13/05/2018 - 18:02

“Bắt tay” sản xuất quy mô lớn, theo chuỗi giá trị 

Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp thành phố dần chuyển hướng liên kết theo chuỗi giá trị, quy mô lớn và thân thiện với môi trường. Đây được nhận định là hướng đi đúng đắn giảm thiểu rủi ro trong quá trình sản xuất; tạo nguồn hàng ổn định, chất lượng phục vụ xuất khẩu; giải quyết tốt bài toán “đầu ra” cho nông sản, từ đó góp phần tăng thêm thu nhập cho nông dân.

“Kết nối” 

Điểm nhấn về liên kết, sản xuất theo quy mô lớn thể hiện rõ nhất ở  lĩnh vực trồng trọt. Đối với cây lúa, vụ đông xuân 2017-2018, mô hình “Cánh đồng lớn” tiếp tục phát triển với quy mô lên đến 23.636ha, trong đó diện tích ký kết hợp đồng bao tiêu chiếm 72%. Song song đó, các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường tiếp tục được phổ biến, nhân rộng. Đơn cử như: sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên cây lúa với quy mô 63ha tại Hợp tác xã Nông nghiệp Đồng Vạn (huyện Vĩnh Thạnh); 10,2ha rau màu tại Hợp tác xã Rau an toàn Long Tuyền (quận Bình Thủy) và 17,4ha cây ăn trái trên địa bàn huyện Phong Điền... Ngoài ra, với định hướng phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, nhiều nhà vườn ở huyện Phong Điền, quận Cái Răng xây dựng mô hình vườn cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái cho lợi nhuận cao gấp 1,5-2 lần so với trồng chuyên cây ăn trái. Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đồng Vạn, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “So với quy trình thông thường, sản xuất theo GAP năng suất chỉ bằng hoặc cao hơn không nhiều. Nhưng cái lợi ở chỗ là có thể tiết giảm chi phí sản xuất từ 3,5-4 triệu đồng/ha/vụ nhờ giảm phân thuốc, lượng giống gieo sạ...”.

Công ty TNHH MTV Phạm Nghĩa T&N là một trong những đơn vị tham gia vào chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn của thành phố. Trong ảnh: Sản xuất cá thát lát tại Công ty TNHH MTV Phạm Nghĩa T&N. Ảnh: MỸ THANH
Công ty TNHH MTV Phạm Nghĩa T&N là một trong những đơn vị tham gia vào chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn của thành phố. Trong ảnh: Sản xuất cá thát lát tại Công ty TNHH MTV Phạm Nghĩa T&N. Ảnh: MỸ THANH

Trên địa bàn thành phố cũng dần hình thành các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, liên kết sản xuất theo chuỗi. Đến nay đã hình thành 44 cơ sở chăn nuôi heo, 25 cơ sở chăn nuôi trâu bò và 8 cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung, quy mô lớn. Trong đó, có 17 cơ sở chăn nuôi đạt tiêu chí trang trại. TP Cần Thơ hiện có 4 mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi gồm: 2 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ bò sữa tươi của Hợp tác xã Nuôi bò sữa Long Hòa (quận Bình Thủy) và Trại bò sữa Lê Phi Tăng (quận Cái Răng); liên kết nuôi heo thịt của Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ với Xí nghiệp Chế biến thực phẩm I và chuỗi cung ứng trứng vịt muối của Công ty TNHH Vân Anh...

Tính đến thời điểm này, thành phố đã xây dựng thành công 12 chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn và xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho 50 sản phẩm. Các đơn vị, doanh nghiệp tiêu biểu tham gia chuỗi cung ứng này có thể kể đến là: Công ty cổ phần Gentraco, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, Hợp tác xã Nhất Tâm, Công ty Lương thực Sông Hậu, Công ty TNHH MTV Phạm Nghĩa T&N... Theo ông Nguyễn Minh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản TP Cần Thơ, xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là nhu cầu cấp thiết và cũng là giải pháp mang tính đột phá, bền vững để quản lý tốt chất lượng nông sản. Một khi chuỗi cung ứng này hoàn thiện sẽ tác động rõ rệt và toàn diện tới việc cải thiện chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần khẳng định và tạo lập niềm tin cho người tiêu dùng về dòng sản phẩm nông sản sạch. 

Nâng cao giá trị gia tăng

Mục đích chính của sản xuất tập trung quy mô lớn, theo chuỗi giá trị không chỉ để có nguồn hàng hóa lớn phục vụ nhu cầu thị trường mà còn giúp giảm thiểu rủi ro, nâng cao giá trị nông sản, từ đó tăng thu nhập cho nông dân. Mô hình “Cánh đồng lớn” được khẳng định thành công nhất trong việc liên kết sản xuất lúa hiện nay. Do đó, thời gian tới, ngành nông nghiệp thành phố tiếp tục mở rộng diện tích “Cánh đồng lớn” trên mỗi vụ sản xuất. Qua đó, thắt chặt hơn nữa mối liên kết “4 nhà”; đặc biệt là thực hiện hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp và các tổ hợp tác trong “Cánh đồng lớn”. Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Hợp tác xã Đồng Vạn, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Sản xuất lúa theo GAP phải tuân thủ nhiều quy trình kỹ thuật khắt khe (“1 phải, 5 giảm”, quản lý dịch hại theo hướng sinh học, ghi chép sổ tay sản xuất). Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đảm bảo làm đúng, chính xác các khâu vì nhận thức đây là việc cần làm để có thể nâng cao được lợi nhuận, vừa đảm bảo sức khỏe cho bản thân và góp phần bảo vệ môi trường. Và điều chúng tôi mong mỏi nhất là Nhà nước có chính sách khuyến khích trong việc nâng cao mức giá thu mua lúa làm theo quy trình GAP”.

Để phát huy lợi thế về trồng cây ăn trái, ngành nông nghiệp tập trung phát triển vùng sản xuất cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, áp dụng quy trình VietGAP trong thâm canh cây ăn trái, xây dựng mô hình kết hợp vườn cây ăn trái với du lịch sinh thái. Đồng thời, tập trung phát triển những loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao và mang tính đặc trưng của vùng như cam mật, bưởi Năm Roi, dâu Hạ Châu, xoài Sông Hậu (cát Hòa Lộc)… Ông Nguyễn Quang Nghị, Bí thư huyện ủy Phong Điền, chia sẻ: “Hiện nay, hợp tác, liên kết sản xuất là xu thế tất yếu và bắt buộc phải làm để giảm thiểu rủi ro và thu được lợi nhuận. Huyện kiến nghị thành phố đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn Phong Điền để hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái quy mô lớn (500-700ha). Nếu làm được điều này thì việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho xuất khẩu, giải quyết đầu ra cho sản phẩm... sẽ được thực hiện dễ dàng hơn”.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp thành phố hỗ trợ xây dựng, quảng bá hình ảnh, thương hiệu, liên kết sản xuất-tiêu thụ cho các sản phẩm được xác nhận sản phẩm an toàn. Qua đó, 100% sản phẩm trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đều ký kết được các hợp đồng phân phối với các đại lý, cửa hàng và hệ thống siêu thị trên toàn quốc. Trong số đó, nhiều doanh nghiệp dần hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm để hướng đến xuất khẩu. “Từ những kết quả đạt được, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020 có 35 chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn với 130 sản phẩm được xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Mục tiêu này nhằm tận dụng có hiệu quả nguồn nguyên liệu tại địa phương, tăng tính đa dạng về khả năng cung ứng; nâng cao giá trị gia tăng của hàng hóa nông sản Cần Thơ khi tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu”-ông Nguyễn Minh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản TP Cần Thơ, nhấn mạnh.

MỸ THANH

Chia sẻ bài viết