28/01/2018 - 10:34

“Collateral Beauty” - Đứng dậy sau đau thương 

Mượn hình thức của một vở kịch với những nhân vật và tình huống giả tưởng để kể câu chuyện hết sức đời thường, bộ phim tình cảm tâm lý “Collateral Beauty” (Vẻ đẹp cuộc sống) của đạo diễn David Frankel gửi gắm những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống và tình yêu thương.

Phim phát sóng lúc 19 giờ 30, Chủ nhật, ngày 28-1-2018 trên kênh HBO.

Howard (Will Smith) là một doanh nhân thành đạt với công ty hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, quảng cáo. Tuy nhiên, sau cái chết bất ngờ của cô con gái 6 tuổi vì bệnh ung thư, anh suy sụp, tuyệt vọng, mất hết niềm tin và động lực sống. Từ một người đàn ông sôi nổi, say mê với công việc, Howard thu mình và tránh khỏi cả thế giới bằng cách không xài điện thoại, không sử dụng Internet, không tiếp xúc với ai và chỉ chạy loanh quanh bằng xe đạp… Anh viết thư tay gửi đến 3 vị thần là: Tình yêu, Thời gian và Thần chết để trách móc và trút giận lên họ đã cướp đứa con yêu thương của anh. Mong muốn kéo Howard trở lại cuộc sống bình thường, 3 người đồng nghiệp và cũng là bạn thân của anh gồm: Whit, Claire và Simon đã nghĩ ra một cách đặc biệt. Họ đưa 3 vị thần mà Howard viết thư đến gặp anh, nói chuyện và khuyên nhủ anh… Liệu cách làm này có thành công?

Howard (bên trái) trò chuyện cùng vị Thần chết trong phim.

Cách truyền tải hơi phức tạp và lời thoại mang nhiều triết lý nhân sinh nên thoạt đầu “Collateral Beauty” sẽ hơi khó xem. Nhưng một khi đã theo kịp nhịp phim và nắm được mạch truyện, bạn sẽ bị cuốn hút.

Cái hay của “Collateral Beauty” là đã tạo được kịch lồng trong phim, truyện lồng trong truyện và những điều bất ngờ ở cuối phim. Những điều tưởng chừng rối rắm và thừa thãi lúc đầu dần được tháo gỡ và xử lý khéo léo về sau. Qua những lần chạm mặt, tranh cãi với 3 “vị thần”, Howard đã có những thay đổi về tâm lý. Đặc biệt, sự tác động của người phụ nữ cùng cảnh ngộ mất con khiến anh khôi phục  cảm xúc và chấp nhận đối mặt với thực tế và quên đi nỗi đau. Bên cạnh nhân vật trung tâm Howard, 3 người bạn Whit, Claire và Simon cũng có những nỗi đau riêng khó sẻ chia cùng ai. Nhờ có những “vị thần” bất đắc dĩ, họ tìm được cách giải quyết vấn đề để thấy lòng nhẹ nhàng và cuộc sống tươi đẹp hơn.

Hình ảnh ấn tượng trong phim chính là những quân cờ domino được Howard dành nhiều thời gian sắp xếp thành những mô hình công phu, đẹp đẽ. Khi đau khổ, tuyệt vọng, chính tay anh hủy hoại các mô hình chỉ bằng một cú đẩy nhẹ. Hiệu ứng domino là một hình ảnh ẩn dụ, bởi nếu ta bất cần thì sẽ để nó lan truyền và làm sụp đổ tất cả trong chốc lát. Nhưng khi ta có niềm tin, ta sẽ tìm cách ngăn chặn để giữ lại những gì mình đã dày công xây đắp. Cũng giống như cách mà Howard chặn lại bàn cờ đổ sụp khi “vị thần” thời gian định phá hủy nó.

“Collateral Beauty” như một bức tranh vừa đẹp, vừa khắc nghiệt về cuộc đời. Nó khiến người xem nhận ra rằng: khi bạn mất một thứ quý giá không có nghĩa là bạn mất tất cả. Hãy đứng dậy sau đau thương và trân trọng những gì còn lại. 

Cát Đằng

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Collateral Beauty