23/10/2018 - 07:44

“Bếp ấm của mẹ” - Cái tình trong những món ăn ngon 

Là nữ quay phim truyện đầu tiên của điện ảnh Việt Nam, bà Đỗ Phương Thảo (sinh năm 1940) còn nổi tiếng với những món ăn truyền thống Bắc bộ. “Bếp ấm của mẹ” (NXB Trẻ) là tự truyện về quê hương, gia đình và tuổi thơ của bà. Trong đó, đầy ắp những tư liệu về cách thức chế biến những món ăn ngon và chan chứa tình thân trong mỗi câu chuyện.

Bà Đỗ Phương Thảo sinh ra trong một gia đình ở Phố Hiến. Bố bà là cụ giáo An có tiếng trong vùng. Sau này, bà làm dâu một gia đình có lối sống cẩn trọng, nền nếp ở phố Hàng Thùng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Sống trong không gian của Phố Hiến và Kẻ Chợ - hai tiểu vùng văn hóa nổi bật, rực rỡ nhất của vùng châu thổ Bắc bộ, bà Thảo nâng niu, gìn giữ những nét văn hóa truyền thống, nổi bật là văn hóa ẩm thực qua những món ăn ngon, những bữa cơm lành cho gia đình, con cháu. 

Mồ côi cha mẹ khi chỉ mới 1 tuổi, tác giả và các anh chị em lớn lên trong vòng tay yêu thương, dạy dỗ chu đáo của gia đình người bác ruột. Bác gái là một phụ nữ đảm đang, giỏi giang nữ công gia chánh nên Bé (tên tác giả khi còn nhỏ) cùng các chị em gái được truyền dạy cách nấu ăn tỉ mỉ, công phu. Nửa đầu cuốn sách là những hồi ức ngọt ngào thuở còn sống trong gia đình hạnh phúc của tác giả. Gian bếp ấm áp quanh năm lửa đượm là nơi kết nối các thành viên, là nơi mẹ truyền nghề cho con gái, những người phụ nữ họ hàng chia sẻ bí quyết nấu ăn ngon và các thành viên quây quần trong mỗi bữa cơm. Từ gian bếp ấy, tác giả thuật lại cách chế biến hàng loạt món ăn truyền thống của Bắc bộ như: bún thang, canh mọc, bún bung dọc mùng, gà tần sen nấm, các loại bánh, chè, mứt...

Mỗi món ăn không phải được giới thiệu công thức hay cách chế biến mà được lồng ghép trong không khí sinh hoạt gia đình với cách hướng dẫn tận tình, chi tiết của người mẹ, người bác hay người chị trong họ hàng. Các món ăn phù hợp với từng hoàn cảnh: ăn trong bữa cơm thường, đãi khách hay lúc giỗ chạp… và kèm theo đó là cả nếp ăn, nếp ở, cách đối nhân xử thế.

Điều làm người đọc ấn tượng và nhớ mãi trong “Bếp ấm của mẹ” là cái tình. Các món ăn ngon không chỉ vì sự tinh tế, tỉ mỉ trong lúc chế biến, bày biện mà còn vì nó được hòa quyện bởi sự chăm chút của người nấu, ấm nồng sự yêu thương trân trọng của những thành viên trong gia đình. Cái tình đó đã nuôi dưỡng và thấm sâu vào tâm hồn của tác giả; nên dù sau đó chiến tranh, loạn lạc, ly tán, nhân vật Bé vẫn nhớ mãi hương vị nồng nàn của từng món ăn, nhớ sự chỉ bảo ân cần của bác gái, sự dạy dỗ nghiêm khắc của bác trai và tình thương của các anh chị dành cho mình. 

Không chỉ có những món ăn ngon, trong thời gian chạy loạn chiến tranh, ký ức của tác giả còn lưu mãi những món ăn dân dã, đơn sơ như món riềng rang muối, sắn luộc, trùng trục nấu với bầu sao, tép khô, lạc chưng tương... Những món ăn gắn liền với một thời kỳ gian khó, ly tan được truyền tải nhẹ nhàng, sâu lắng qua từng trang sách khiến người đọc không khỏi bùi ngùi, xúc động.

“Bếp ấm của mẹ” còn có những lát cắt về các thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và khi đất nước hòa bình, thống nhất... Tác phẩm là kho tư liệu quý giá về những món ăn truyền thống và cả lịch sử mà tác giả là người chuyên chở và truyền lại cho thế hệ sau.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết