05/01/2018 - 11:08

“Chất xúc tác” cho thể thao phong trào Cần Thơ 

Năm 2017 vừa qua đánh dấu sự chuyển biến tích cực của thể thao phong trào tại Cần Thơ, khi tất cả 9 quận, huyện đều có sự quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt Đại hội Thể dục thể thao (TDTT) các cấp lần thứ VIII-2017. Song song đó, cơ sở vật chất phục vụ phong trào TDTT ở các địa phương cũng được đầu tư, phục vụ tốt hơn nhu cầu tập luyện, vận động thân thể của quần chúng nhân dân.

Thi đấu đẩy gậy tại Đại hội TDTT xã Thới Xuân. Ảnh: NGUYỄN MINH

Vào những ngày diễn ra Đại hội TDTT của xã, các ngả đường về Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, luôn tấp nập. Hàng trăm người ở các xóm ấp kéo đến khoảnh sân của UBND xã trong ngày diễn ra lễ khai mạc. Tiếng trống, tiếng kèn, tiếng hò reo cổ vũ sôi động khi các đội bóng chuyền bước vào tranh tài, hay những vận động viên (VĐV) đẩy gậy giằng co, hoặc lúc các đội kéo co ngang tài cân sức...

Cũng giống như ở Thới Xuân, 84 xã, phường, thị trấn khác ở thành phố Cần Thơ đã đồng loạt tổ chức Đại hội TDTT lần thứ VIII, với sự tham gia của đông đảo bà con ở địa phương. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có tổng cộng 30.876 VĐV tham gia thi đấu ở Đại hội TDTT cấp cơ sở, thu hút 183.198 lượt người xem. Trong các cuộc thi đấu, họ là những VĐV thể thao, cùng tranh đua quyết liệt để đạt thành tích cao nhất; sau đó, khi trở về cuộc sống đời thường, họ là những nông dân gắn bó với ruộng vườn, hay những công nhân, nhân viên, sinh viên, học sinh... tất bật với công việc, học hành.

Đại hội TDTT các cấp được tổ chức định kỳ 4 năm một lần; trong đó, cấp cơ sở được xem như chất xúc tác thúc đẩy phong trào tập luyện TDTT trong nhân dân. Ở nhiều đơn vị, không chỉ thanh niên, trai tráng tham gia thi đấu mà có cả người trung niên, lớn tuổi cũng góp mặt. Ông Võ Hữu Lý, Quyền Trưởng Phòng Quản lý thể thao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, cho biết: “Đại hội TDTT cấp phường, xã năm nay nổi bật hơn nhiều so với những kỳ trước khi nhận được sự quan tâm của các cấp và được xã hội hóa nhiều hơn. Ở những đơn vị vùng ven cũng đảm bảo yêu cầu về quy mô và chuyên môn”.

Vấn đề băn khoăn của người làm thể thao Cần Thơ là sân bãi cho phong trào, nay đã được giải quyết phần nào. Trong năm 2017, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo khảo sát 16 nhà thi đấu đa năng trong trường học, vốn được xây dựng phục vụ cho Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc 2012 do Cần Thơ đăng cai tổ chức. Hầu hết các nhà thi đấu đa năng đều mở cửa hoạt động ngoài giờ, nhằm thu hút các CLB thể thao cộng đồng vào sinh hoạt. Chẳng hạn, nhà thi đấu đa năng tại Trường THPT Trần Ngọc Hoằng (huyện Cờ Đỏ) có sự phối hợp với các HLV mở CLB vovinam hoạt động vào ban đêm; nhà thi đấu đa năng Trường THCS Thới Thuận (Thốt Nốt) có CLB karatedo hoạt động thường xuyên... Tuy vẫn còn một số nhà thi đấu đa năng trong trường học chưa phát huy hết công năng, nhưng theo đánh giá của ngành thể thao là đã có sự chuyển biến tích cực hơn trước. Khi hoạt động hiệu quả, các nhà thi đấu này sẽ góp phần phát triển phong trào thể thao ở cơ sở.

Một trong những môn thể thao phổ rộng là bóng đá nhiều năm qua gặp nhiều khó khăn do thiếu sân chơi. Năm 2017, Cần Thơ cũng đã từng bước tháo gỡ. Sân vận động Thốt Nốt được đưa vào sử dụng, hoàn thiện với kinh phí xây dựng hơn chục tỉ đồng. Sân vận động quận Ô Môn cũng đã hoàn tất sau thời gian đầu tư xây dựng lại với đường chạy điền kinh và nhiều hạng mục khác. Tại huyện Cờ Đỏ, sân bóng đá ở xã Trung An nhiều năm qua luôn được duy trì là nơi tập luyện thường xuyên, không chỉ của đội bóng xã mà còn là sân nhà của đội bóng huyện. Ông Huỳnh Hữu Phước, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Huyện đã đầu tư sửa chữa sân bóng đá của xã Trung An với kinh phí hơn 60 triệu đồng, nhằm phục vụ tốt công tác tổ chức, tập luyện thể thao phong trào”. Nhờ vậy, đội bóng đá huyện Cờ Đỏ đã vô địch tại Đại hội TDTT cấp thành phố lần VIII-2017. Ông Phạm Văn Luận, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, cho biết: Ngoài Thốt Nốt, Ô Môn, các quận, huyện khác cũng sẽ có sân vận động để phục vụ nhu cầu tập luyện thể thao của cộng đồng. Sắp tới, quận, huyện nào bố trí được quỹ đất cho sân vận động, Sở sẽ xúc tiến quá trình thực hiện đầu tư sân bóng.

Những môn thể thao không còn duy trì đội tuyển thành tích cao như bóng bàn, cầu lông vẫn phát triển phong trào mạnh tại TP Cần Thơ. Năm 2017, Liên đoàn bóng bàn TP Cần Thơ đã tổ chức ít nhất 3-4 giải phong trào, quy tụ nhiều tay vợt ở ĐBSCL và các tỉnh Đông Nam bộ, TP Hồ Chí Minh tham dự. Quận Ninh Kiều là đơn vị có phong trào bóng bàn phát triển rất mạnh, khi giành trọn 7 HCV tại Đại hội TDTT cấp thành phố năm 2017. Tương tự, cầu lông cũng phát triển mạnh với sự ra đời và hoạt động ổn định của các CLB tư nhân.

***

Sự chuyển biến tích cực của thể thao phong trào Cần Thơ có dấu ấn đáng kể nhất là sự phối hợp tốt giữa ngành thể thao và giáo dục trong năm qua. Phong trào thể thao phát triển rộng, các trường học chú trọng hơn tới hoạt động thể chất, sẽ là nền tảng vững chắc cho thể thao thành tích cao Cần Thơ trong tương lai.

NGUYỄN MINH

Chia sẻ bài viết