09/06/2018 - 16:33

“Bệnh khó nói” mà​ dễ​ trị​ của chị em 

Bệnh sa tạng chậu xuất hiện phổ biến ở phụ nữ tuổi mãn kinh. Bệnh không gây nguy hiểm tính mạng nhưng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống. Các bác sĩ chuyên khoa khuyên chị em nên thăm khám sớm để được điều trị kịp thời, hiệu quả.

Khi có các dấu hiệu bệnh, chị em nên đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời. 

Chị Nguyễn Thị K. (57 tuổi, ở tỉnh Hậu Giang) tìm đến Bệnh viện (BV) Phụ sản TP Cần Thơ sau hơn 1 năm chịu đựng các triệu chứng khó chịu như tiểu gắt buốt, thỉnh thoảng lại ra máu và rất đỗi lo lắng khi phát hiện có khối sa ở cửa mình, tình trạng sa ngày càng nặng. Qua thăm khám, các bác sĩ xác định chị bị sa tử cung, sa bàng quang và trực tràng độ III. Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật treo tử cung ngã nội soi, sử dụng mảnh ghép tổng hợp. Sau can thiệp, chị K. chia sẻ, chị không còn mắc tiểu nhiều như trước, cũng không còn khối “thịt dư” sa ra ngoài âm đạo. Vùng bụng dưới cũng hết đau tức, triệu chứng đường tiểu không còn. Và quan trọng là chị cảm thấy tự tin và vui vẻ hơn nhiều.

Thạc sĩ - bác sĩ Trịnh Hoài Ngọc, Phó Trưởng Khoa Phụ, Bệnh viện (BV) Phụ sản TP Cần Thơ cho biết, từ khi thành lập năm 2014, BV đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 1.000 trường hợp sa tạng chậu. Đa phần người bệnh chịu đựng bệnh suốt một thời gian khá dài trước khi đến khám, từ lúc phát bệnh đến khi đi khám thường 1-2 năm, có trường hợp người bệnh 30 năm mới đi khám.

Tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh sa tạng chậu khá cao, khoảng 30-40%, thường xuất hiện ở độ tuổi mãn kinh. Sa tạng chậu không nguy hiểm tính mạng nhưng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống của phụ nữ. Một số trường hợp đến trễ có biến chứng bí tiểu phải xử lý cấp cứu hay bị viêm loét nặng tử cung, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người bệnh. Ngoài ra, do tỷ lệ bệnh cao và tâm lý ngại đi khám nên thường khi phát bệnh, người bệnh tự tìm cách trị trước khi đến với bác sĩ. Các bài thuốc dân gian hay “truyền tai” thường được sử dụng là đắp thuốc nam, hơ nóng, xông thuốc… Theo bác sĩ Trịnh Hoài Ngọc, tất cả các phương pháp dân gian này đều không có hiệu quả mà ngược lại có thể làm tình trạng nhiễm trùng nặng hơn, gây tổn thương các cơ quan xung quanh như bàng quang, trực tràng. 

Bác sĩ Hoài Ngọc cho biết, sa tạng chậu trước đây được gọi là sa sinh dục hay trong dân gian thường gọi là “sa tử cung”, “cục thịt dư”, là tình trạng đi xuống của một hay nhiều cơ quan trong vùng chậu vào trong hoặc ra ngoài âm đạo như tử cung, bàng quang, trực tràng, ruột non, niệu đạo trước… chứ không chỉ là sa tử cung như trong cách gọi của dân gian hay các quan niệm cũ.

Sa tạng chậu có rất nhiều biểu hiện từ nhẹ đến nặng như rối loạn chức năng tiết niệu (són tiểu, tiểu khó, tiểu không hết…), rối loạn chức năng hậu môn trực tràng (táo bón, són phân), giảm cảm giác tình dục, viêm nhiễm cổ tử cung. Mức độ nặng của triệu chứng quan trọng hơn và không phụ thuộc vào mức độ sa nên người bệnh cần đi khám ngay khi có triệu chứng dù nhẹ.

Nguyên nhân của sa tạng chậu là do suy giảm chức năng nâng đỡ của các cơ sàn chậu thường do phụ nữ lớn tuổi, sanh nhiều lần, làm công việc nặng, hay có tình trạng tăng áp lực ổ bụng thường xuyên như táo bón, ho mãn tính, béo phì…

Thời gian qua, BV Phụ sản TP Cần Thơ quan tâm phát triển lĩnh vực điều trị các bệnh lý sàn chậu. BV cử nhiều ê kíp đến các BV tuyến trên học tập, nâng cao trình độ; thành lập phòng khám sàn chậu. Hiện nay, BV áp dụng gần như đầy đủ các phương pháp mới trong điều trị sa tạng chậu như: tập sàn chậu, đặt vòng nâng Pessary, đặt mảnh ghép ngã âm đạo và nội soi, đặt TOT điều trị són tiểu…

Bác sĩ Trịnh Hoài Ngọc khuyến cáo, để phòng ngừa bệnh sa tạng chậu, phụ nữ nên hạn chế sanh quá nhiều, hạn chế làm các công việc nặng, không để táo bón, hay khi ho mãn tính nên điều trị dứt điểm. Khi phát hiện bệnh, cần đi khám sớm để được kiểm tra, tư vấn, tập các bài tập sàn chậu để hạn chế sa cũng như biết được các triệu chứng nguy hiểm cần đi khám và điều trị sớm. Không sử dụng các phương pháp dân gian, “truyền tai” vì có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cũng như làm tăng mức độ nặng của bệnh. Sa tạng chậu hiện nay đã được hiểu biết khá đầy đủ, có nhiều phương pháp điều trị mới, cải thiện rõ chất lượng sống cho phụ nữ. 

 Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết