12/02/2017 - 15:41

“Bán danh ba đồng”

Để được xuất hiện vài phút trên sân khấu, được nhiều người biết đến, nhiều bạn trẻ đã chấp nhận làm xấu mình, mua vui cho thiên hạ. Dù biết chỉ là trò chơi nhưng nhìn họ bị trêu cợt rẻ rúng, chợt nghĩ đến lời dạy của ông bà xưa: "Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng".

Các nghệ sĩ này có cần "làm quá" khi thí sinh khách mời chương trình "Giọng ải giọng ai" hát chưa hay không? Ảnh: DK (chụp lại từ màn hình).

Chương trình "Giọng ải giọng ai" đang phát sóng lúc 19 giờ thứ bảy hằng tuần trên kênh HTV7 có hai đội chơi là các nghệ sĩ, có nhiệm vụ tìm ra người hát dở và hát hay trong số các thí sinh khách mời. Có nhiều giọng hát hay được tìm thấy, nhưng cũng có người hát chưa hay. Và với những giọng hát không hay, các nghệ sĩ tham gia thường biểu hiện thái quá: người cười ngặt nghẽo, người vò đầu bứt tóc, người cười té ghế theo đúng nghĩa đen… Khán giả xem chương trình nhìn các nghệ sĩ "diễn" mà tự hỏi: Có cần phải làm quá thế không? Bởi đó là hành động thiếu lịch sự và sao họ không thử đặt mình vào vị trí thí sinh để cảm nhận sự xấu hổ khi bị cười giễu. Còn chưa kể việc nhà sản xuất chèn những tràng cười ha hả để phụ họa nghe rất chướng tai. Nhưng đáng nói nhất có lẽ là các thí sinh khách mời. Mỗi người có giọng hát khác nhau, nhưng đâu cần phô trương cái dở của mình một cách quá đà. Họ cố gắng gào thét, luyến láy quá trớn, ủy mị, diễn trò để làm trò cười cho nghệ sĩ và khán giả.

Ngày càng có nhiều bạn trẻ mượn lớp áo truyền hình thực tế để tự làm xấu mình theo kiểu "không đẹp nhưng độc". Các kỳ phát sóng của chương trình "Thần tượng âm nhạc Việt Nam", "Cười xuyên Việt", "Thách thức danh hài"… khiến khán giả phát ngán với những màn trình diễn dị hợm, phản cảm khi giả nam, giả nữ, giả giọng hát "khủng". Một số bạn trẻ còn thể hiện "độ khùng" của mình trên các trang mạng xã hội để thu hút như Tùng Sơn, Thánh Sò… Nhìn những trò hề được diễn vô tư, sao thấy cay cay cho một bộ phận người trẻ lệch lạc về sự nổi tiếng.

Câu chuyện này còn cho thấy một số nhà sản xuất chương trình truyền hình thực tế và một bộ phận khán giả đang có thị hiếu giải trí dễ dãi, nếu không nói là lệch lạc. Những bạn trẻ thích làm trò, vì vậy trở thành "miếng mồi" cho nhà sản xuất. Như trong tập 14 của "Giọng ải giọng ai" phát hôm 4-2, một anh chàng điển trai nhưng hát dở tệ lại trở thành hiện tượng trên mạng, trang facebook của anh tăng lượt like (thích) lên hàng ngàn. Với mối tương hỗ: người thích làm trò để nổi tiếng- nhà sản xuất cò "mồi" để câu khán giả- một số khán giả lấy đó làm trò tiêu khiển, những hình ảnh không đẹp cứ đều đặn lên sóng truyền hình.

Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết