13/01/2013 - 00:40

“Bó tay” với khu dân cư tự phát?

Nhiều căn nhà đang được xây dựng tại KDC tự phát khu vực Bình Thường B, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy.

Trong thời gian gần đây tại các quận trung tâm TP Cần Thơ xuất hiện khá nhiều khu dân cư (KDC) tự phát, nhưng chính quyền địa phương chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn. Về lâu về dài các KDC này sẽ trở thành khu "ổ chuột" mới làm xấu đi bộ mặt đô thị thành phố.

Trước thực trạng các KDC tự phát mọc lên ngày càng nhiều, ngày 31-5-2011, UBND TP Cần Thơ đã ban hành công văn 1996/UBND-KT về việc xử lý nghiêm tình trạng san lấp, phân lô bán nền trái quy định. Theo đó, Chủ tịch UBND các quận huyện phải khẩn trương kiểm tra tình trạng san lấp, phân lô bán nền trái quy định trên địa bàn mình quản lý. Đối với các trường hợp vi phạm là tổ chức thì UBND các quận, huyện chủ động phối hợp với sở, ngành hữu quan để xử lý. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện theo tinh thần công văn này tại các địa phương gặp rất nhiều khó khăn vì hành lang pháp lý chưa đủ để xử lý hành vi này.

Điển hình như KDC tự phát tại khu vực Bình Thường B, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy (cạnh rạch Cái Sơn) KDC này có hơn 100 lô nền với tổng diện tích hơn 10.000m2, là một trong số những KDC tự phát có quy mô lớn nhất nằm cạnh trung tâm TP Cần Thơ. KDC này hình thành vào cuối năm 2010, đầu năm 2011 bắt đầu từ việc có nhiều cá nhân đến nhận chuyển nhượng đất trồng cây lâu năm liền kề với diện tích 200m2/hộ, sau đó các cá nhân này xin chuyển mục đích sử dụng sang đất ở đô thị và xin tách chuyển nhượng cho các hộ khác. Hiện tại, KDC đã mọc lên khá nhiều căn nhà và nhiều căn nhà khác cũng đang xây dựng. Về hạ tầng KDC được thực hiện khá đơn giản chỉ có hai con đường rộng chừng 4m trải đá thảm nhựa sơ sài, lô nền được bố trí liên kế san sát ven hai con lộ này. Các lô nền đều không có vỉa hè, hệ thống cống thoát nước không đảm bảo kỹ thuật. Toàn KDC không có hệ thống ống dẫn nước chữa cháy, không có công viên cây xanh…nói chung là không tuân thủ về mật độ xây dựng, không đảm bảo các quy chuẩn của một KDC.

Phía trước KDC này là một KDC do Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Cần Thơ làm chủ đầu tư với cơ sở hạ tầng được quy hoạch đạt chuẩn. Để có thể đấu nối "ăn theo" hạ tầng KDC phía trước, chủ đầu tư KDC tự phát đã mua một nền ngang 5m của KDC phía trước để làm đường ra. Ông Dương Tấn Hiển, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) kiêm Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Cần Thơ, cho biết: KDC tự phát "ăn theo" hạ tầng KDC do Trung tâm làm chủ đầu tư sẽ dẫn đến hệ lụy cơ sở hạ tầng không thể đáp ứng khi mật độ dân cư tăng cao hơn rất nhiều so với quy hoạch. Sở TN-MT đã chỉ đạo Thanh tra của sở phối hợp cùng với địa phương tiến hành kiểm tra KDC tự phát này để tham mưu đề xuất hướng tháo gỡ.

Theo ý kiến của nhiều nhà đầu tư kinh doanh bất động sản, thì các KDC tự phát không chỉ làm xấu đi bộ mặt đô thị mà còn bán "phá giá" BĐS, bởi vì các KDC này có mật độ xây dựng lên đến 90%. Trong khi các KDC được UBND thành phố cho phép đầu tư phải tuân thủ nghiêm ngặt về mật độ xây dựng (khoảng 40%), quy chuẩn xây dựng và phải đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật đủ đáp ứng cho KDC của mình do đó giá thành sẽ đội lên rất cao. Ông Huỳnh Trung Thanh, Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất quận Bình Thủy, cho biết: Trong quá trình đến đo đạc thực tế để cấp giấy CNQSDĐ cho những hộ này, cán bộ đo đạc đã phát hiện dấu hiệu lách luật để xây dựng các KDC tự phát nên Văn phòng Đăng ký QSDĐ tạm ngưng cấp giấy CNQSDĐ cho các hộ này để chờ xin ý kiến chỉ đạo của Sở TN-MT, UBND quận. Tuy nhiên, sau khi rà soát các văn bản pháp lý hiện hành về quản lý đất đai cho thấy chưa có đủ cơ sở pháp lý để xử lý hành vi này.

Theo quy định của pháp luật thì việc chuyển mục đích sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch được duyệt. Nhưng quy hoạch sử dụng đất của TP Cần Thơ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 chưa được phê duyệt. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong thực hiện quyền chuyển nhượng đất đai, trước đó ngày 17 tháng 8 năm 2005 UBND TP Cần Thơ ban hành Chỉ thị 16 /2005/CT-UB, theo đó những nơi được quy hoạch là KDC, người sử dụng đất hợp pháp được xây dựng, sửa chữa nhà ở theo quy định của pháp luật. Những nơi chưa có quy hoạch chi tiết, người sử dụng đất chỉ được chuyển mục đích sử dụng đất tối đa bằng hạn mức đất ở theo quy định của UBND thành phố. Diện tích đất tối thiểu để tách thửa được quy định tại Quyết định số 49/2009/QĐ-UBND ngày 7 tháng 9 năm 2009 của UBND TP Cần Thơ về việc quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn. Theo đó, đất vườn trồng cây lâu năm tại các phường, thị trấn của các quận, huyện diện tích tối thiểu được phép tách thửa bằng hoặc lớn hơn 200m2. Những cá nhân xin chuyển nhượng tách thửa căn cứ quy định này để gởi đơn xin cứu xét đến các cơ quan cấp quận, cấp thành phố để gây sức ép buộc lòng Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất phải cấp giấy theo quy định của pháp luật. Sau khi được tách thửa các hộ này xin chuyển thành đất ở và chia tách chuyển nhượng tiếp theo. Theo ông Huỳnh Trung Thanh, để có thể ngăn chặn hành vi lách luật để phát triển KDC tự phát thì điều quan trọng nhất là địa phương phải nhanh chóng hoàn thành quy hoạch sử dụng đất và các ngành hữu quan cần nhất quán trong ban hành văn bản, thông tư hướng dẫn quản lý. Cần thiết ban hành bộ quy chuẩn về xây dựng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho các KDC tự cải tạo để làm cơ sở cho cơ quan chức năng quản lý tốt hơn.

Trong quá trình nâng cấp chỉnh trang đô thị, các thành phố đều gặp phải vướng mắc rất lớn trong việc giải tỏa, di dời, tái định cư cho những khu ổ chuột, nhà sàn trên kênh rạch. Những KDC tự phát hôm nay nếu không được ngăn chặn, chấn chỉnh thì sẽ trở thành những KDC "ổ chuột" nhếch nhác về sau này. Đây là vấn đề cấp thiết mà các thành phố cần phải có giải pháp hữu hiệu ngăn chặn để tránh những rắc rối về sau.

Bài, ảnh: PHƯỚC THỚI

Chia sẻ bài viết