29/01/2018 - 21:35

“Đòn bẩy” nghiên cứu khoa học 

Nghiên cứu khoa học (NCKH) đóng vai trò quan trọng trong hoạt động đào tạo của các trường đại học, cao đẳng. Thông qua nghiên cứu, giảng viên, sinh viên vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống, lao động sản xuất; đồng thời tạo môi trường nâng cao chất lượng dạy và học. Hoạt động này thời gian qua được các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố quan tâm đầu tư.

Đưa ý tưởng vào cuộc sống

Nếu như lỡ ra khỏi nhà mà quên tắt thiết bị sinh hoạt như: đèn, ấm nước điện... người dùng chỉ cần thao tác trên remote hay điện thoại có kết nối Internet là có thể tắt các thiết bị, tránh rủi ro. Đó là giới thiệu về đề tài “Mạch điều khiển thiết bị quan internet” của nhóm sinh viên Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ: Nguyễn Xuân Vinh, Lương Thanh Duy và Nguyễn Thành Luân. Theo các thành viên của nhóm, ý tưởng ban đầu của đề tài xuất phát từ thực tế, trong sinh hoạt hằng ngày, nhiều người mà nhất là trẻ em và người cao tuổi, thường gặp khó khăn khi tìm công tắc mở đèn ban đêm. Từ đó, nhóm bắt tay thực hiện đề tài và dần phát triển hoàn thiện. Nguyễn Xuân Vinh, sinh viên ngành Cơ điện tử K4, cho biết: Sản phẩm này vận dụng nguyên lý cung cấp điện và phần mềm với công năng tắt - mở (on-off), có thể điều khiển từ xa việc tắt - mở nguồn điện của từ 3 đến 8 thiết bị. Nhóm rất tâm đắc với đề tài này, nhưng cũng nhận thấy sản phẩm chỉ dừng lại ở khuôn khổ sinh hoạt gia đình, có điểm mới nhưng chưa sáng tạo đột phá. Thế nên nhóm dự định phát triển sang ý tưởng nhà thông minh, ngoài việc tắt thiết bị sinh hoạt, sẽ lắp đặt hệ thống theo dõi nhiệt độ, khóa cửa thông minh…

Sinh viên Trường CĐ Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ nghiên cứu thực tế trên cây trồng. Ảnh: CTVSinh viên Trường CĐ Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ nghiên cứu thực tế trên cây trồng. Ảnh: CTV

Đề tài của Trần Thanh Thoại (sinh viên ngành Bảo vệ thực vật, Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ) lại đào sâu vào lĩnh vực nông nghiệp. Thoại đang thực hiện đề tài “So sánh 10 giống lúa cao sản ngắn ngày vụ Đông Xuân 2017- 2018 tại phường Long Tuyền, quận Bình Thủy”. Sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân, Thoại luôn muốn nghiên cứu sâu hơn về những giống lúa cao sản, để đưa kiến thức đã học ứng dụng vào thực tế cuộc sống. Thoại cho biết: “Sau khi xây dựng đề cương và được thầy hướng dẫn đồng ý, em xây dựng đề tài gắn với một hộ dân phường Long Tuyền, chọn một khoảnh đất nhỏ để trồng nhiều giống lúa nhằm so sánh trong điều kiện phèn mặn… Thực nghiệm và ghi lại thông số qua một vài vụ, nghiên cứu mới cho kết quả chính xác. Đây là cơ sở để em hoàn thiện luận văn tốt nghiệp ra trường của mình”.

Không riêng gì nhóm Xuân Vinh, Thanh Thoại mà nhiều sinh viên ở các trường ĐH, CĐ đã có chuyển biến trong nhận thức về NCKH, xem NCKH là nhiệm vụ trọng tâm. Phía nhà trường, tùy theo đặc thù, hoạt động này có nét riêng, như: tổ chức hội nghị, hội thảo hay tạo điều kiện cho sinh viên tham gia các cuộc thi NCKH… với mục đích tạo môi trường để sinh viên thỏa sức sáng tạo, hiện thực hóa các nghiên cứu vào cuộc sống. Đơn cử các đề tài: “Kẹo dẻo xoài” của nhóm sinh viên ĐH Tây Đô; “Kênh mua sắm mỹ phẩm trực tuyến - Sàn giao dịch Thương mại điện tử Comago” của nhóm sinh viên ĐH Cần Thơ…

Nền tảng nâng cao chất lượng đào tạo

TP Cần Thơ hiện có 5 trường ĐH, 16 trường CĐ đóng trên địa bàn. Bên cạnh công tác đào tạo, các trường tập trung phát triển hoạt động NCKH như một trong những công tác nền tảng để nâng cao chất lượng đào tạo. Đơn cử, ĐH Nam Cần Thơ, sau 5 năm hoạt động, đã có 17 đề tài (trong đó có 2 đề tài cấp thành phố); ĐH Y Dược Cần Thơ, tính riêng 2 năm (2015-2017), đã có 115 đề tài NCKH và sáng kiến, cải tiến. Còn ĐH Cần Thơ, giai đoạn 2012-2016, có trên 550 đề tài (tổng kinh phí khoảng 14,7 tỉ đồng) do sinh viên, giảng viên trẻ thực hiện.

Tại các trường CĐ, công tác NCKH tuy mới phát triển trong những năm gần đây, nhưng mang lại sinh khí mới. Theo Thạc sĩ Trang Vũ Phương, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, hằng năm, học sinh sinh viên năm cuối thực hiện các đề tài nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của giảng viên. Sinh viên thực hiện NCKH tại trường hoặc tại các doanh nghiệp. Sau khi hoàn thành đề tài, học sinh sinh viên sẽ báo cáo kết quả nghiên cứu tại hội đồng khoa học của khoa. Những sinh viên có năng lực nghiên cứu được các thầy, cô tuyển chọn cùng tham gia thực hiện các đề tài do thầy cô làm chủ nhiệm. Ngoài ra, phong trào khởi nghiệp do Đoàn, Hội sinh viên phối hợp với các tổ chức ngoài trường triển khai thực hiện như Dự án Simva, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP Cần Thơ. Với cách làm này, từ năm 2013 đến 2017, trường đã có 143 đề tài (trong đó có 8 đề tài cấp tỉnh, thành phố) ở lĩnh vực kinh tế, nông nghiệp và thủy sản,... Nhiều sinh viên đoạt giải thưởng cao ở các hội thi khởi nghiệp; trong đó có 1 ý tưởng của sinh viên đạt giải Nhì Hội thi “Start-up Student Ideas” lần thứ I năm 2016. Thạc sĩ Trang Vũ Phương cho biết: Sắp tới, trường tiếp tục tạo điều kiện, khuyến khích viên chức, giảng viên, học sinh sinh viên tham gia NCKH, tập trung vào các ngành nghề chuyên môn; chú trọng nâng cao trình độ NCKH cấp trên cơ sở và năng lực sáng tạo để tiếp thu và áp dụng các thành tựu khoa học và công nghệ.

Theo PGS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng ĐH Cần Thơ, bình quân mỗi năm, trường dành khoảng 7-8 tỉ đồng hỗ trợ cho hoạt động NCKH; trong đó hơn 1 tỉ đồng cho sinh viên NCKH. Hội đồng khoa học trường đã xây dựng định hướng phát triển trong 5-10 năm, đồng thời giao về các tiểu ban để xây dựng lĩnh vực tập trung nghiên cứu và “đặt hàng” thầy cô, sinh viên thực hiện. Ông Toàn nhấn mạnh: Trường sẽ tiếp tục hỗ trợ cán bộ, giảng viên, sinh viên tham gia NCKH. Bên cạnh đó, trường đẩy mạnh ký kết toàn diện với đơn vị, nhất là địa phương thuộc ĐBSCL, Đông Nam bộ; mở rộng hợp tác quốc tế trong NCKH… Qua đó nâng cao hơn nữa hiệu quả NCKH, tạo đòn bẩy thúc đẩy phong trào này nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của trường.  

B.KIÊN

Chia sẻ bài viết