chong khô bị gió thổi "chạy" lon ton trên bờ cát như một sinh vật nhỏ bé tinh nghịch đùa với con sóng. Sau bãi san hô cổ, cỏ long chong là "đặc sản" của bờ biển này.

Nếu trang bị được thiết bị bơi ngắm biển, du khách có thể ra xa bờ hàng chục mét, tức vượt khỏi thềm đá san hô cổ, để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đại dương. San hô ở đây phong phú và dày đặc với muôn hình vạn trạng. Xen lẫn trong đó là vô số những loài rong biển. Cái hay của làng chài là người dân tự tổ chức bảo vệ rạn san hô và khu vực rong biển sinh sống mà họ bảo là khu rừng dưới lòng biển. Trước đây, khu vực này tự do đánh bắt. Ngư dân đã từng dùng tới thuốc nổ nên sinh vật bị tận diệt. Không chỉ cá chết mà san hô cũng chết theo. Rong biển không còn nơi sinh sống. Cá biển không sinh sản kịp. Môi trường bị tàn phá nặng nề, mất đi sự đa dạng sinh thái. Người ta không thể khai thác gần bờ được. Từ đó, họ tổ chức đội bảo vệ khu vực này, ngăn chặn nạn khai thác tận diệt, môi trường dần phục hồi. Ngư dân làng Mỹ Hiệp có nhiều cá ngon để ăn. Hằng ngày, họ hái rong biển bán cho thu nhập khá không thua gì đi biển.

Bài, ảnh: Thụy Du

Chia sẻ bài viết