16/11/2017 - 14:01

“Cô Ba Sài Gòn”- Không chỉ tôn vinh áo dài 

Quảng bá rầm rộ cùng với việc diễn viên chính Ninh Dương Lan Ngọc đoạt giải thưởng Gương mặt châu Á ở Liên hoan phim quốc tế Busan năm 2017, bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” do Ngô Thanh Vân sản xuất càng tạo được sự chú ý của dư luận. Khi công chiếu trong nước, phim đã không làm người xem thất vọng.
Tại Cần Thơ, phim đang chiếu tại các cụm rạp Lotte Cinema và CGV.

Mở đầu bằng bối cảnh Sài Gòn năm 1969, phim đưa khán giả trở về thời những tà áo dài rợp phố. Nhà may Thanh Nữ với 9 đời gia truyền may áo dài nổi tiếng nhất Sài Thành. Nhưng Như Ý, biệt danh “Cô Ba Sài Gòn” - con gái duy nhất của bà chủ Thanh Nữ - lại chán ghét tà áo truyền thống, chỉ thích thiết kế âu phục mới lạ. Mẹ và con thường xung đột vì cô Ba không muốn là truyền nhân đời thứ 10. Đến khi Như Ý mặc chiếc áo dài có đính viên ngọc gia truyền mà mẹ may riêng cho mình thì phép lạ xảy ra. Thời gian dịch chuyển và cô Ba bị đưa đến Sài Gòn năm 2017. Chứng kiến nhiều biến cố gia đình và sự thất bại của bản thân, cô thay đổi suy nghĩ, hành động…

Diễn viên Ngô Thanh Vân và Ninh Dương Lan Ngọc trong vai hai mẹ con Như Ý.

Khai thác đề tài “xuyên không”, một xu hướng phổ biến của điện ảnh thế giới hiện nay, “Cô Ba Sài Gòn” tạo được hấp lực mới. Quan trọng hơn, cách dẫn dắt đường dây cốt truyện và truyền tải thông điệp chắc tay, mạch phim nhanh gọn, bố cục chặt chẽ đã tạo được sức hút cho phim.

Lấy áo dài làm nền tảng cho câu chuyện nhưng phim không kể lể hay khuôn sáo mà khéo léo lồng vào đó quá trình trưởng thành của Như Ý, để cô nhận ra vẻ đẹp của áo dài và nghề gia truyền. Qua đó, tôn vinh tà áo dài Việt Nam một cách tinh tế.

Sự thay đổi của Như Ý dựa vào 2 yếu tố ở tương lai: Đối mặt với phiên bản thất bại của mình 48 năm sau và đối đầu với Helen, một nhà thiết kế thời trang hàng đầu luôn tìm cách làm khó cô. Quá trình thiết kế và may những bộ áo dài đã khiến cô Ba nhận ra rằng: cũng như đồ tây, áo dài cũng phát triển, cũng cách tân để phù hợp với xu thế hiện đại mà không mất đi vẻ đẹp nền nã truyền thống. Như Ý đã tiếp nhận nghề gia truyền một cách tự nguyện và đầy trân trọng.

Phim còn “ghi điểm” với khán giả qua sự tỉ mỉ, công phu trong bối cảnh, phục trang; âm thanh, hình ảnh chất lượng; nhạc phim đan xen giữa những ca khúc xưa và nay. Ninh Dương Lan Ngọc trong vai Như Ý và Diễm My 9X trong vai Helen tiến bộ rõ rệt trong diễn xuất, thể hiện tốt cảm xúc của nhân vật. NSND Hồng Vân trong vai Như Ý năm 2017 tạo nên tiếng cười thú vị với cách cư xử và những phát ngôn hổng giống ai.

Tuy vậy, phim chưa làm rõ việc xuyên không của Như Ý thông qua viên ngọc; lời thoại của diễn viên về thời trang quá nhanh và quá nhiều thuật ngữ; tác phong làm việc của Helen rất giống với nhân vật do diễn viên Meryl Streep thể hiện trong một bộ phim về thời trang nổi tiếng của Hollywood.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết