17/05/2018 - 16:46

“11 niềm hy vọng” – Không như kỳ vọng 

Với kinh phí đầu tư hơn 26 tỉ đồng, ý tưởng ấp ủ nhiều năm và kịch bản được dành tới 5 năm để chỉnh sửa, bộ phim “11 niềm hy vọng” lại khiến khán giả thất vọng. Kịch bản yếu kém cùng vô số lỗi logic khiến bộ phim của đạo diễn Robie Trường dù mang thông điệp tích cực, vẫn không được đánh giá cao.

 Tại Cần Thơ, phim đang chiếu ở các cụm rạp Lotte Cinema và CGV.

Phong (Nhan Phúc Vinh) và Hùng (Hoàng Phi) là đôi bạn thân, gia cảnh khó khăn nhưng đam mê và có năng khiếu bóng đá. Từ đội tuyển của tỉnh, cả hai được gọi vào tuyển trẻ quốc gia. Họ luôn bị hai cầu thủ “con nhà giàu” là Nam (Hiếu Nguyễn) và Bắc (Hùng Chilhyun) coi thường và chơi xấu. Khi tham gia giải cấp khu vực, vì không đồng ý gia nhập đường dây bán độ, Phong bị gài bẫy nên phải ngồi ghế dự bị. Trước trận chung kết, việc phát hiện Nam, Bắc bán độ khiến Phong và con gái huấn luyện viên rơi vào nguy hiểm. Mọi hy vọng chiến thắng của đội tuyển có nguy cơ tan vỡ…

Poster phim

Với kinh phí lớn, “11 niềm hy vọng” được chăm chút đầu tư về hình ảnh, kỹ xảo. Không khó để nhận ra nỗ lực của các nhà làm phim trong truyền tải niềm đam mê thể thao, tái hiện hành trình vượt khó, cống hiến của nhiều cầu thủ nổi tiếng của Việt Nam qua các nhân vật Phong, Hùng. Đồng thời, đề cao tinh thần đoàn kết, mang vinh quang về cho nước nhà của các cầu thủ; đấu tranh chống tiêu cực trong bóng đá. Thông điệp ý nghĩa là thế, nhưng cách thể hiện của phim khiến người xem thất vọng.  

Nhân vật chính được xây dựng rất mâu thuẫn. Lúc đầu, khán giả thông cảm cho Phong khi anh luôn bị giằng xé giữa đam mê và sự ngăn cấm của cha. Nhưng khi đã bỏ nhà để gia nhập đội tuyển thì Phong phải cố gắng hết sức cho sự lựa chọn của mình. Đằng này vì tình cảm, anh tập luyện chẳng ra gì, phải nhờ người khác vực dậy tinh thần mới tiến bộ. Đến khi đang thi đấu giải quốc tế, bị gài bẫy, chơi xấu, anh lại nhanh chóng chán nản, bỏ cuộc, khiến một cô gái vì muốn giúp anh nên gặp nguy hiểm. Từ đầu đến cuối, nhân vật này thua xa nhân vật phụ là Hùng ở tinh thần và ý chí vươn lên.

Các cảnh đá bóng, tập luyện, thi đấu được thể hiện qua loa, mang tính minh họa chứ không làm bật được cao trào, kịch tính. Đối thủ từng trận mạnh yếu ra sao, chiến thuật cho mỗi trận đấu như thế nào... đều không hề được nhắc đến. Ngay lúc trận chung kết đang hồi quyết liệt, huấn luyện viên cũng chẳng có phương án hay chỉ đạo gì cho đội tuyển, toàn để các cầu thủ tự quyết định, tự ứng biến. Phim mang tên “11 niềm hy vọng” nhưng chỉ tập trung vào việc đấu đá của 4 cầu thủ: Phong, Hùng, Nam, Bắc; 7 cầu thủ còn lại vô cùng nhạt nhòa nên người xem cũng chẳng thấy tinh thần đoàn kết của cả đội. Dù trận đấu cuối cùng có gợi chút cảm xúc, nhưng việc khắc họa hình ảnh đối thủ quá tệ khiến chiến thắng cũng chẳng vẻ vang gì. Đó là chưa kể, phim muốn phanh phui và lên án nạn bán độ, nhưng tình huống và cách giải quyết quá đơn giản, ngô nghê.

Thiếu sự chắc tay trong dàn dựng, kịch bản, trong khi thể thao là đề tài khó; thất bại của “11 niềm hy vọng” khá dễ hiểu. Sau phim “Sút” năm 2016 thì đây là bộ phim thứ 2 điện ảnh Việt thử sức với đề tài bóng đá nhưng lần nữa không thành công.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết