29/06/2016 - 08:51

Hội nghị thượng đỉnh EU

“Căng” vấn đề Brexit

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) dự kiến diễn ra trong hai ngày 28 và 29-6 tại Brussels (Bỉ) đã khai mạc hôm qua với sự hiện diện được cho là lần cuối cùng của Thủ tướng Anh David Cameron sau cuộc trưng cần dân ý rời khỏi EU (Brexit).

Khác với các nhà lãnh đạo 27 quốc gia thành viên EU, Thủ tướng Anh chỉ tham dự ngày đầu tiên, bởi ngày thứ hai sẽ dành riêng cho các nước thành viên còn lại bàn về Brexit và tương lai của khối này. Ông Cameron khởi đầu ngày làm việc bằng cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, trước khi có buổi làm việc tối với giới lãnh đạo các quốc gia thành viên EU đang bị "choáng váng" vì Brexit. Đây là cuộc gặp đầu tiên của ông Cameron với các nhà lãnh đạo EU sau cuộc trưng cầu dân ý chấn động vừa qua và là lần cuối cùng trước khi Anh có thủ tướng mới dự kiến được công bố vào đầu tháng 9 tới.

Thủ tướng Anh David Cameron dự Hội nghị thượng đỉnh EU. Ảnh: EPA

Bất đồng tiến trình Brexit

Ông Cameron đến Brussels trong một tâm trạng căng thẳng và giới chức EU cũng thế. Và trước khi bắt tay ngồi vào bàn hội nghị, hai bên đã cho thấy sự bất đồng về tiến trình Brexit. Khẳng định trước Hạ viện Anh hôm 27-6, ông Cameron tuyên bố trước khi bắt đầu các thủ tục rút khỏi EU thì chính phủ cần xác định tương lai quan hệ mà nước Anh mong muốn thiết lập với khối này. Đồng thời, ông nhấn mạnh bất kỳ cuộc đàm phán nào về việc rời khỏi EU phải do thủ tướng mới đảm nhiệm.

Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Ý Matteo Renzi trong cuộc gặp hôm 27-6 đã thống nhất rằng EU không thảo luận hay đàm phán về tương lai các mối quan hệ được duy trì với Anh trước khi Luân Đôn kích hoạt điều 50 để bắt đầu quá trình thương thảo rút khỏi liên minh này. Thủ tướng Merkel nhấn mạnh EU không nên tiếp tục kéo dài giai đoạn bất ổn vì chờ đợi quyết định cuối cùng của Anh. Tổng thống Hollande nói thêm "không có gì tồi tệ hơn sự không chắc chắn" và EU không phải "phí thời gian" để tìm kiếm thỏa hiệp cho sự ra đi của Anh.

Trong khi đó, không chỉ ông Cameron mà các nhân vật có thể trở thành thủ tướng Anh như cựu Thị trưởng Luân Đôn Boris Johnson, Bộ trưởng Tài Chính George Osborne đều bày tỏ quan điểm rằng chính phủ Anh cần xác định "tầm nhìn rõ ràng" về tương lai quan hệ với EU trước khi làm thủ tục rời khỏi liên minh này.

Sức ép đè quyền lực

Sự "dùng dằng" không dứt khoát của giới lãnh đạo Anh phản ánh tâm lý lo ngại của họ về những hậu quả kinh tế và chính trị như đã thấy và được dự báo trước nếu xứ sương mù tách khỏi thị trường chung 500 triệu dân châu Âu.

Trước những thách thức to lớn đang chờ nước Anh, Bộ trưởng Tài chính George Osborne đã thẳng thừng từ chối khả năng kế nhiệm ông Cameron để thực thi kế hoạch rời khỏi EU. "Chúng tôi không có trách nhiệm đưa ra kế hoạch rút khỏi EU" - Bộ trưởng Osborne giải thích mình không ủng hộ Brexit nên không thể trở thành thủ tướng. Ông Boris Johnson từng được tin là sẽ lên làm thủ tướng, nhưng phe ủng hộ ở lại EU trong đảng Bảo thủ tuyên bố sẽ kiên quyết ngăn chặn ông này nắm quyền lãnh đạo chính phủ. Vì thế, Bộ trưởng Nội vụ Theresa May có khả năng là người được tín nhiệm.

Chính Brexit đã làm Công đảng rạn nứt và thủ lĩnh kỳ cựu Jeremy Corbyn đang đối mặt cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm sau khi hơn phân nửa thành viên nội các đối lập từ chức. Sự lủng củng của đảng này càng khiến chính trường Anh khó kiểm soát.

KIẾN HÒA
(Theo Guardian, Independent, Reuters)

KIẾN HÒA (Theo Guardian, Independent, Reuters)

Chia sẻ bài viết