04/01/2014 - 22:01

“Chảo lửa” Trung Đông bùng phát

"Chảo lửa" Trung Đông mới tại Liban. Ảnh: AFP

Trong những ngày đầu năm mới, hàng loạt các quốc gia Trung Đông cùng cuốn vào làn sóng bạo lực, xung đột gây nhiều thương vong lớn.

Hãng tin Pháp AFP hôm 3-1 cho biết các cuộc đụng độ giữa cảnh sát Iraq và nhóm thân al-Qaeda (Quốc gia Hồi giáo Iraq và Cận Đông, ISIL) trong mấy ngày qua tại thành phố Ramadi và Fallujah thuộc tỉnh miền Tây Anbar có đa số người Hồi giáo dòng Sunni sinh sống làm ít nhất 32 dân thường và 71 tay súng thiệt mạng. Phía cảnh sát Iraq không công bố thông tin thương vong của mình. Một quan chức an ninh cấp cao Iraq thậm chí cho biết thành phố Fallujah đang nằm dưới quyền kiểm soát của ISIL. Hàng loạt vụ đánh bom lẻ tẻ khác khắp Iraq cũng khiến cả 100 người mất mạng.

Các thành viên ISIL cũng gây náo loạn Syrie ngày 3-1. Không chỉ xả đạn vào những dân thường ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad, các tay súng thánh chiến còn bắn cả quân nổi dậy chống chính phủ tại thành phố Aleppo và Idlib. Kết quả có 16 thân tín al-Qaeda bị bắn hạ và hàng chục tên khác bị thương. Trong khi đó, Hội đồng Dân tộc Syrie (SNC), nhóm chủ chốt trong Liên minh Dân tộc đối lập Syrie đã tái khẳng định sẽ không tham dự hội nghị hòa bình thứ hai về Syrie dự kiến diễn ra vào ngày 22-1 tới tại Genève, Thụy Sĩ.

Tại Ai Cập, Bộ Y tế nước này cho hay có ít nhất 13 người tử vong và gần 60 người khác bị thương trong các cuộc xung đột giữa những người biểu tình chống chính phủ và lực lượng an ninh trong ngày 3-1. Liên minh đối lập do phe Huynh đệ Hồi giáo (MB) dẫn đầu nói rằng có 19 người biểu tình bị bắn chết. Bộ Nội vụ Ai Cập thông báo bắt giữ thêm 122 thành viên MB vì tội sở hữu vũ khí bất hợp pháp. Kể từ khi Tổng thống Mohamed Mursi bị phế truất ngày 3-7-2013, làn sóng bạo lực tại quốc gia Kim tự tháp làm hơn 1.500 chết, trong đó có khoảng 400 cảnh sát và binh sĩ quốc gia. Hàng trăm thành viên MB đã bị kết án tù vì tội kích động bạo lực và hậu thuẫn khủng bố.

Xung đột tại Ai Cập báo hiệu cuộc trưng cầu dân ý về bản hiến pháp mới vào ngày 14 và 15-1 tới khó diễn ra yên bình. Ngay cả khi hiến pháp mới, vốn cấm các đảng phái chính trị có liên quan đến tôn giáo và cho phép quân đội có nhiều quyền lực hơn, được thông qua thì tương lai ổn định tại Ai Cập vẫn mờ mịt. MB, phong trào Hồi giáo được tổ chức tốt nhất và lâu đời nhất nước này, có thể ngày càng cực đoan hơn như cái mác "khủng bố" mà chính quyền lâm thời do quân đội điều khiển hiện nay đã áp đặt.

Làn sóng hậu "Mùa xuân A-rập" tại Trung Đông có cơ hội diễn tiến tốt đẹp hay không đang được giới quan sát nhìn vào Tunisie, nơi mà hội đồng lập hiến đang bỏ phiếu phê chuẩn hiến pháp mới sau 3 năm lật đổ Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali. Đây cũng là nơi đầu tiên phong trào Hồi giáo khởi động làn sóng bạo loạn chống lại chính quyền thế tục. Tuy nhiên, đảng Hồi giáo Ennahda tỏ ra ôn hòa, hợp tác với các đảng thế tục nhằm tránh một kết cục bi thảm.

Năm qua, nhờ các nỗ lực thúc đẩy đàm phán hòa bình của Mỹ, Israel và Palestine không để xảy ra cuộc xung đột tàn khốc đáng kể nào, ngoại trừ vài vụ bắn rốc-két qua lại giữa Israel và các tay súng tại Dải Gaza. Tuy nhiên, các cuộc đấu pháo tại vùng biên giới giữa Isarel và Liban báo hiệu nguy cơ bùng nổ xung đột giữa Hezbollah và Israel, đặc biệt khi thời gian gần đây tại Liban liên tiếp xảy ra nhiều vụ đánh bom, ám sát kinh hoàng có liên quan các nước xung quanh.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết