29/01/2015 - 20:19

“Ăn Tết” cần phòng tiêu chảy cấp

Nơi nơi, mọi nhà rộn ràng chuẩn bị cho gia đình một cái Tết cổ truyền an lành và hạnh phúc. Dù vui vẻ đón xuân nhưng mọi người đừng quên ăn Tết phải an toàn vệ sinh thực phẩm. đảm bảo sức khỏe, nhất là phòng tránh bệnh tiêu chảy cấp - đó là lưu ý của bác sĩ Trần Văn Phúc, Trưởng khoa Truyền Nhiễm, Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Cần Thơ.

Thiếu an toàn

Gia đình chị Ngọc Thu (ở quận Bình Thủy), vẫn chưa quên "phen hú vía" mùa Tết năm ngoái, khi cả gia đình phải luân phiên nhau túc trực thăm nuôi mẹ chồng ở BV. Chị Thu kể: "Mấy ngày Tết, con cháu về tề tựu, mẹ chồng tôi rất vui nên ăn uống ngon miệng. Bữa đó, mẹ ăn nhiều hải sản, với các thức ăn nhiều dầu mỡ khác, dẫn đến tiêu chảy cấp. Mẹ tôi lại mắc bệnh cao huyết áp nên bệnh chuyển biến nặng. May thay, mẹ tôi được đưa đi BV cấp cứu kịp thời. Do vậy, năm nay, tôi chăm lo Tết vui vẻ cho gia đình nhưng rất "cảnh giác" với bệnh tiêu chảy cấp".

Theo thống kê của BV Đa khoa TP Cần Thơ, 5 năm qua (Tết 2010 - 2014), cứ 10 bệnh nhân nhập viện vào Khoa Truyền nhiễm có tới 4 bệnh tiêu chảy cấp, trong đó 2/3 là người già lớn tuổi, còn lại thanh niên sau khi uống nhiều rượu – bia. Bệnh lý tiêu chảy do nhiều nguyên nhân như: do vi trùng (trong đó có bệnh dịch tả), do các loại ký sinh trùng đường ruột; độc tố vi trùng hoặc virus sinh ra; các hóa chất bảo vệ thực vật (thuốc diệt sâu, gầy, côn trùng và chất bảo quản thực phẩm…) hoặc các loại thực phẩm bị ngoại nhiễm.

Người dân nên chọn lựa thực phẩm tươi ngon, rõ nguồn gốc, để đảm bảo sức khỏe trong dịp Tết.

Bệnh lý tiêu chảy thường gặp nhất vào các dịp nghỉ lễ, hè, Tết hoặc những buổi tiệc nhiều người. Thứ nhất, liên quan việc ăn uống các loại thực phẩm, thức uống như: rượu bia, nước giải khát… bảo quản không tốt, hết hạn sử dụng. Hoặc các loại thực phẩm rau, củ tồn dư lưu lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật, khi người dân mua về sử dụng, rửa không sạch, khi ăn vào bị tiêu chảy cấp. Thứ hai, tiêu chảy do các loại thực phẩm bị ngoại nhiễm, khi bảo quản không tốt như thức ăn để qua đêm, rau củ bị hỏng do ngày Tết người dân thường mua dự trữ nhiều. Bên cạnh đó, người dân thường có thói quen chế biến rất nhiều thức ăn trong các ngày lễ, Tết, sử dụng trong ngày không hết nên để dành, tái chế để dùng tiếp nên bị tiêu chảy do vi trùng, virus hoặc do độc tố vi trùng tồn tại trong thức ăn hư... Thanh niên thì uống rượu, bia liên tục, dễ gây tiêu chảy do nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn và rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra còn ngộ độc rượu gây chết người.

Triệu chứng

Sau khi ăn hoặc uống các thức ăn bị nhiễm khuẩn vài giờ, người bệnh xuất hiện tình trạng khó tiêu, cảm giác bụng đầy hơi, khó chịu, xuất hiện tiêu chảy với các dấu hiệu: Phân lúc đầu sệt màu vàng sau đó phân toàn nước, hơn 2 lần/24 giờ, kèm theo đau bụng âm ỉ hay từng cơn vùng quanh rốn; nôn ói nhiều ra các thức ăn cũ và mới, có mùi hôi; sốt cao hoặc nhẹ, kèm đau đầu. Nếu mức độ nặng, bệnh nhân có thể bị vọp bẻ tay chân, thân người giá lạnh, tiểu ít, mệt mỏi, nói giọng khó nghe. Khi bị tiêu chảy, bệnh nhân luôn bị mất nước, do đó phải uống bổ sung nước: Nếu có sẵn nước Oresol (nước biển khô), pha 1 gói với 1 lít nước đun sôi để nguội cho bệnh nhân uống theo nhu cầu. Nếu không có Oresol, cho bệnh nhân uống nước đun sôi để nguội hoặc nấu nước cháo muối, pha nước đường muối cho bệnh nhân uống. Nếu bệnh nhân không giảm tiêu chảy, ói nhiều, mệt, vọp bẻ, tiểu ít hoặc không tiểu được, toàn thân giá lạnh, nói thều thào không ra lời hoặc bệnh nhân lớn tuổi, kèm theo bệnh mạn tính (tim mạch, phổi…), phải đưa đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị.

Người bệnh chú ý ăn các loại thức ăn lỏng, dễ tiêu như: cháo thịt, cháo cá, sữa; tránh các thức ăn để qua đêm, các món nhiều dầu mỡ, đạm, rau củ tươi sống, các thức uống có gas, cồn.

Phòng tránh

Một trong những sai lầm là không cho bệnh nhân tiêu chảy uống nhiều nước vì thấy ói nhiều quá, không cho uống nước, dẫn đến tình trạng mất nước nhiều và nặng, gây tụt huyết áp, dễ tử vong. Kế đến là dùng thuốc cầm tiêu chảy (thuốc tây và thuốc đông y, bài thuốc dân gian, gia truyền) dễ gây chướng bụng, liệt ruột do thuốc làm cho bệnh diễn tiến nặng thêm, khó đánh giá độ mất nước và bệnh hồi phục chậm hơn. Ngoài ra, đối với bệnh nhân sống một mình, ở xa, nhất là đối với người cao tuổi, có kèm bệnh mạn tính, khi bị tiêu chảy gây mất nước và rối loạn điện giải, dễ đưa đến sự cố tim mạch, gây tử vong nếu đưa đi cấp cứu trễ.

Để phòng tránh bệnh tiêu chảy cấp trong những ngày Tết sắp đến, bác sĩ Trần Văn Phúc khuyến cáo: "Mọi người cần thực hiện chế độ ăn uống như thường ngày là tốt nhất. Thức ăn cần chế biến sử dụng hết trong ngày. Chú ý các loại thực phẩm, bánh kẹo… trước khi sử dụng phải kiểm tra hạn dùng. Chế biến thức ăn phải hợp vệ sinh, ăn chín, uống chín và cần thiết rửa tay trước và sau khi ăn uống.

Ngoài ra, gia đình cần dự phòng một số loại thuốc dịp Tết như: nước biển khô (Oresol), men tiêu hóa (Biosubtyl DL), thuốc giảm đau hạ sốt (paracetamol).

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết