29/03/2018 - 21:45

“Chuyện khó nói” 

UBND TP Cần Thơ vừa ban hành Kế hoạch sô37/KH-UBND về xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2018- 2020. Một trong những nội dung được nhấn mạnh là thực hiện văn minh trong việc tang với mục tiêu là tạo sự chuyển biến trong tư tưởng, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân. Từ bước đệm đó, Cần Thơ phấn đấu từng bước loại bỏ các hủ tục lạc hậu, hình thành những nét văn hóa mới, văn minh. Việc tổ chức lễ tang chu đáo, trang nghiêm, tiết kiệm, phù hợp với tập quán, truyền thống văn hóa của dân tộc và hoàn cảnh gia đình. Hai nội dung được nhấn mạnh là khuyến khích hình thức hỏa táng và không rải vàng mã trên đường đưa tang.

Từ trước đến nay, chuyện tang chế là chuyện thiêng liêng với những tục lệ được lưu truyền, vốn được xem là nhạy cảm. Ông bà ta có câu “Nghĩa tử là nghĩa tận” là vì vậy. Thế nên, có những tục lệ trong việc tang dù không còn phù hợp với đời sống hiện đại vẫn cứ được lưu giữ như một nếp quen. Ví như chuyện rải vàng mã trên đường đưa tang. Cứ mỗi khi có đoàn đưa tang đi qua, vàng mã lại bay đầy, đường phố trở nên nhếch nhác.  

Hay chuyện mời dàn nhạc Tây về phục vụ trong đám tang. Cả xóm phát khổ vì dàn nhạc cứ vang dội cả ngày lẫn đêm đến đinh tai nhức óc. Hiện nay, một số dàn nhạc Tây còn trang bị thêm hệ thống loa tăng âm phát nhạc với âm lượng rất lớn. Điều phản cảm hơn là nếu như trước đây dàn nhạc chỉ thổi một số bài ca ngợi công đức cha mẹ, thì bây giờ thổi nhạc tình yêu, nhạc bolero đến nhạc Hoa lời Việt… Dẫu biết “Sống dầu đèn, chết kèn trống” nhưng nếu so với dàn nhạc lễ trong tang ma thuở trước với dàn nhạc Tây bây giờ, bản sắc là điều đã… rơi rụng. Đành rằng, một khi trong gia đình có người thân qua đời, người ở lại bao giờ cũng muốn làm điều gì tốt nhất, chỉn chu nhất với cầu mong vui lòng người quá cố. Nhưng tâm ý đó đôi khi biến thành hình thức, khoa trương, đôi khi là phản cảm.   

Ở Cần Thơ, một số địa phương như Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thốt Nốt… đã hình thành những tập tục khá hay như “tử là táng”, nghĩa là không quàn thi hài người chết quá lâu; không đãi tiệc rườm rà, chủ yếu là trà bánh… Kế hoạch số 37/KH-UBND của UBND TP Cần Thơ cũng nhấn mạnh cần thiết xây dựng và hình thành những hình thức tổ chức việc tang vừa văn minh, vừa gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc...

Cùng với Kế hoạch này, trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng có Chỉ thị 05/CT-TTg về đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn những nghi thức phù hợp nhằm thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; đề xuất các giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi các hủ tục; tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng những mô hình tổ chức việc cưới, việc tang văn minh, tiến bộ.

Rõ ràng, “chuyện khó nói” đã nhận được sự quan tâm và đã tìm được mối gỡ buộc chặt. Rốt cùng của sự quyết tâm ấy là làm sao việc tang vẫn giữ được những đạo nghĩa, lễ nghi truyền thống, tốt đẹp của dân tộc nhưng văn minh, tinh gọn và tiết kiệm. 

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết