03/08/2018 - 10:20

“Điểm cộng” văn hóa ứng xử 

Ông bà ta thường dạy “Lời nói chẳng mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, cho thấy vai trò quan trọng của giao tiếp ứng xử trong các mối quan hệ xã hội. Trong môi trường làm việc có tính cạnh tranh cao, văn hóa ứng xử không chỉ hình thành nên sự chuyên nghiệp, mà còn giúp bạn trẻ xây dựng mối quan hệ, nâng cao hiệu quả công việc. Nhưng thật đáng buồn khi một số nhà tuyển dụng than phiền rằng, không ít lao động trẻ còn hạn chế về kỹ năng giao tiếp ứng xử. 

Tham gia các hoạt động tập thể giúp sinh viên rèn kỹ năng giao tiếp, ứng xử, chuẩn bị hành trang tốt hơn cho nghề nghiệp và việc làm tương lai. 

Hệ lụy ứng xử kém

Vừa tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh, anh N.H.T. (thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) xin làm nhân viên phát triển thị trường tại công ty chuyên về đào tạo nghề Spa ở TP Hồ Chí Minh. Sau thời gian tập sự, anh được phân công phụ trách thị trường ĐBSCL cùng nhóm đồng nghiệp. Lúc đầu, các anh rất hăm hở vì mỗi người phụ trách từng địa phương khác nhau. Trong đó, T. phụ trách thị trường 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau. Do có thời gian học đại học ở Cần Thơ nên T. có một số người bạn kinh doanh mỹ phẩm, mở dịch vụ Spa nên dù không được phân địa bàn Cần Thơ, T. vẫn tranh thủ mối quan hệ để nâng cao doanh số. Việc “lấn sân” địa bàn do đồng nghiệp khác phụ trách, khiến anh và đồng nghiệp nảy sinh mâu thuẫn, đôi lúc xảy ra cự cãi với lời lẽ khiếm nhã. Hành động không đẹp trên khiến một số khách hàng ái ngại và đề nghị chấm dứt hợp đồng với công ty. Mất khách hàng, anh và đồng nghiệp bị hạ thi đua, cắt thưởng, nhưng điều đáng buồn là rạn nứt quan hệ đồng nghiệp, khó hợp tác về sau. T. nuối tiếc chia sẻ: “Lẽ ra tôi nên bình tĩnh, trao đổi để đồng nghiệp hiểu nhau hơn, thay vì nghi kỵ, cự cãi nhau. Việc thêm khách hàng dù địa bàn nào cũng vì mục tiêu chung giúp công ty mở rộng thị trường, nâng cao doanh số”. Qua đó,  T. tự rút kinh nghiệm, thường xuyên bàn bạc, trao đổi công việc với đồng nghiệp để giúp nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 

Cùng suy nghĩ trên, chị Huỳnh Giao (phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng) tâm sự rằng, hơn 1 tháng làm nhân viên kho tại công ty sản xuất giày nhưng chị cảm thấy bức bối vì môi trường làm việc căng thẳng. Theo chị Giao, thời gian tập sự, chị cùng nhóm nhân viên thường mắc lỗi khi sắp xếp các kệ hàng. Chị kể, do chưa quen việc lại không nhớ ký hiệu đánh dấu từng kệ hàng nên đôi lúc chị để nhầm khu vực bố trí. Thay vì nhắc nhở, giúp nhân viên nhận biết cách phân biệt, người quản lý trẻ lại quát nạt những lời... khó nghe. Không khí làm việc căng thẳng cùng cách hành xử của người quản lý trẻ khiến chị gặp áp lực, xin nghỉ và tìm việc mới.

Rèn kỹ năng giao tiếp

Theo anh Nguyễn Thanh Tùng, Bí thư Đoàn trường Đại học Cần Thơ, kỹ năng "mềm" nói chung, kỹ năng giao tiếp nói riêng của bạn trẻ còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, xã hội, các nhà tuyển dụng rất cần và yêu cầu kỹ năng này khá cao. Những điều đơn giản như: chào hỏi, cách bắt tay, tự giới thiệu về bản thân, cách viết thư điện tử… mặc dù thực hiện thường xuyên nhưng không phải bạn trẻ nào cũng có thể làm tốt và được lòng người đối diện. Hơn nữa, nhiều bạn trẻ còn hạn chế kỹ năng nói, thuyết trình hay lắng nghe. Nhiều bạn rất thiếu tự tin, dễ mất bình tĩnh hay làm việc thiếu tập trung, ít chịu lắng nghe để học hỏi và khi cho ý kiến phản hồi hoặc tranh luận cũng chưa suy nghĩ thấu đáo, cặn kẽ.

Để nâng cao kỹ năng mềm giúp bạn trẻ trang bị hành trang nghề nghiệp - việc làm trong tương lai tốt hơn, tổ chức Đoàn - Hội của trường triển khai nhiều hoạt động giáo dục ý thức, tinh thần trách nhiệm sinh viên đối với bản thân, nhà trường, gia đình và xã hội. Các chương trình, hoạt động, các hội thi, cuộc thi, trò chơi tập thể, giao lưu, tập huấn, nói chuyện chuyên đề; các hoạt động ngoại khóa phong trào tình nguyện, hoạt động văn thể mỹ là cơ hội để sinh viên rèn luyện kỹ năng "mềm", trong đó, có giao tiếp. Qua đó, giúp các bạn đủ bản lĩnh, tự tin trong khởi nghiệp, lập nghiệp thời hội nhập.

Thời gian qua, các cấp bộ Đoàn - Hội còn tổ chức nhiều khóa tập huấn chuyên đề, như: Rèn tác phong công nghiệp học đường, kỹ năng sống, trong đó, chú trọng định hướng, giáo dục văn hóa ứng xử trong doanh nghiệp, công sở. Trong các đề án do Đoàn bộ thành phố triển khai, tuổi trẻ thành phố lồng ghép tập huấn các chuyên đề về kỹ năng giao tiếp, phản biện trong môi trường làm việc tập thể. Nhiều cán bộ Đoàn cho rằng, người trẻ cần tự nỗ lực trau dồi kỹ năng giao tiếp, tạo nét đẹp văn hóa ứng xử. Qua đó, vừa thể hiện nếp sống văn minh, thân thiện, vừa nâng cao khả năng cạnh tranh, phong cách làm việc chuyên nghiệp trong công việc tương lai.

Bài, ảnh: TÚ ANH

Chia sẻ bài viết