17/12/2017 - 11:04

“Đó là những lát cắt thời gian được mài giũa” 

Đó là nhận xét của nhà văn Đào Ngọc Vinh (Bến Tre), một “tay bút ký” khá nổi bật ở ĐBSCL hiện nay, về bút ký “Man mác Vàm Nao” của Trương Chí Hùng. Nhà văn Đào Ngọc Vinh viết:

- Tôi biết tác giả trẻ Trương Chí Hùng, giảng viên khoa Ngữ văn- Trường Đại học An Giang gần 10 năm qua. Thời gian ấy đủ để hai người cầm bút cùng thời đọc của nhau, cảm nhận và chia sẻ. Tôi tiếp cận với văn chương của Trương Chí Hùng bằng một tập thơ: “Một nửa nhà quê”, rồi sau đó mới tới văn xuôi. Nếu thơ của Hùng là những thủ thỉ tâm sự, những ưu tư khắc khoải, những hoài niệm riêng tư, thì văn xuôi của Hùng là những lát cắt thời gian mà tác giả đã kỳ công mài giũa, kết nối để nó thành một bức tranh hoàn chỉnh, sống động và đầy sức sống.

 

Sông Vàm Nao từ trên cao. Ảnh: D.K (chụp từ phim ““Đệ nhất” Vàm Nao”).

Sau ba lần đoạt giải cuộc thi Truyện ngắn ĐBSCL vào năm 2011 và 2015, cuộc thi Thơ ĐBSCL năm 2012, Hùng lại thử sức mình trong cuộc thi Bút ký ĐBSCL năm 2017, và anh bất ngờ đoạt giải cao nhất với tác phẩm “Man mác Vàm Nao”. Nói bất ngờ vì như Hùng từng bộc bạch, anh chỉ tham gia cho... vui! Nhiều người viết văn xuôi, rất ngại “chạm” tới bút ký, vì bút ký văn học vừa khó viết, lại càng khó viết hay.

Người viết bút ký văn học đòi hỏi phải có sự quan sát tinh tế, vừa phải có kiến thức về địa lý, lịch sử, văn hóa của chủ thể mình muốn tiếp cận. Ở “Man mác Vàm Nao”, tác giả cho thấy mình đã thật sự “thấm” vào vùng đất và con người ở đây. Và, rất tự nhiên, không ráng gượng, cầu kỳ, không trau chuốt văn phong, cái tình đất, tình người “chảy” trong tác phẩm với cung bậc cảm xúc cao nhất. Đoạn hay nhất và cũng là điểm nhấn của “Man mác Vàm Nao” là cuộc gặp giữa tác giả và cô Mai, hai người đồng hương cùng xa xứ, cùng đau đáu về cố quán.

Vậy thôi, viết ký mà làm cho độc giả thảng thốt cùng nhân vật và tác giả thì đã thành công!

Chia sẻ bài viết